Theo đó, các bài thi này mắc lỗi thường gặp của thí sinh, đó là tô nhầm mã đề, số báo danh, tô mờ hoặc tô nhiều hơn một đáp án trong bài thi.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đã hoàn tất công tác chấm thi cả bài thi trắc nghiệm và tự luận từ ngày 9/7. Ngay sau đó, hội đồng chấm thi tỉnh Hòa Bình đã gửi kết quả về bộ GD&ĐT, chờ ngày công bố.
"Trong quá trình chấm thi tự luận, không phát hiện bài thi nào "bất thường" hay đặc biệt. Hội đồng chấm thi đảm bảo các ban chấm thi độc lập tự luận và trắc nghiệm. Năm nay, đại học Hà Nội chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại địa phương. Để việc chấm thi diễn ra suôn sẻ, tỉnh Hòa Bình bố trí máy móc, thiết bị đầy đủ cho cán bộ, giảng viên chấm thi.
Đối với các bài thi trắc nghiệm, xuất hiện những lỗi thường gặp mà ở địa phương nào cũng có, các giám khảo phải kiểm dò, khắc phục lỗi để phần mềm chấm thi trắc nghiệm có thể chấm được bài và đảm bảo công tác an ninh, giám sát", Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình khẳng định.
Theo quy chế thi THPT Quốc gia 2019, việc chấm thi các môn trắc nghiệm được giao cho các trường đại học thực hiện. Công tác chấm thi trắc nghiệm tại các địa phương được thực hiện khá nhanh chóng và được giám sát, bảo mật một cách kỹ lưỡng.
Theo TS. Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng đại học Hà Nội, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tỉnh Hòa Bình, năm nay, trường đã huy động 12 cán bộ, giảng viên tham gia chấm 26.038 bài thi trắc nghiệm, trong thời gian 7 ngày (từ ngày 28/6 đến 4/7/2019).
Kết thúc công tác chấm thi, ban chấm thi trắc nghiệm tại hội đồng thi tỉnh Hòa Bình phát hiện khoảng 6% trong tổng số 26.038 bài thi, với lỗi cơ bản là tô mờ, tô đúp, tô nhầm mã đề, tô nhầm số báo danh. Tất cả những lỗi tô sai này là bình thường, không phải bất thường. Việc chấm thi trắc nghiệm ở Hòa Bình không xảy ra sự cố bất thường nào.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như trên nên ban chấm thi trắc nghiệm của đại học Hà Nội đã kiểm dò và sửa tất cả các bài thi đó một cách rất kỹ lưỡng. Tất cả công đoạn kiểm sửa đều thực hiện trên máy tính.
Theo TS. Phạm Ngọc Thạch, các thí sinh cần lưu ý lỗi này để tránh, đặc biệt, đối với những thí sinh chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 khi tô đáp án phải chọn lựa 1 đáp án đúng nhất và tô đậm, chứ không được tô 2 đáp án cùng đậm.
Nếu tô 2 đáp án cùng đậm thì coi như câu trả lời đó không được tính điểm. Để tránh tô đúp đáp án, thí sinh cần đối chiếu kỹ câu hỏi và câu trả lời, tránh tô nhầm phần trả lời ở câu sau lại tô lên câu trước.