Liên quan đến hàng loạt bức xúc của phụ huynh học sinh trong đầu năm học 2023-2024, sáng 25/9, PV Người Đưa Tin đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Tp.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Ông Thọ cho hay, hàng năm, căn cứ theo văn bản của Sở GD&ĐT hướng dẫn thu chi, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND Tp.Buôn Ma Thuột ban hành văn bản chẩn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học. Hơn nữa, hiện nay, Phòng đã thành lập đoàn xuống kiểm tra về công tác thu chi tại các trường. Qua công tác kiểm tra cho thấy, cơ bản các đơn vị đã thực hiện đúng công văn hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, cũng còn một số nội dung cần công khai thực hiện rõ hơn để phụ huynh học sinh nắm.
Liên quan đến các hình thức dạy tăng cường tại các trường học hiện nay, Phó Trưởng phòng GD&ĐT cho hay: “Hiện nay, vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư và đã có hướng dẫn cụ thể. Tại tỉnh Đắk lắk, nghiêm cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức đối với bậc tiểu học; còn bậc THCS thì vẫn được phép tổ chức dạy thêm trong nhà trường. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc tiểu học (đã thực hiện đến lớp 4) tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Trong đó, có 1 ngày học 7 tiết chính khóa (sáng 4 tiết, chiều 3 tiết). Sau kết thúc 7 tiết thì thời gian còn sớm, nhiều phụ huynh chưa đón được”.
Do đó, theo thông tin từ ông Thọ, đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có hướng mở là tạo ra tiết học của các câu lạc bộ về năng khiếu, thể thao, âm nhạc, mỹ thuật để các em có thời gian chờ phụ huynh đến đón. Tuy nhiên, ông Thọ nhấn mạnh, các tiết tăng cường chỉ được tổ chức sau 7 tiết chính khóa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh.
Khi tổ chức thực hiện các câu lạc bộ, nhà trường phải xây dựng kế hoạch, thông qua ý kiến và được sự đồng thuận, tự nguyện của phụ huynh học sinh. Đồng thời, nhà trường phải trình hồ sơ lên Phòng GD&ĐT để xem xét, thẩm định hồ sơ. Sau khi Phòng GD&ĐT đồng ý thì các trường mới tổ chức thực hiện các câu lạc bộ.
“Năm học 2023-2024, chưa thấy có trường nào đăng ký tổ chức về các câu lạc bộ này. Tuy nhiên, qua nắm bắt từ các cơ quan truyền thông thì hiện nay có một số đơn vị đang tổ chức, thực hiện các câu lạc bộ theo nhu cầu nhưng chưa được Phòng GD&ĐT đồng ý, cho phép. Do đó, ngay trong sáng nay (tức 25/9), Phòng đã có chấn chỉnh các đơn vị tạm dừng. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ trình Phòng GD&ĐT phê duyệt. Sau khi Phòng thẩm định hồ sơ đủ điều kiện và cho phép, có văn bản thì mới tổ chức thực hiện các câu lạc bộ” – ông Thọ thông tin.
Quy định là vậy nhưng trên thực tế, nhiều phụ huynh vẫn phản ánh, một số trường trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột tổ chức dạy Toán và Khoa học bằng Tiếng Anh (Ismart) “tự nguyện trong bắt buộc”. Theo đó, một phụ huynh cho con theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột đã đăng lên mạng xã hội bức xúc vì khi không cho con học Ismart thì trường bố trí cho con phòng học với cơ sở vật chất kém, máy chiếu rất mờ, học sinh không thể sử dụng.
Trước những bức xúc của phụ huynh học sinh, ông Thọ khẳng định: “Việc bố trí lớp học là thẩm quyền của nhà trường khi làm công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu lấy lý do học sinh học Ismart hay không học Ismart để bố trí lớp học là không phù hợp. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây là một trong những hình thức bổ sung trong quá trình học ngoại ngữ. Đây là một loại hình thực hiện trên tình nguyện của phụ huynh học sinh. Do đó, với những học sinh không có nguyện vọng thì nhà trường không bắt buộc. Về phía ngành GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan để thẩm định nội dung, chương trình có hiệu quả hay không. Do đó, hiện nay, những đơn vị cung cấp chương trình học Ismart cho các trường để thực hiện dạy liên kết đều đã được Sở GĐ&ĐT cấp phép”.
Từ những thông tin mà báo chí cung cấp, ông Thọ cho biết, Phòng GD&ĐT sẽ đi kiểm tra toàn bộ những vấn đề mà các trường tổ chức thực hiện. Nu không đúng, Phòng sẽ có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện đúng quy định. Nếu có nội dung vượt quá thẩm quyền, Phòng sẽ báo cáo để xin ý kiến của Sở GD&ĐT.
Khánh Ngọc