Câu chuyện mà tôi sắp kể cho mọi ngươi nghe sau đây là một câu chuyện phù phiếm. Phù phiếm và nhạt nhẽo như cuộc đời của tôi. Cuộc đời của một chân dài gặp quá nhiều biến cố, sự kiện mà chẳng đọng lại điều gì. Tất cả đều trôi đi, như bèo giạt mây trôi, như nước chảy qua cầu. Yêu thương hay hận thù, bởi chúng quá là phù phiếm. Chỉ còn lại đôi chân này, là vẫn dài miên man cùng câu chuyện của nó…
Đã từ lâu tôi luôn nghĩ mình sẽ trở thành người nổi tiếng. Người của công chúng.Ví dụ như người mẫu. Ví dụ như siêu sao điện ảnh.Tôi muốn được nhiều người biết đến, cung phụng, săn đón, chiều chuộng.Tôi muốn mình có “giá trị đặc biệt” khủng. Tôi không muốn mình sống lu mờ nhạt nhòa như những đứa bạn cùng trang lứa trong làng. Chúng nó lớn lên, vội vàng lấy chồng, ném tuổi xuân thì nhan sắc vào những công việc nhàm chán, quanh năm đầu tắt mặt tối cho những ông chồng và những đứa con, chẳng đâu vào đâu. Rồi già đi và chết. Một đời vô nghĩa, tối tăm. Luẩn quẩn như bao thân phận người phụ nữ quê tôi. Ấy là tôi nghĩ thế. Tôi nhìn thấy thế. Và chỉ nghĩ được như thế. Đúng hay sai là do quan điểm nhận thức cuộc sống của mỗi người.
Quay trở lại với những ước mơ khát vọng nhấc tôi lên khỏi mặt đất, bay chấp chới giữa 9 tầng trời xanh. Không hiểu tại sao tôi lại có ý nghĩ khác người đó? Phải chăng từ nguồn sách báo phim ảnh mà vô tình tôi tiếp thụ được từ thuở tôi ý thức được bản thân mình. Với những giá trị mà bọn con gái quê tôi không bao giờ có được.
Tôi khác người từ lúc mẹ cha cho tôi mang nặng kiếp người. Tôi đẹp từ lúc tôi là một hài nhi bé bỏng. Mẹ tôi kể rằng, tôi được sinh ra vào một đêm trăng sáng nhất của một năm. Tôi không khóc mà lại cười trong cái giây phút đầu tiên làm người của tôi. Tôi là đứa con của Trời. Là lộc của cõi trên ban xuống cho bố mẹ tôi. Không ai trắng trẻo xinh đẹp như tôi. Không ai lạ lùng như tôi. Càng lớn, tôi càng đẹp hơn lên mỗi ngày. Hiện vẻ hoa khôi, sang trọng, đài các, điệu đà, tiểu thư. Tôi như kẻ lạc loài rơi xuống trần gian lầm lụi. Tuổi thơ nhà quê lam lũ vất vả, mưa nắng đọa đầy không hủy hoại tàn phá được những nét kiêu sa lá ngọc cành vàng nơi tôi mà ngược lại. Trò chơi thơ ấu, tôi luôn làm hoàng hậu hay công chúa. Lúc chăn trâu cắt cỏ, lúc ngủ quên dưới gốc đa giữa đồng, hồn tôi phơ phất về cõi bồng lai tiên cảnh. Nơi ấy chỉ có hoa thơm quả ngọt. Và tôi là tiên nữ trong cái cõi mơ ấy.
Mẹ tôi vui mừng tự hào về tôi. Riêng bố, người có vẻ không hứng thú tý nào. Ông luôn thở dài hay nhìn tôi bằng ánh mắt lo âu phiền muộn. Đôi khi ông cáu gắt vô cớ và có phần nghiệt ngã với tôi. Tôi sợ hãi và thấy mình ngày càng xa cách bố. Giữa hai bố con có một khoảng cách vô hình nào đó khó vượt qua. Tôi buồn vì điều đó nhưng không lâu. Tuổi trẻ vốn sống ào ào và dễ dàng cho qua mọi chuyện.
Lớn lên một chút, tôi thực tế hơn. Tôi hướng giấc mơ của mình vào những cô người mẫu, hoa hậu hay diễn viên điện ảnh. Với tôi, họ thực sự là những bà hoàng, công chúa, tiểu thư. Tôi choáng ngợp trước những hình ảnh long lanh ấy. Dĩ nhiên tôi cất giấu trong tim mình, chôn chặt những ước muốn ngút ngàn ấy. Tôi sợ mọi người cười chê giễu cợt. Mơ ước chỉ là ước mơ. Tôi không biết làm thế nào để chỉ một lần, chạm tay vào khung trời ảo vọng ấy của mình. Tôi chỉ biết, duy nhất, trút vào nhật ký, những tâm tư ước vọng của mình. Ở đó, tôi được thở than, được tưởng tượng được bay theo gió theo mây. Được sống thật với mình hơn bao giờ hết. Được tô vẽ bản thân theo tưởng tượng số một của mình. Không giấu giếm che đậy. Khóc cười, hạnh phúc hay khổ đau, thỏa thuê.
Trượt đại học, thiếu nửa điểm, khối C, tôi chẳng bận tâm hay hối tiếc. Tôi thi là thi theo phong trào, để cho bố mẹ tôi vui. Tôi cũng chẳng thiết tha gì lắm với hình ảnh cô giáo dạy VĂN. Mọi người tiếc hùi hụi. Tôi chẳng biết nên vui hay buồn nữa. Nhưng chắc là vui hơn buồn. Tôi định bụng, ở nhà một năm.Thi vào một trường nào đó, oách hơn, liên quan tới cái đẹp của tôi. Thí dụ như khoa diễn viên trường sân khấu điện ảnh chẳng hạn. Điều này tôi mới biết khi xuống HÀ NỘI thi đại học. Tôi trọ cùng phòng với một con bé thi vào trường đó. Nó xấu và thấp hơn tôi rất nhiều mà tự tin ghê lắm. Nó bảo tớ mê làm nghề diễn. Tớ sẽ là người nổi tiếng. Em sẽ chuyên vào vai phản diện, sát thủ hay người độc ác gì đó. Bọn con gái xinh đẹp không thể vào vai thể loại này được. Nó uống rược và hút thuốc như đàn ông. Nó bảo, nghệ sỹ mà.! Bó tay. Những vô tình, nó đã đánh thức những ước mơ đang ngọ nguậy trong đáy sâu tâm hồn tôi.
Nó bảo người như cậu, xinh đẹp cao ráo trắng trẻo thế lại có nguy cơ tiềm ẩn một tài năng, một tính cách nghệ sỹ mà không thi vào cái trường đào tạo ngôi sao ấy quả là uổng phí vô cùng. Thôi, bỏ mẹ cái trường dở hơi này thi vào Điện ảnh đi! Tôi thầm trách mình ngu ngốc và thẫn thờ bước vào phòng thi với tâm trạng, kệ thế nào cũng được. Hình ảnh con bé mang khuôn mặt của thần chết ảm ảnh tôi suốt những ngày thi. Ngày tôi và nó chia tay, nó bảo bạn chịu khó xem phim VIÊT bạn sẽ thấy tớ. Lúc ấy bạn sẽ tha hồ mà khoe, ngày xưa tớ được ở cùng với cô ấy đấy. Tôi cười cười và thấy ganh ghét với nó. Chẳng hiểu tại sao? Tôi về quê, chờ mãi chờ mãi đến tận bây giờ, bao nhiêu ngày tháng chẳng thấy mặt mũi nó lần nào trên tivi. Chắc là nó trượt chổng vó. Đáng đời! Ai bảo tinh vi hợm hĩnh cho lắm vào!
Khi chân dài mang thân phận nàng Kiều
Về quê, lâng lâng mấy ngày như lên cơn sốt. Hình ảnh cái thành phố xa hoa ấy bắt đầu len lỏi đi sâu vào trí não non nớt ngây ngô của tôi. Nhưng cũng chỉ được nghỉ ngơi mấy ngày thôi! Tôi vẫn phải ra đồng với tâm trạng hồn một nơi xác một nơi. Cuộc sống trước mắt vẫn phải tiếp tục với cái tiết tấu mòn mỏi nhàm chán mà vất vả cực nhọc.
Bọn trai làng bắt đầu tấn công tán tỉnh tôi. Chúng lượn lờ nhà tôi suốt ngày đêm như đèn cù. Đủ các thể loại thành phần. Dĩ nhiên tôi chẳng thích anh chàng nào. Tôi sợ cái cảnh vợ chồng nơi quê tôi. Lâu hết đời lắm!
Bố tôi gọi ông bạn là thầy bói đến. Ông ta xem mặt mũi, xem ngày sinh tháng đẻ của tôi, phán, con bé này mang thân phận của nàng KIỀU, ông bà muốn đời nó không long đong đoạn trường nên khuyên cháu lấy chồng càng sớm càng tốt. Cả nhà tôi lo lằng. Tôi cũng hoang mang và sợ hãi vô cùng. Lấy chồng, có nghĩa là sẽ chấm dứt mọi chuyện. Uớc mơ thuở nào và sẽ phải sống với nỗi sợ hãi của một đời lấm lem nhỏ bé.
Bố ép tôi phải lấy chồng. Lấy ai cũng được. Cho xong đi. Mẹ tôi van nài bố tôi, đợi kết quả thi cử của tôi thế nào đã. Bố tôi bảo có đỗ cũng không cho đi. Càng học cao càng khó lấy chồng. Làng này 10 đứa ra thành phố học thì có 9 đứa dở ông dở thằng. Cao không tới, thấp không xong.
Nói thế nhưng bố vẫn cho tôi được đợi cái tin quan trọng từ nơi thành phố xa xôi kia. Như thể đó là một sự nhân nhượng đầu tiên và cuối cùng. Tôi hồi hộp đợi chờ, mong ngóng và hy vọng. Thời gian chờ đợi trôi đi chậm chạp lê thê, nhưng vẫn đầy căng thẳng âu lo. Cuối cùng thì cái thời khắc ấy cũng đã đến. Chua chát bẽ bàng cho tôi. Lúc tôi đang thò những ngón tay búp măng trắng muốt xuống bùn đen cấy lúa thì mẹ tôi hớt hải mang giấy báo thi đến. Tôi bóc vội ra xem và ngã nhào xuống ruộng. Mắt tôi nhòa lệ. Tôi thiếu đúng nửa điểm. Nửa điểm thôi mà trời ạ. Nó thay đổi cả một thân phận một định mệnh con người.
Tôi buồn ngất không phải vì không được đi học mà vì như thế có nghĩa là tôi sẽ phải lấy chồng. Lấy chồng theo ý muốn của gia đình, không tình yêu thương. Như bao đôi lứa trong làng. Cứ lầm lũi đi bên cạnh nhau như hai con gì, cái gì ấy khó gọi tên lắm. Suốt đời! Rồi cũng qua đi một kiếp người! Mẹ an ủi tôi rất nhiều nhưng tôi không nghe nổi không nhớ nổi điều gì. Tôi biết mẹ thương tôi, nhưng thương theo cái cách của một bà mẹ nông dân, ít chữ, ít va chạm với xã hội. Ở thế kỷ 21 này, điều đó không phù hợp và thậm chí không tốt hoặc có phần nguy hiểm.
Bố thì vui mừng ra mặt. Ông mổ gà thết đãi bạn bè. Và nhăm nhe Tuấn cho tôi. Tuấn học trên tôi 2 lớp, khá đẹp trai, con nhà giàu, cùng từng đỗ đại học kiến trúc nhưng thế nào lại không đi ở nhà làm kinh tế trang trại với gia đình. Tuấn theo đuổi tán tỉnh tôi từ lúc tôi mới bước vào phổ thông trung học. Tôi mến Tuấn nhưng không có cảm tình sâu nặng với anh ta. Có lẽ vì chúng tôi va vào nhau quá ít và không sâu sắc để hiểu hết tâm tư lòng dạ của nhau.
Tôi đóng cửa, phản đối bằng cách tuyệt thực, khóc lóc. Tôi xin phép bố cho tôi thời gian suy nghĩ nhưng ông không đồng ý. Ông bảo nghĩ ngợi cái gì. Tuấn thì cứ 24 trên 24 ở nhà tôi. Ghét không chịu được. Mẹ thì lấy nước mắt để khuyên bảo dạy dỗ tôi. Bạn bè cũng nghiêng về phía gia đình. Một lần nữa tôi lại lạc loài giữa quê hương, người thân.
Ngày cưới đã ấn định. Gia đình Tuấn mang lễ lạt đến dạm ngõ. To lắm. Hết nhiều tiền lắm. Làng trên xóm dưới, xôn xao về sự kiện vĩ đại này. Tôi vẫn mặc kệ, đấu tranh theo cái cách riêng của mình.Tôi tránh mặt Tuấn, mặc cho bố đánh mẹ khóc và bạn bè khuyên nhủ. Ngày tôi phải lên xe hoa đến mỗi lúc một gần.
Không còn sự lựa chọn nào khác, không còn cách nào khả thi hơn. Trước ngày cưới đúng một hôm. Vào một đêm mưa gió rất to, tôi xách ba lô ra khỏi nhà. Hành trang mang theo là mấy bộ quần áo và một ít tiền, tôi cũng chẳng biết cụ thể là bao nhiêu. Trời đổ mưa tầm tã, tôi chạy thục mạng trên con đê làng. Những tia chớp thỉnh thoảng lại lòe sắc lẹm như muốn rạch tan cả mặt đất và bầu trời. Lòng tôi run lên vì đủ các thứ sợ hãi. Sợ ma quỷ. Sợ sét đánh. Sợ gặp kẻ xấu. Sợ bố mẹ tôi truy đuổi. Sợ mình sẽ gục ngã, chết vì kiệt sức. Nỗi sợ khiến tôi lao đi như có đàn chó dữ đuổi sau lưng.
Rạng sáng thì tôi ra tới đường quốc lộ. Bao nhiêu chuyến xe xuôi về Hà Nội đều từ chối tôi vì họ nghĩ tôi bị làm sao ấy thì phải. Quần áo ướt nhẹp. Đầu tóc bù xù. Mặt mày xám ngoét. Bộ dạng tôi, thảm hại như người chết trôi, như con tâm thần hoảng loạn. Cuối cùng, một chiếc xe vãn khách cũng đỗ lại. Tôi trèo lên xe vội vàng như sợ người ta sẽ hất tôi xuống đường. Mấy người trên xe nhìn tôi như thể tôi là quái vật. Kệ! Tôi thản nhiên ngồi xuống ghế.
Trời vẫn đổ mưa tầm tã. Không ngoái đầu lại đằng sau. Không một lời thì thầm giã biệt trong tim. Không rơi lệ như những cuộc chia ly khác. Tôi mở mắt trừng trừng nhìn về phía trước. Hà Nội! Vô cảm! Không nghĩ ngợi được điều gì! Không hoang mang hay sợ hãi gì nữa. Đầu óc tôi, trái tim tôi, tâm hồn tôi, nội tâm trống hoác trống huơ. Rỗng như bầu trời tương lai mù mịt đang đổ mưa trước mặt. Phía sau tôi, sau chiếc xe đang lao bánh chạy điên cuồng để tranh cướp khách với những chiếc xe khác, là con đường về nhà, mỗi lúc một xa hun hút mịt mờ!
Dấn thân vào chốn phồn hoa
Hà Nội đón tôi, con bé nhà quê, ngu xuẩn ngốc nghếch, tự tin một cách dại khờ bằng một cái nóng nung người. Nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 50 độ C. Vạ vật ở cổng trường phân viện báo chí gần trọn một ngày, thần kinh căng như một sợi dây đàn và mắt mở trừng trừng như không chớp, cuối cùng tôi cũng tìm được người cần tìm. Người duy nhất tôi biết và thiết thân ở Hà Nội, đó là Hạnh.
Hạnh cùng quê cùng trường cùng tuổi với tôi nhưng học sớm hơn tôi một năm và đã thi đỗ đại học. Nó muốn trở thành nữ nhà báo, để được đi đây đi đó cho thỏa chí giang hồ. Tôi không có số điện thoại. Vì là chạy trốn nên tôi không kịp qua nhà nó lấy số điện thoại. Với lại tôi cũng sợ gia đình tôi biết sẽ lộ tung tích. Họ sẽ xách cổ tôi về mất. Hạnh không xinh đẹp nhưng thông minh sắc sảo và có vẻ thạo đời tửng trải. Nhà Hạnh thuộc diện nghèo nhất xóm.
Hạnh ngạc nhiên khi thấy tôi xuất hiện trước mặt nó. Tôi nói với nó là ở nhà chán đời nên xuống Hà Nội chơi với nó, Hạnh đưa tôi về căn phòng trọ ổ chuột của nó. Tôi không ngờ đời sinh viên lại nghèo nàn rách rưới và khổ sở như thế. Rồi vào một đêm đẹp trời, không giữ được tự chủ, tôi kể cho Hạnh nghe tất tần tật mọi chuyện, chuyện Tuấn, và dại dột nhất là tôi kể cho nó nghe về những ước mơ dự định của tôi ở Hà Nội. Dù chẳng biết bắt đầu từ đâu, Hạnh mắng tôi một trận tơi bời khói lửa. Nó khuyên tôi nên về nhà, thuyết phục bố mẹ tôi không cưới xin mà ôn thi tiếp một năm. Nó cũng chửi tôi là ngu ngốc là hoang đường khi muốn dấn thân vào ngành giải trí. Nó cười vào những ước mơ của tôi. Tôi buồn và giận nó đến phát khóc. Tưởng đâu là tri âm tri kỷ, sẻ chia thông cảm giúp đỡ được tôi. Tất nhiên về mặt tinh thần. Hóa ra nó chẳng hiểu gì về tôi. Những lời của nó nói với tôi, chỉ càng làm cho tôi thất vọng và chán nản về nó.
Ba hôm sau, nhân lúc Hạnh đi học, tôi lặng lẽ ra đi. Không một lời nhắn nhủ hay từ biệt. Để cho nó biết là tôi đã giận nó và những lời dạy dỗ khuyên nhủ của nó chẳng có tác dụng gì với tôi. Tôi đi. Lang thang. Vô định. Chẳng biết đi đâu về đâu. Lúc này tôi mới thật sự lo lắng. Tiền trong túi tôi đã cạn kiệt. Tôi hoang mang quá. Không có lẽ mình phải quay về nhà mất thôi. Ý nghĩ đó làm tôi tủi thân và tôi bật khóc. Lặng lẽ một mình. Dòng đời vẫn ngược xuôi chen chúc, bày cả ra trước mắt tôi mà sao tôi thấy lẻ loi cô độc đến lạ thường. Những con người, chi chit như những vì sao trên trời, sao suốt đời chẳng thấy chúng gặp nhau? Thành phố này, mặt đất này như thể là một quần thể cô đơn đi bên cạnh cuộc đời nhau. Xa xôi lạ lẫm với chính mình…
Như là sự tình cờ của số phận. Một tấm biển đề “cần tuyển nhân viên nữ-ưu tiên có ngoại hình”- treo xiêu vẹo lủng lẳng trước cửa quán cà phê đập vào mắt tôi. Tim tôi đập thình thịch. Thôi thì cứ tạm đủ sống qua ngày đã. Mọi chuyện tính sau. Tôi dè dặt bước vào quán gặp bà chủ. Mấy tay nhân viên nam nhìn tôi bằng cái nhìn vừa buốt giá, vừa thương hại. Tôi không hiểu nổi những cái nhìn đầy ẩn ý ấy! Bà chủ, sồn sồn phây phây, vàng ngọc đeo đầy người nhìn tôi soi mói như muốn ăn tươi nuốt sống tôi rồi gật đầu.
Thế là tôi thành cô nhân viên bưng bê của quán cà phê có cái tên là ĐẮNG ấy!n
Kao Nguyên
Kỳ 2: Bi kịch mang tên số phận