Ngoài một bộ phận nhóm ăn xin là người Việt Nam, trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều trẻ em, phụ nữ nuôi con nhỏ đi ăn xin mang quốc tịch Campuchia. Họ được kẻ chăn dắt tập hợp từ các tỉnh như: Sóc Trăng, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Thuận...
Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng những người này được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản về các chiêu thức ăn xin khi ra đường hành nghề. Thậm chí, những người này cũng được kẻ chăn dắt chỉ dạy cách phản ứng với người lạ, đối phó với cơ quan chức năng trên địa bàn hoạt động.
Theo chân một cậu bé ăn xin (khoảng 5 tuổi) tại cây xăng trên đường 3/2 đoạn giao với đường Lê Đại Hành (quận 11, TP.HCM), tôi phát hiện những mánh khóe xin tiền tinh vi đến bất ngờ.
Ban đầu, cậu bé cầm chiếc nón vây lấy khách hàng đến đổ xăng xin tiền. Tuy nhiên, cách này không mấy hiệu quả. Không ai cho cậu bé một đồng nào. Khoảng 15 phút sau, cậu bé tiếp tục vây khách, xin lần thứ hai. Tương tự lần đầu, cậu bé không nhận được tiền từ khách.
Tiếp đó, cậu bé lầm lũi đi vào một con hẻm nhỏ. Sau ít phút, cậu quay lại với một chân đi khập khiễng. Quan sát, tôi thấy cậu bé có dán miếng bông y tế dưới mắt cá chân. Không quan sát kỹ, ai cũng nghĩ cậu bị thương nặng. Lần này, thấy dáng đi tội nghiệp của cậu bé, vài vị khách đổ xăng đã cho tiền.
Thông qua nhân viên bán xăng, tôi được biết, cậu bé là người gốc Campuchia, chuyên ăn xin ở các cây xăng. Cậu được một người đàn ông Việt Nam chở đi “hành nghề” xoay vòng liên tục tại các địa bàn khác như: quận 10, quận Tân Bình, quận 6 và quận 11 (TP.HCM).
Dù lành lặn, nhưng khi không xin được tiền, những đứa trẻ này sẽ được đối tượng chăn dắt “đạo diễn” trở thành người thương tật. Không những thế, mỗi khi các nhân viên tại cây xăng hỏi chuyện, những đứa trẻ này đều nói tiếng Campuchia.
Anh T. bán hàng rong quanh cây xăng cho biết: “Ở đây, phần lớn những người gốc Campuchia đi ăn xin chỉ nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Mỗi lần gặp khách, đám trẻ thường cúi rạp người, tay vái lạy xin tiền”.
Để phân biệt người ăn xin gốc Campuchia và gốc Việt Nam đang hành nghề trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi đã làm một phép thử đơn giản.
Theo đó, tôi đi cùng một người bạn biết nói tiếng Campuchia và sử dụng tiền Riel (tiền Campuchia–PV) để tiếp cận người phụ nữ bế con nhỏ ngồi ven đường 3/2 cắt Nguyễn Tri Phương (quận 10).
Khi thấy chúng tôi chào hỏi bằng tiếng Campuchia, đồng thời đưa đồng 5 Riel ra trước mặt, chị này tỏ vẻ rất ngạc nhiên.
Sau đó, chị giới thiệu tên Kim (30 tuổi), người gốc Campuchia nhưng lấy chồng Việt Nam. Cả hai vợ chồng Kim mang con nhỏ tham gia vào đường dây chăn dắt ăn xin của người đàn ông tên M. (45 tuổi, tạm trú xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh).
Kim thú thật, mình đã sống bằng việc ăn xin nhiều năm nay. Chị cho biết, được người tên M. đưa đi xin ăn khắp các tỉnh miền Nam chứ không riêng TP.HCM.
Hằng ngày, tiền xin được, Kim phải giao nộp cho ông chủ. Cuối tháng, Kim được lĩnh lương. Kim cho biết, ông M. có vợ là người Campuchia nên rất rành tiếng bản địa. Mỗi tháng, ông M. sẽ đưa nhóm người ăn xin về nước nghỉ ngơi vài ngày. Sau đó, ông ta lại đưa một nhóm người mới sang Việt Nam đi xin. Trong tay ông này có khoảng 2-3 nhóm người như thế “để làm việc luôn ca”.
Theo Kim cho biết, đường dây của ông M. có đông người Campuchia. Tất cả đều được học vài ngôn ngữ tiếng Việt đủ để hiểu ý ông chủ, thuận tiện khi giao tiếp. Những phụ nữ Campuchia mang con sang Việt Nam tham gia các đường dây ăn xin có chung hoàn cảnh nghèo khó, đông con, không biết chữ…
(Còn nữa)
Huệ Trần
Xem thêm >>>
Ăn xin thu tiền triệu/ngày về quê xây nhà 3 tầng, biết nhục không bỏ nghề