"Tỷ phú giàu nhất thế giới" hủy hoại cuộc đời cháu trai vì bản tính keo kiệt
Jean Paul Getty, còn được gọi là J. Paul (1892 - 1976), là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới nhờ kinh doanh dầu mỏ. Dù giàu có và từng có 5 đời vợ nhưng tộc trưởng của gia đình Getty nổi tiếng là người keo kiệt. Ông thường diện những bộ vest nhăn nhúm và áo len cũ kỹ để trông có vẻ nghèo khó. Khi người vợ thứ 5 đi học diễn xuất, ông nhất quyềt yêu cầu bà phải nộp lại toàn bộ số tiền kiếm được từ nghề diễn.
Ông cũng từng bắt nhóm bạn chờ đợi chỉ để mua được vé rẻ hơn vào xem một chương trình biểu diễn. Sở hữu khối tài sản lên tới 3 tỷ USD và là người điều hành khoảng 200 công ty vào cuối những năm 1960, song ông thường xuyên than vãn về những khó khăn của việc là một tỷ phú, từ những lá thư xin tiền cho tới việc không biết liệu bạn bè có thật lòng với mình không. Ông thích đi máy bay nhưng ghét phải trả tiền vé. Dù đang ở trong một khách sạn sang trọng nhưng Getty vẫn lựa chọn những căn phòng nhỏ và rẻ nhất.
Một câu chuyện cho đến nay vẫn được nhắc tới cho thấy thói keo kiệt đến mức tàn nhẫn của vị tỷ phú là khi ông mặc cả từng đồng để chuộc người cháu nội J. Paul Getty III. Tháng 6/1973, John Paul Getty III (16 tuổi), bị bắt cóc khi đang mua truyện tranh ở một quầy báo tại Rome, Italy. Nhóm bắt cóc yêu cầu ông phải trả 17 triệu USD thì mới đồng ý cho cậu bé về với gia đình.
Khét tiếng keo kiệt, J. Paul Getty cương quyết không trả và giải thích: "Nếu tôi trả một đồng xu cho bọn chúng, 14 đứa cháu khác cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự". Được biết khoản tiền chuộc chỉ bằng doanh thu một ngày từ các mỏ dầu của J. Paul
Chỉ sau khi bọn bắt cóc gửi đến tóc và một phần tai của cậu cháu, vị tỷ phú mới chịu nhượng bộ và mặc cả xuống còn 3 triệu USD. Thời điểm ấy, tài sản của J. Paul Getty ước tính lên đến vài tỷ USD. Cuộc đời của John Paul sau vụ việc đó cũng bị hủy hoại hoàn toàn. Anh sa vào men say, thuốc phiện và bị đột quỵ vào năm 25 tuổi. Cậu ấm bị liệt tứ chi, mù 1 phần và qua đời vào năm 2011 ở tuổi 54 vì một vài căn bệnh gây ra bởi cú đột quỵ.
Nữ đại gia keo kiệt, khi chết để lại 12 triệu USD cho chó cưng
Leona Helmsley (SN 1920) được báo giới ca ngợi là “Bà hoàng bất động sản”, nhà từ thiện hào phóng, chủ nhân của những bữa tiệc xa hoa nhưng cùng với đó, bà cũng bị gắn với biệt danh “Nữ hoàng keo kiệt”.
Cùng với chồng là Harry Helmsley, bà nắm trong tay đế chế bất động sản trị giá hàng tỷ đô, trong đó có khách sạn Park Lane, toà nhà Empire State Building và phi cơ riêng với sức chứa 100 ghế ngồi. Là người sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng bà lại cho rằng: ‘Chỉ có những kẻ tầm thường mới nộp thuế”. Và năm 1989, bà phải nhận án tù 18 tháng vì tội trốn thuế 1,7 triệu USD. Thậm chí người bào chữa cho bà trong suốt phiên toà năm đó từng miêu tả về thân chủ như “một con chó cái khó chịu”. Chính sự chi li từng đồng từng cắc đã giúp cho tài sản của vợ chồng bà có lúc lên tới 5 tỷ USD - trở thành đối thủ của tỷ phú Donald Trump.
Bà cũng cho thấy một sự bần tiện hiếm có khi gây thù chuốc oán với nhà thầu nhận tu sửa toà nhà Dunnellen Hall. Hợp đồng tu sửa căn biệt thự 28 phòng ngủ trị giá 3 triệu USD nhưng bà không chấp nhận thanh toán một số khoản, trong đó có 88.000 USD cho một thợ xây với lý do đã cho anh ta công việc ở chuỗi khách sạn Helmsley. Các nhân viên làm việc cho nữ tỷ phú còn cho biết bà thường xuyên mua và sử dụng các đôi giày mới trong các chuyến công tác nhưng sau đó trả lại cửa hàng kèm theo yêu cầu hoàn tiền.
Nổi tiếng về thói tằn tiện nhưng sau khi qua đời vào năm 2007, bà đã để lại khối tài sản 12 triệu USD cho chú chó cưng có tên Trouble - điều khiến dư luận bàn tán sôi nổi lúc bấy giờ. Được biết bà cũng để lại gia sản cho con cháu nhưng có 2 người cháu bị gạt tên ra khỏi danh sách thừa kế. Ngoài ra bà còn dành 2,5 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện, đặc biệt là các bệnh viện và dự án nghiên cứu.
Hetty Green - Nữ tỷ phú kiệt xỉ nhất mọi thời đại
Hetty Green sinh năm 1834 trong một gia đình thương nhân giàu có. Hàng năm, gia đình bà kiếm được cả triệu đô từ việc săn bắt và vận chuyển cá voi. Ngay từ bé Hetty đã chịu hưởng rất lớn từ tư tưởng sống tằn tiện và coi giá trị đồng tiền là trên hết.
Bà đã làm quen với các báo cáo tài chính từ năm 2 tuổi. Tất cả những gì Hetty học được là không bao giờ để người khác coi thường và giá trị đồng tiền là tối thượng. Khi được cha cho 1.200 USD để sắm sửa quần áo Hetty lại đem gửi ngân hàng 1.000 USD và kiếm những bộ đồ cũ để mặc với khoản tiền 200 USD còn lại.
Bản thân Hetty rất sợ những kẻ đào mỏ và bà sẽ không bao giờ chấp nhận lấy một kẻ không có gì trong tay. Năm 1865 cha của Hetty qua đời và để lại toàn bộ gia tài 5 triệu USD cho bà. Sau này cũng nhờ kết hôn, Hetty được hưởng 6 triệu USD do người chồng để lại. Dù thực tế, Hetty chẳng mấy yêu thương người chồng lớn hơn 12 tuổi và là một đối tác của cha bà. Năm 1965, Hetty tiếp tục được nhận một nửa trong tổng số 2 triệu USD tài sản thừa kế từ người dì.
Với khối tài sản khổng lồ, Hetty đã mở rộng số tiền mình có bằng cách đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu. Bà nhanh chóng trở thành là nữ tỷ phú giàu nhất nước Mỹ cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên không chỉ được biết đến là một thiên tài đầu tư mà nữ tỷ phú còn để lại nhiều giai thoại về bản tính keo kiệt của mình. Cho đến tận ngày nay, bà vẫn nằm trong danh sách kỷ lục Guinness, được ghi nhận là tỷ phú kiệt xỉ nhất mọi thời đại.
Theo lời đồn, bà không bao giờ sử dụng lò sưởi hay nước nóng. Nữ tỷ phú chỉ mặc một bộ váy đen nhàu nhĩ còn đồ lót thì chỉ thay mới khi chúng đã sờn rách. Thậm chí, người ta còn đồn Hetty chẳng mấy khi rửa tay vì sợ tốn xà phòng, bắt người hầu chỉ được giặt rửa phần bị bẩn của quần áo để tiết kiệm bột giặt.
Bà đi lại bằng một chiếc xe ngựa cũ mèm và dùng bữa bằng những chiếc bánh chỉ có giá 15 cent. Người làm công còn cho biết Hetty đã dành nửa đêm chỉ để tìm chiếc tem thư giá 2 cent bị rơi trên xe ngựa. Khi cậu con trai Ned bị gãy chân, bà đã đưa cậu đến một trung tâm y tế dành cho người nghèo thay vì một phòng khám tử tế. Việc này khiến đôi chân của Ned bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ.
Trong khi đó, người con gái Sylvia cũng phải sống với Hetty đến tận năm 30 tuổi mà chẳng lấy được chồng vì bà cho rằng đàn ông chỉ ham muốn số tài sản thừa kế của Sylvia mà thôi. Phải đến năm 1909, Sylvia mới lấy được Matthew Astor Wilks, một trong những người thừa kế của dòng họ Astor và phải góp 2 triệu USD để chứng minh mình không phải kẻ đào mỏ. Tuy nhiên, 2 người vẫn phải làm hợp đồng trước khi cưới để đảm bảo Matthew không động vào tài sản của Sylvia.
Cuối đời, dù bị thoát vị đĩa đệm nhưng Hetty từ chối phẫu thuật thay vào đó bà sử dụng thanh nẹp để cố định xương sống. Càng ngày Hetty càng bị ám ảnh bởi suy nghĩ có người muốn hại bà vì tài sản thừa kế. Năm 1916, sau khi mất Hetty để lại gia tài trị giá khoảng 100-200 triệu USD, (khoảng 2,3-4,6 tỷ USD vào năm 2019). Nếu thông tin này là chính xác, Hetty có thể được coi là nữ tỷ phú giàu nhất mọi thời đại.
Minh Hoa (t/h)