Ái nữ sở hữu hàng chục tỷ USD không thích thương trường
Năm 2017, tỷ phú Liliane Bettencourt – người thừa kế duy nhất của tập đoàn L'Oréal nắm giữ khối tài sản 42,5 tỷ USD qua đời ở tuổi 94. Bà để lại toàn bộ tài sản cho cô con gái độc nhất - Francoise Bettencourt Meyers.
Trong năm 2018, khối tài sản của Francoise Bettencourt Meyers đã tăng 7,1 tỷ USD nhờ sự bùng nổ doanh thu từ các dòng mỹ phẩm do L'oreal quản lý như: Lancome, Maybelline, L'Oréal Paris, The Body Shop, Urban Decay, YSL Beauty, Giorgio Armani,...
Hiện tại, Meyers và gia đình sở hữu 33% cổ phần trong tại L'oreal, khoảng 90% tài sản của Bettencourt Meyers đến từ cổ phiếu L'Oréal.
Francoise Bettencourt Meyers hiện sống tại Paris (Pháp) và là Chủ tịch Quỹ từ thiện của gia đình - Bettencourt Schueller Foundation.
Khác với bà và mẹ của mình, Francoise Bettencourt Meyers là 1 người sống giản dị và kín tiếng mặc dù sở hữu số tài sản lên tới gần 54 tỷ USD.
Ngay từ nhỏ, Francoise Bettencourt Meyers cảm thấy lạ lẫm với sự xa hoa và giàu có, bà cũng không thích mua hay dùng những món đồ xa xỉ.
Hàng ngày, người thừa kế L'Oréal thường chơi piano vài giờ mỗi ngày và là tác giả của một cuốn sách về các vị thần Hy Lạp và một cuốn khác với lời bình luận về Kinh thánh.
Dù sinh ra trong gia đình giàu có chuyên về mỹ phẩm nhưng bà lại không quan tâm nhiều đến chuyện trang điểm hay quần áo cho bản thân.
Bà cũng ít khi nhận trả lời phỏng vấn của các tạp chí trời trang và làm đẹp nổi tiếng thế giới.
Về kinh doanh, nữ thừa kế tỷ phú tỏ ra ít quan tâm đến các vấn đề của L'Oréal mặc dù bà đã trở thành thành viên của hội đồng quản trị trong hơn 2 thập kỷ.
Thậm chí, tại các cuộc họp hội đồng quản trị của công ty, nữ thừa kế Meyers chỉ tham dự và không can thiệp vào nội bộ tập đoàn.
"Đế chế" L'Oréal hùng mạnh ra sao?
L'Oréal là 1 trong 7 tập đoàn chi phối gần như toàn bộ ngành công nghiệp làm đẹp trên thế giới.
Lịch sử hình thành công ty bắt đầu với việc ông Eugene Schueller phát minh ra thuốc nhuộm tóc nhân tạo đầu tiên vào năm 1907. Một năm sau ông bắt đầu việc kinh doanh khi thành lập công ty thuốc nhuộm tóc Pháp và sau đó được đổi tên đổi thành L'Oréal.
Năm 1960, công ty đã mua lại hãng Lancome & Garnier, rồi tung ra thị trường loại nước hoa Guy Laroche.
Hiện nay, cùng với Unilever, Coty, Procter & Gamble, Shiseido, Johnson & Johnson và Estée Lauder, L'Oréal được đánh giá là 1 trong 7 tập đoàn lớn nhất chi phối toàn bộ ngành công nghiệp làm đẹp thế giới.
Doanh thu năm 2016 của L'Oréal là 29,84 tỷ USD, lợi nhuận đạt 5,4 tỷ USD. L'Oréal hiện là công ty niêm yết lớn thứ 4 của Pháp.
Năm 2018, doanh thu của L'Oréal tăng mạnh nhất hơn một thập kỷ, đạt 30,6 tỷ USD, trong đó, riêng số liệu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 20%.
Lúc này, L'Oréal thu mua lại hãng mỹ phẩm đình đám 3CE đến từ Hàn Quốc của nhà sáng lập Kim So Hee. Năm 2019, hãng mỹ phẩm này đã làm mưa gió ở thị trường Trung Quốc và Nhật Bản với mức doanh thu khủng tăng gần 80% so với 2018.
Năm 2020, L'Oréal tiếp tục mua lại thành công thương hiệu chăm sóc da 170 năm tuổi của Mỹ - Thayers Natural Remedies.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, doanh số của tập đoàn giảm 6,3%, nhưng L'Oréal vẫn ghi nhận thu nhập ròng 4,4 tỷ USD trong năm 2020.
Theo báo cáo tài chính công bố ngày 15/4, doanh thu của tập đoàn mỹ phẩm L'Oreal trong quý I/2021 đạt 9,1 tỷ USD, cao hơn so với doanh thu 5,79 tỷ USD trong quý 1/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ 2020.
Sự phục hồi trong quý I/2021 đang tiếp tục nhờ thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cũng như hoạt động mua sắm trực tuyến sôi động.
Thanh Minh