Ngày 13/9 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 990 về việc đình chỉ toàn bộ hoạt động của Công ty cổ phần Chứng khoán HVS Việt Nam do không duy trì điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 94 Luật Chứng Khoán.
Trong quá khứ, Chứng khoán HVS đã nhiều lần vi phạm các quy định pháp luật và bị "tuýt còi". Gần nhất vào tháng 5/2024, UBCKNN đã phạt HVS 125 triệu đồng vì tự ý thay đổi trụ sở chính mà chưa có sự chấp thuận từ cơ quan quản lý.
Ngoài ra, công ty cũng phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do không báo cáo phương án khắc phục được HĐQT công ty thông qua về việc không đáp ứng việc duy trì điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Chính những sai phạm này đã dẫn đến quyết định đình chỉ hoạt động của UBCKNN đối với HVS như hiện tại.
Năm 2018, công ty bị phạt 70 triệu đồng vì không thiết lập Bộ phận Kiểm toán nội bộ. Cùng năm 2018, HVS bị rút nghiệp vụ môi giới và mất tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Sau đó, công ty cũng bị thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Giai đoạn từ tháng 10 - 12/2019, HVS tiếp tục bị đình chỉ hoạt động và phải đến ngày 7/7/2020 mới được chấm dứt đình chỉ hoạt động.
Bóng dáng Thành Công Group trong cơ cấu cổ đông
Theo tìm hiểu, Chứng khoán HVS được cấp phép thành lập và hoạt động theo Giấy phép của UBCKNN cấp ngày 15/12/2008, với các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán: Môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Từ khi thành lập đến nay, HVS đã có 3 lần đổi chủ. Đầu tháng 12/2020, ông Đường Văn Tài, ông Hoàng Nguyễn Thanh Hùng và ông Phạm Ngọc Chiến đã chuyển nhượng cổ phần cho 3 cá nhân khác là các ông Lê Hồng Anh, Nguyễn Toàn Thắng và Nguyễn Đình Đại. Tổng số cổ phần chuyển nhượng là 5,02 triệu cổ phiếu, tương đương 100% vốn điều lệ của HVS.
Tại thời điểm nhận chuyển nhượng cổ phần HVS, ông Nguyễn Toàn Thắng là thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư PV-Inconess (UPCoM: RGC). Ông Nguyễn Đình Đại là Thành viên Ban kiểm soát tại RGC.
Cổ đông lớn nhất lúc đó của PV-Inconess là TCG Land (sở hữu 75% vốn). TCG Land thành lập cuối năm 2017 là nhà phát triển bất động sản thuộc Tập đoàn Thành Công - cái tên đình đám trong lĩnh vực công nghiệp ô tô tại Việt Nam với một loạt doanh nghiệp như Hyundai Thành Công Việt Nam, Hyundai Phạm Hùng, Hyundai Ninh Bình, Hyundai Tây Đô…
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Thành Công Group cũng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT PV-Inconess. Ngoài ra, ông Nguyễn Toàn Thắng còn được biết đến là em trai của ông Nguyễn Anh Tuấn. Trong khi đó, bà Lê Hồng Anh chính là vợ ông Nguyễn Anh Tuấn.
Có thể thấy, những mối liên hệ này đều liên quan đến Thành Công Group của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn.
Rất nhanh sau đó, cơ cấu cổ đông lớn tại HVS lại thay đổi, cổ phần được chuyển giao cho bà Trương Thị Hồng Nga (49%), ông Ngô Văn Đô (22,28%), ông Thái Đình Sỹ (28,72%). Tới nay, 3 cổ đông này muốn thoái hết vốn.
Nửa đầu năm nay, cơ cấu cổ đông tiếp tục thay đổi hoàn toàn với sự góp mặt của 3 cá nhân mới là bà Văn Lê Hằng (90,81%), bà Ngô Thị Thủy (4,9%) và bà Lê Như Hoa (4,29%), thay cho nhóm lãnh đạo thượng tầng nói trên.
Đến tháng 8/2024, bà Văn Lê Hằng – cá nhân trong danh sách ứng cử Thành viên HĐQT đã trở thành cổ đông lớn sau khi mua vào gần 4,6 triệu cổ phiếu HVS, tương đương tỉ lệ 90,81%. Bà Văn Lê Hằng sinh năm 1993, hiện là chuyên viên kinh doanh tại Công ty TNHH TCG Land.
Bên cạnh bà Hằng, bà Lê Như Hoa hiện cũng đang nắm 4,29% vốn Chứng khoán HVS.
Gam màu xám từ kết quả kinh doanh
Về tình hình kinh doanh, trong giai đoạn 2009-2018, Chứng khoán HSV lỗ sau thuế từ 2-7 tỷ đồng mỗi năm, duy nhất 2014 công ty có lãi hơn 1 tỷ đồng.
Từ đó đến nay, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động trung bình khoảng 600 triệu đồng/năm. Lợi nhuận sau thuế "phập phù" lên xuống, chỉ có một vài năm lãi khoảng 400 triệu đồng.
Năm 2023, HVS phát sinh gần 800 triệu doanh thu (toàn bộ lãi tiền gửi có kỳ hạn). Trừ đi chi phí, công ty lãi hơn 290 triệu đồng.
Sang nửa đầu năm 2024, doanh thu của Chứng khoán HVS giảm gần một nửa so với cùng kỳ xuống 201 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại lớn hơn doanh thu khiến công ty lỗ sau thuế 265 triệu đồng, nâng mức lỗ luỹ kế lên hơn 39 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của HVS giảm nhẹ so với đầu năm xuống 10,9 tỷ đồng, trong đó có tới 10 tỷ đồng là khoản tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất 5,8%.
Tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, đơn vị kiểm toán cho rằng, việc UBCKNN vẫn đang xem xét chấp thuận về thay đổi trụ sở chính và tăng vốn điều lệ có thể dẫn đến hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động của HSV.
Thế nhưng tại báo cáo giữa niên độ, HĐQT và Ban Tổng giám đốc HVS tin rằng không có lý do gì để công ty không được UBCKNN chấp thuận tiếp tục hoạt động. Do đó, báo cáo tài chính giữa niên độ của công ty được lập theo giả định công ty sẽ tiếp tục hoạt động.
Trước đó, HVS lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh và thay đổi trụ sở chính trong năm 2024.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch phát hành tối đa hơn 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn thêm 300,2 tỷ đồng. Giá chào bán là 10.000 đồng/ cổ phiếu.
Số tiền huy động được, HVS sẽ dành 60% để bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh, 30% dùng để bổ sung cho hoạt động cho vay margin và ứng trước tiền bán.
Phần còn lại bổ sung cho các hoạt động khác như đầu tư phần mềm giao dịch chứng khoán; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng; đăng ký thành viên lưu ký, giao dịch.
Song hành với việc tăng vốn, công ty cũng có dự định bổ sung nghiệp vụ môi giới chứng khoán, lưu ký chứng khoán và tự doanh chứng khoán.