Tuổi trẻ tài cao
Malala Yousafzai chỉ mới 11 đã trở thành một nhà hoạt động thúc đẩy quyền được đi học, quyền tự do và quyền tự quyết của phụ nữ tại Swat Valley ở Pakistan, nơi Taliban cấm phụ nữ đi học. Cũng vào năm này, em được mọi người chú ý khi viết nhật ký về cuộc sống của mình dưới sự kiểm soát của phe Taliban. Những trang nhật ký của em được đăng tải trên trang BBC tiếng Urdu. Phe này chiếm được khu vực Swat, nơi Malala sinh sống, vào cuối năm 2007 và trên thực tế vẫn kiểm soát nơi đó cho đến khi họ bị lực lượng quân sự của Pakistan đuổi ra khỏi đây trong một cuộc tổng tấn công năm 2009.
Malala Yousafzai với Giải thương Hòa bình Thiếu nhi Quốc tế, ngày 6/9/2013.
Khi nắm quyền, họ đóng cửa các trường học dành cho trẻ em gái, ban hành luật Hồi giáo và áp dụng các biện pháp như cấm chơi nhạc trong xe ô tô. Malala Yousafzai được nhiều người trên khắp Pakistan khâm phục vì sự dũng cảm vì dám nói về cuộc sống dưới sự cai trị của các chiến binh Taliban, các phóng viên nói. Với những bài viết của mình, Malala đã vạch ra cho mọi người thấy những đau khổ mà phe dân quân gây ra.
Cũng chính vì điều đó mà Malala bị một tay súng bắn vào tháng 10/2012. Kẻ bịt mặt gọi tên Malala, sau đó bắn thẳng vào đầu cô làm viên đạn xuyên vào mắt trái và vỡ hộp sọ. Vụ tấn công vào một học sinh nữ lên tiếng vì quyền được học hành của trẻ em gái, đã gây chấn động ở Pakistan và thế giới.
Phe Taliban nói rằng, cô là mục tiêu tấn công vì dám "cổ vũ cho chủ nghĩa thế tục". Một phát ngôn viên cho nhóm chiến binh Hồi giáo, Ehsanullah Ehsan, nói với BBC, cô sẽ không được tha nếu sống sót. Malala sau đó đã được chữa trị tại Anh và hiện đang sống ở Birmingham, Anh. Cô trải qua nhiều tháng trời trong bệnh viện và được mổ nhiều lần để chỉnh xương sọ.
Trong một cuộc phỏng vấn dài đầu tiên với Malala sau vụ tấn công, Malala cho rằng thảo luận với phe Taliban là cần thiết để có hòa bình. "Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề và đấu tranh chống lại chiến tranh là qua đối thoại. Đó không phải là vấn đề dành cho tôi mà đó là việc của chính phủ", nhà đấu tranh nhân quyền 16 tuổi nói.
Malala nói, điều quan trọng là phe Taliban bàn thảo về những đòi hỏi của họ. "Họ phải thực hiện những gì họ muốn qua đối thoại. Giết người, tra tấn và đánh đập người... nó hoàn toàn đi ngược lại với đạo Hồi. Họ đang sử dụng sai trái danh nghĩa đạo Hồi", Malala khẳng định.
Cô gái trẻ từng phát biểu trước Liên Hiệp Quốc hồi tháng 7, cô mong sẽ trở lại Pakistan và theo nghiệp chính trị. "Tôi sẽ trở thành một chính trị gia trong tương lai. Tôi muốn thay đổi tương lai của đất nước mình và tôi muốn làm sao để giáo dục phải trở thành bắt buộc," cô nói. Các đại biểu tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đồng loạt đứng lên dành tràng pháo tay cho Malala sau khi cô hoàn thành bài diễn văn của mình, trong đó cô tuyên bố sẽ không bao giờ im lặng trước sự đe dọa của bất kỳ thế lực nào.
Malala Yousafzai từng bị quân Taliban bắn vào đầu một năm về trước.
Bị Taliban săn đuổi
Các nhóm chính trị trong Nghị viện châu Âu đã nhất trí vinh danh cô gái trẻ cho giải thưởng nhân quyền Sakharov. Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Martin Schulz ca ngợi "sức mạnh khó tin" của cô bé, đã "can đảm tranh đấu cho quyền học hành của mọi trẻ em, một quyền thường bị chối từ đối với các trẻ gái".
Malala nói, em nhận giải thưởng nhân danh tất cả các trẻ em trên thế giới đang nỗ lực đến trường. "Tại nước tôi Pakistan, những kẻ khủng bố dùng khủng bố để cố ngăn các em gái đến trường. Tôi chỉ là một mục tiêu bạo động của họ. Có nhiều em khác tên tuổi không được biết. Vì các em đó mà chúng ta cần phải tiếp tục chiến dịch vận động để đảm bảo tất cả các trẻ em trên toàn thế giới có cơ hội, có thể đến trường và có quyền đi học."
Sau khi nhận được thông tin này, Taliban khẳng định, Malala "chẳng hề làm được gì" để được trao giải thưởng Sakharov. Phát ngôn viên Taliban tại Pakistan, Shahidullah Shahid cho rằng: "Những kẻ thù của Hồi giáo đã trao giải này vì cô ta từ bỏ đạo Hồi để trở thành kẻ ngoại đạo" và khẳng định "Taliban sẽ tiếp tục nhắm vào Malala dù cô ta có sang Mỹ hay sống tại Anh".
"Mục tiêu rõ rệt của cô ta là chỉ trích Hồi giáo. Nếu có cơ hội khác để trừng trị, chúng tôi chắc chắn sẽ làm điều này, cũng như sẽ tự hào về việc mình làm, đại diện của những kẻ khủng bố là Shahidullah Shahid nói. Hồi giáo nghiêm cấm việc giết hại phụ nữ, ngoại trừ người ủng hộ những kẻ ngoại đạo trong cuộc chiến chống lại tôn giáo của chúng tôi".
Mùa hè năm nay, Taliban đã kêu gọi cô gái dũng cảm trở về nhà. Bản thân nữ sinh thừa nhận rằng nỗi sợ hãi mà Taliban gieo rắc đã khiến cô phải lên tiếng. Các phần tử Taliban giết người công khai trên quảng trường chính ở thành phố quê hương Malala, hất axit vào mặt phụ nữ, xúc phạm hoặc giết hại họ.
Giải thưởng Sakharov hàng năm được trao cho các nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ. Người đầu tiên được trao giải thưởng này vào năm 1988 là cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, lúc đó vẫn còn đang ở trong tù. Malala cũng được đề cử giải Nobel về sự can đảm chống lại Taliban, hành động khiến cô được vinh danh là đại sứ toàn cầu bảo vệ quyền đi học của trẻ em.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cùng với đệ nhất phu nhân Michelle và con gái Malia, đã đón tiếp Malala tại Nhà Trắng. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, ông Obama muốn ngỏ lời cảm ơn Malala vì những công lao của cô cho việc giáo dục trẻ em gái ở Pakistan.
Cuộc gặp gỡ này diễn ra trong cùng ngày Ủy ban Nobel loan báo người đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay. Malala từng được cho là người có phần chắc sẽ đoạt giải, nhưng giải thưởng rốt cuộc đã lọt vào tay Tổ chức Cấm vũ khí hóa học. Tổ chức này hiện đang thực hiện kế hoạch hủy bỏ kho vũ khí hóa học của Syria.
MC nổi tiếng "đứng hình" vì thán phục Tại chương trình phỏng vấn Daily Show, khi được hỏi sẽ hành động như thế nào nếu Taliban muốn sát hại mình, Malala trả lời: "Khi nghĩ về chuyện đó, tôi nghĩ nếu Taliban đến, hắn sẽ sát hại tôi. Rồi tôi tự hỏi: Nếu hắn đến, mi sẽ làm gì? Rồi tôi nghĩ đến việc lấy giày để đập hắn. Nhưng rồi tôi tự nói: Nếu đánh hắn với cái giày, thì mi và hắn sẽ chẳng khác gì nhau. Mi không thể đối xử với người khác bằng sự tàn bạo và hung ác, mi phải đấu tranh với người khác bằng hòa bình, bằng đối thoại và bằng giáo dục. Rồi tôi nghĩ, tôi sẽ nói với hắn rằng, giáo dục quan trọng thế nào và tôi thậm chí muốn giáo dục cho con cái của hắn nữa. "Đó là điều tôi muốn nói với anh, giờ thì cứ làm gì anh muốn đi". Khi nghe xong câu trả lời, MC nổi tiếng Jon Stewart thán phục Malala không thốt nên lời. |
Xuân Hoàng (Theo BBC, RFI)