Nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ người dân Việt Nam mà thế giới cũng phải ngả mũ kính phục, dành tặng ông cụm từ “huyền thoại”. Có lẽ sẽ phải mất rất nhiều thời gian để nói về ông bởi công lao mà đại tướng đã hi sinh, cống hiến cho dân tộc, đất nước Việt Nam.
Thật đáng tiếc khi vào khoảng 18h ngày 4/10/2013, vị đại tướng lừng danh đã trút hơi thở cuối cùng tại Viện Quân y 108, hưởng thọ 103 tuổi. Sự ra đi của đại tướng không chỉ đem lại niềm tiếc nuối vô hạn với vị "huyền thoại sống của Việt Nam" mà còn là sự mất mát to lớn với thế giới, bởi ông "được công nhận là một trong những nhà quân sự tài giỏi, chiến lược về chiến tranh nhân dân".
Hãy cùng dành thời gian tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc, ngắm nhìn hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ca ngợi trên báo chí nước ngoài đến bìa những cuốn sách qua chùm ảnh dưới đây:
Từ hình ảnh vị đại tướng lừng danh - Napoleon của Việt Nam trên báo nước ngoài...
TIME có lẽ là tạp chí để ảnh bìa Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần nhất trên thế giới - với 3 lần vào các năm 1966, 1968 và 1972. Trên đây là bức ảnh bìa đầu tiên của cố đại tướng, được in trên tuần báo xuất bản ngày 17/6/1966 với tựa đề “The other side’s dilemma” (tạm dịch: Thế tiến thoái lưỡng nan ở bên kia chiến tuyến).
Lần thứ 2 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành hình ảnh trang bìa của tạp chí TIME là vào ngày 9/2/1968. Tựa đề của tạp chí TIME số ấy đặt tiêu đề là “Days of death in Vietnam” (tạm dịch: Những ngày chết chóc ở Việt Nam).
Một sự trùng hợp đó là tạp chí này xuất bản vào đúng thời điểm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 đang diễn ra và tướng Võ Nguyên Giáp dù không trực tiếp chỉ huy nhưng cũng tham gia lập kế hoạch tác chiến.
Ngày 15/5/1972, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại một lần nữa là ảnh bìa của tạp chí TIME. Tiêu đề lần này là “The Big Red Blitz” với nội dung nói về nghệ thuật chiến tranh du kích chớp nhoáng mà tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy vào thời điểm ấy.
Đây cũng là giai đoạn mà phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ đã lên tới đỉnh điểm, cho thấy sự chán nản của dư luận Mỹ đối với cuộc chiến.
... đến các bìa sách
Bên cạnh tạp chí, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được đăng trên bìa cuốn sách. Cuốn sách tựa đề “Tướng Giáp: Người chiến thắng ở Việt Nam” (Giap: The Victor in Vietnam) của nhà văn người Mỹ - Peter G. MacDonald được viết sau chuyến thăm và phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của ông tại Hà Nội năm 1990.
Song song với việc phỏng vấn vị tướng tài ba, Peter còn gặp gỡ các cựu chiến binh và thường dân để hiểu hơn về chiến thắng kỳ tích của quân đội Việt Nam trước hai đế quốc Pháp và Mỹ.
Bảy năm sau, tướng Giáp lại một lần nữa xuất hiện trên bìa sách của nhà văn Mỹ - Cecil B.Currey. Cuốn sách có tiêu để “Chiến thắng bằng mọi giá” (Victory at any Cost).
Nội dung chính mà tác giả đề cập là chặng đường đời đầy sóng gió nhưng lẫy lừng của "Napoleon Việt Nam", từ một giáo viên dạy lịch sử cho đến một nhà chỉ huy quân sự thiên tài, được phong tướng khi mới 37 tuổi. Các sự việc được nhắc tới đều dựa trên các cuộc phỏng vấn và tài liệu do chính Đại tướng cung cấp vào năm 1997.
Nhà ngoại giao người Anh - John Colvin hoạt động tại Hà Nội vào thập niên 1960 cũng trình bày phương pháp tiếp cận quân sự và chính trị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước sự đổ bộ của quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam trong cuốn “Tướng Giáp - Núi lửa dưới băng tuyết” (Giap: Volcano Under Snow).
Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời” (Une vie - Vo Nguyen Giap) của nhà sử học người Pháp - Alain Ruscio ghi lại các cuộc phỏng vấn của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khoảng thời gian từ năm 1979 - 2008 tại Hà Nội.
Theo Trí Thức Trẻ