Thế nhưng, qua hai lần “dỗ” không thành, Tâm nổi khùng nhấn đầu con xuống nước lâu hơn, không ngờ khi bế lên thì cháu bé đã ngộp nước, im bặt. Thấy con không còn chút phản ứng, Tâm bèn bế vào võng để yên rồi… đóng bộ đi uống cà phê. Cho đến lúc những người thân trong gia đình phát hiện, thì sự việc đau lòng đã không thể cứu vãn được nữa.
Đối tượng Tâm tại cơ quan công an. Ảnh: T.G
Vụ việc đau lòng trên đã gây bất bình dư luận những ngày qua tại ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang. Những người dân địa phương dù chẳng lạ gì Nguyễn Văn Tâm (SN 1990) nhưng dẫu nằm mơ, họ cũng không dám tin đến một ngày, Tâm lại hại chết chính đứa con thơ dại của mình.
Hôm phóng viên đến nhà thăm hỏi, tìm hiểu sự việc, chị Lê Thị L. (mẹ cháu bé – PV) sụt sùi kể rằng chỉ vì bận công chuyện, chị mới “dám” nhờ chồng trông con dùm một buổi. Chị không ngờ, lần nhờ vả ấy lại trở thành định mệnh khiến đứa con vắn số chị mang nặng đẻ đau phải tức tưởi ra đi. Ngồi cạnh, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (49 tuổi, mẹ ruột chị L.) cũng không giấu được nước mắt nói: “Không ngờ cái thằng vũ phu ấy nó lại nhẫn tâm đến như thế. Người chứ có phải con ễnh ương ngoài ruộng đâu mà nó dở trò hù dọa con ác độc như vậy. Tôi là người đầu tiên chứng kiến cháu chết nhưng điều đau lòng là thằng Tâm lại bưng bít toàn bộ mọi chuyện. Nếu nó không giấu mà nói thật với mọi người thì có lẽ cháu tôi không chết oan uổng như vậy”.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: T.G
Bà Nguyệt ngậm ngùi kể: Do gia cảnh nghèo khó, bà và vợ chồng Tâm cùng thuê trọ ở ấp Tân Hiệp. Thường ngày, bà Nguyệt làm nghề bán cá, còn vợ chồng con gái quanh năm làm thuê làm mướn mưu sinh. Vợ chồng Tâm đã sinh được hai mặt con, trong đó bé gái thứ hai là Nguyễn Thị Huỳnh Như mới tròn 6 tháng tuổi, thường ngày chị L. vẫn trông nom, bế ẵm. Khoảng 9h sáng ngày 9/8, do vợ đi làm đột xuất nên Tâm ở nhà trông con, còn bà Nguyệt ra chợ bán nốt số cá còn dư lại từ hôm trước. Khi trở về phòng trọ, bà thấy Tâm vừa bế đứa con mình từ chậu nước ướt sũng lên lau rồi đặt vào võng. Thấy cháu thường ngày hay khóc nhưng hôm nay lại im bặt, bà có hỏi thì người con rể trả lời lấp liếm: “Nó ngủ say lắm rồi, bà không phải lo đâu”. Tưởng thật, bà cũng không đến nựng nịu cháu nữa mà đi làm việc khác. Riêng Tâm thì thay bộ quần áo khác rồi bỏ mặc con đi uống cà phê.
Cho đến khoảng một tiếng đồng hồ sau mới vãn việc, bà Nguyệt định đến võng đánh thức cháu để cho uống sữa. Nhưng khi bế lên, bà hoảng hốt nhận ra cháu mình đã lạnh ngắt, cơ thể tím tái. Không những thế, từ hai hốc mũi bé còn chảy nước và hai vệt máu dài. Sợ hãi, bà bế thốc cháu ngoại ra đầu ngõ hô hoán hàng xóm đến giúp đỡ. Khi mọi người tập trung đông đúc, nhận định có thể bé bị trúng gió nên bảo bà đưa ngay đến trạm y tế gần đó. Tại đây, sau khi khám kỹ thì cán bộ y tế xác nhận cháu bé đã chết khoảng một giờ trước. Lời nói chẳng khác nào “sét đánh ngang tai”, bà vội vàng chạy quanh xóm tìm con gái báo tin thì chợt bắt gặp Tâm đang chiễm chệ vắt chân uống cà phê tán dóc ở quán nước đầu ấp.
Bà Lê Thị Ánh Nguyệt (mẹ ruột chị L.) đau xót trước cái chết của cháu ngoại. Ảnh: T.G
Bà Nguyệt nhớ lại: “Tôi vừa chạy lên đường thì gặp thằng Tâm đang ngồi quán nước như không có chuyện gì. Tôi hốt hoảng báo tin: “Tâm ơi, mày tắm cho con thế nào mà giờ nó chết rồi kìa”, chưa kịp dứt lời thì nó đứng lên trừng mắt lớn giọng vặc lại: “Bà ăn nói hồ đồ, tôi làm chết con bao giờ”. Sự việc sau đó nhanh chóng được báo lên chính quyền xã. Qua xét nghiệm tử thi phát hiện thấy cháu bé có dấu hiệu tử vong do ngộp nước, các cán bộ công an đã tạm giữ Tâm để điều tra. Tại cơ quan công an, lúc đầu Tâm chối cãi và cho rằng không liên quan gì đến cái chết của bé. Nhưng trước những chứng cứ và lập luận không thể chối cãi, Tâm thừa nhận hành vi “dỗ” con tàn độc của mình.
Theo tường trình từ Tâm, do trước hôm xảy ra sự việc có nhậu say nên bị người ta đánh cho thâm quầng mắt, trong người rất bực bội. Sáng hôm sau khi thức dậy thì vợ đã đi làm, Tâm phải một mình trông con. Do khát sữa và thiếu hơi mẹ, cháu bé khóc miết, dỗ cách gì cũng không chịu nín. Bực tức vì con cứ khóc hoài, Tâm liền thả con gái vào bể đựng nước sâu khoảng 60cm và bỏ mặc khoảng 30 giây thì vớt lên. Thấy con vẫn còn khóc, Tâm tiếp tục làm như vậy. Đến lần thứ ba thì bé không khóc nữa nhưng cũng… hết cử động. Thấy con như vậy, Tâm cũng không đưa đi cấp cứu mà lại dửng dưng ẵm con ra ngoài, lau người và mặc đồ đặt lại võng. Vừa lúc này thì bà Nguyệt về tới.
Chân dung người cha độc ác
Bà Nguyệt cho biết, Tâm không phải là con rể thuần tính, ngược lại rất hung bạo, côn đồ. Tâm hay giao du với đám bạn vô công rồi nghề trong ấp chuyên tổ chức nhậu nhẹt. Mỗi lần có hơi men, Tâm lại gây sự với vợ. Thậm chí có lần hắn uống say ngoài đường rồi về nhà vác dao đuổi chị L. khắp ấp để chém. Không ít lần vì say xỉn gây chuyện đánh nhau, Tâm bị đánh hội đồng cho thừa sống thiếu chết. Nhưng bất chấp những trận đòn ấy, Tâm vẫn “ngựa quen đường cũ”.
Theo ông Nguyễn Thành Dư, Trưởng Công an xã Tân Bình thì thời niên thiếu, Tâm đã nổi danh là tay “siêu” trộm vặt. Hễ thấy nhà người ta có cái gì, gã lại mắt la mày lém tìm cách “khoắng” bằng được. Nhiều lần, Tâm bị chủ nhà bắt gặp, đuổi đánh nhừ tử mà “cái nết đánh chết không chừa”. Không chỉ có tật “hai ngón”, hắn còn thích gây rối với người khác để đánh nhau. Có lần, Tâm đứng ở cầu Rạch Gòi (nằm gần ấp Tân Hiệp – PV) chặn đầu xe ô tô để gây sự. Rất may, tài xế phanh kịp không thì mất mạng.
Ông Dư cũng cho biết, chính quyền địa phương đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường nhiều lần nhưng Tâm vẫn bỏ ngoài tai. Đến năm 2006, do “thành tích” quậy quá, công an buộc phải cưỡng chế Tâm đi trường giáo dưỡng hai năm. Được học chữ, học nghề và đạo đức… những tưởng gã sẽ trở về nẻo thiện, chịu khó xây dựng đời. Nhưng vừa trở về được một thời gian thì ngày 22/11/2008, Tâm lại bị công an huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) khởi tố về tội “trộm cắp tài sản” và bị xử phạt 9 tháng tù giam. Năm 2009, khi vừa mới ra tù, hắn lại đánh lộn nên đã bị cơ quan công an cảnh cáo.
Nói đến đây, ông Dư cũng ngán ngẩm: “Đối tượng Tâm không có hộ khẩu thường trú nên địa phương rất khó quản lý. Bình thường, nhác thấy bóng công an, hắn lại chạy trốn mất dạng. Ngay đêm hôm trước ngày xảy ra vụ dìm chết con, Tâm đi ăn nhậu đâu đó rồi gây chuyện đánh nhau. Vì yếu thế, hắn bị một người ngồi chung bàn táng cho một mũ bảo hiểm vào giữa mặt, thâm tím cả mắt. Đối tượng này được xem là cá biệt của xã chúng tôi”.
Những kiểu dỗ con theo “phong cách đùa với tử thần” Do sống trong cùng một nhà, bà Nguyệt hiểu tính đứa con rể hơn ai hết. Theo bà, Tâm từng “sáng tạo” ra cách hù khi con khóc rất đáng sợ. Khi đứa con đầu chưa tròn 2 tuổi khóc, dỗ không được, hắn lại trợn trừng mắt lao đến dọa đánh rồi bóp cổ cho đến khi cháu ho sặc sụa, tái xanh mặt rồi mới thôi. “Chiêu” thứ hai mà Tâm tự nghĩ ra và cũng rất hay làm là múc một chậu nước đầy, bế thốc con nhỏ nhấn đầu vào. Một “sản phẩm” khác cũng do chính người cha này “sáng tạo” nữa là khi nào con quấy khóc sẽ bế ra chặn giữa đầu xe tải đang lao vun vút trên đường để con sợ mất vía. Nhiều khi chứng kiến, bà Nguyệt rất đau lòng nhưng không dám khuyên can, vì mỗi lần định dạy bảo bà cũng sợ “dính đòn” của gã con rể. |
Theo Đăng Văn – Kỳ Anh (giadinh.net.vn)