"Hy sinh tất cả vì tình yêu dành cho Lý Tiểu Long"
Trước khi là vợ của Lý Tiểu Long, Linda là người theo Cơ đốc giáo thuộc tầng lớp trung lưu. Sinh ngày 21/3/1945, Linda lớn lên trong tiết trời đầy mưa phùn của Everett, Washington. Người phụ nữ này có cha mẹ là người gốc Thụy Điển, Ailen - Anh.
Linda từng học tại Trường Trung học Garfield, nơi cô thường dành thời gian sau giờ học để tham gia đội cổ vũ. Và cuộc đời Linda Emery đã thay đổi mãi mãi khi một người đàn ông trẻ tên Lý Tiểu Long ghé qua trường biểu diễn võ thuật. Đó là khoảng thời gian trước khi vai diễn trong bộ phim của điện ảnh Hồng Kông (Trung Quốc) đưa Lý Tiểu Long vụt sáng thành ngôi sao Hollywood.
Buổi biểu diễn tại Trường Trung học Garfield đã khiến Cadwell không thể quên Lý Tiểu Long và mối nhân duyên giữa hai người từ đó cũng bắt đầu.
Với sự ngưỡng mộ dành cho Lý Tiểu Long, Cadwell đã trở thành một trong những học trò của môn võ thuật. Sau khi tốt nghiệp trung học, Linda đăng ký học tại Đại học Washington, ngôi trường mà Lý Tiểu Long cũng từng là sinh viên. Và, nhờ những lần gặp gỡ đó, Linda và Lý Tiểu Long nhanh chóng tiến tới hôn nhân. Hai người tổ chức đám cưới vào ngày 17/8/1964.
Khi Lý Tiểu Long và vợ Linda tới Oakland, cả hai dự định đi trăng mật nhưng vì công việc của họ Lý quá bận nên cặp vợ chồng trẻ phải hoãn kế hoạch. Bạn bè của Linda tỏ ra thương cô, nhưng Linda vẫn vui vẻ bởi "tình yêu của tôi dành cho Lý Tiểu Long nhiều đến mức, tôi có thể hy sinh tất cả vì anh ấy".
Đây cũng là lý do vì sao Linda một lần nữa quyết định cùng chồng sang California để mở rộng tầm ảnh hưởng của võ thuật cũng như Tiệt quyền đạo của Lý. Linda là người luôn hết lòng ủng hộ chồng.
Trong vòng 9 năm lập nghiệp, vợ chồng Lý Tiểu Long đã 11 lần chuyển nhà, kinh tế gia đình có lúc túng quẫn. Thế nhưng, Linda chưa một lần phàn nàn và luôn đồng hành trên con đường mà chồng cô đã chọn. Năm 1965, con trai đầu lòng của Lý Tiểu Long và Linda chào đời. Lý Tiểu Long không kiềm chế được niềm vui, anh đặt tên cho con là Lý Quốc Hào (Brandon Lee).
Thế nhưng, sau một tuần hạnh phúc làm cha, anh nhận được tin dữ từ bên kia bờ đại dương, cha ruột anh là Lý Hải Thuyền qua đời ở tuổi 64 (năm 1965). Cái chết của cha quá đột ngột khiến Lý Tiểu Long bị sốc. Tuy mới sinh con được một tuần, nhưng Linda vẫn quyết định cùng chồng và con về Trung Quốc chịu tang cha chồng.
Kể từ khi có con, Linda càng hy sinh nhiều hơn để chồng được toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp võ thuật. Cô chính là người chăm sóc gia đình cũng như cuộc sống và tinh thần cho Lý Tiểu Long. Linda rất cẩn thận trong việc ăn uống, cũng như quan tâm chăm sóc cho sức khỏe cho chồng. Tình yêu mà Linda dành cho Lý Tiểu Long khiến người ngoài cuộc cũng phải ngưỡng mộ.
Năm 1969, họ có thêm một cô con gái tên Shannon (Lý Hương Ngưng). Cả hai con của Lý Tiểu Long và Cadwell đều học võ từ khi còn nhỏ. Họ lớn lên trong sự dạy dỗ của cả cha và mẹ.
Hậu phương vững chắc của Lý Tiểu Long
Năm 1970, Lý Tiểu Long trong một lần luyện võ và bị thương nặng, buộc phải nằm viện điều trị, bác sĩ yêu cầu Lý Tiểu Long từ đó về sau không được vận động mạnh và đặc biệt không được luyện tập võ thuật.
Linda biết đây sẽ là một cú sốc đối với Lý Tiểu Long, cô an ủi chồng, đồng thời nhẫn nại học cách điều trị của bác sĩ để chăm sóc cho chồng. Linda cũng khuyên chồng, khi chưa được vận động nên đọc sách, nhất là về diễn xuất và võ thuật. Nhờ thế mà bệnh tình của Lý Tiểu Long thuyên giảm và sức khỏe bình phục nhanh chóng một cách kinh ngạc.
Khi Lý Tiểu Long đã nổi tiếng, Linda vẫn nỗ lực tạo dựng hình ảnh đẹp của Lý Tiểu Long trong lòng người hâm mộ. Biết chồng là người nóng nảy, hấp tấp và dao động, điều này rất không có lợi trong việc xây dựng hình ảnh một anh hùng màn bạc cũng như cao thủ võ thuật, vì thế, cô thường xuyên nhắc nhở chồng vấn đề này.
Ngoài ra, Linda còn khuyên Lý Tiểu Long tham gia hoạt động công ích để xây dựng hình ảnh đẹp của anh trong lòng người hâm mộ.
Chính nhờ những hoạt động trên đã giúp Lý Tiểu Long quen nhà sản xuất phim nổi tiếng Hollywood là Fred Weintraub. Về sau, cả hai cùng nhau hợp tác sản xuất bộ phim Long tranh hổ đấu/Enter the Dragon nổi tiếng khắp thế giới.
Năm 1973, sức ép đối với một ngôi sao quốc tế như Lý Tiểu Long ngày một lớn, khiến anh thường cáu gắt, thậm chí nổi giận bất thường và khiến người khác cảm thấy bực bội, cũng như làm ảnh hưởng đến tiến độ quay của đoàn phim.
Vì thế, trên trường quay, mỗi khi Lý Tiểu Long nổi nóng, đoàn phim liền gọi điện cho Linda tới an ủi ông xã. Thời gian này, Linda giống như bình cứu hỏa cho đoàn phim.
Fred Weintraub từng có lần đề cập đến mối quan hệ giữa Lý Tiểu Long và Linda: "Lý Tiểu Long là người rất tự phụ nên dễ bị người khác cô lập. Nếu không có Linda thì coi như việc giao tiếp của anh vô phương cứu chữa. Lý Tiểu Long lấy được một người phụ nữ như Linda làm vợ có thể ví như là một may mắn cực lớn".
Sau sự ra đi đột ngột của chồng vào năm 1973 và cả cái chết đầy bất ngờ của con trai năm 1993, nỗi đau chồng nỗi đau nhưng người phụ nữ này vẫn mạnh mẽ bước tiếp. Vượt qua tất cả, Cardwell tiếp tục khởi đầu mới, dù cuộc sống nhiều bi kịch đến đâu.
Người phụ nữ đa tài này cũng là tác giả của một số cuốn sách, đáng chú ý nhất là "Bruce Lee: The Man Only I Knew" (Lý Tiểu Long: Người đàn ông chỉ tôi biết). Đây là cuốn sách bán chạy nhất và nhanh chóng được chuyển thể thành bộ phim mang tên "Dragon: The Bruce Lee Story" (Câu chuyện về Lý Tiểu Long). Linda Lee Cadwell đã dùng chính bi kịch của mình để tạo ra điều những người hâm mộ người chồng quá cố của bà mong chờ.
Từ người vợ và người mẹ đau buồn trở thành nhà từ thiện không mệt mỏi, những lời của Lý Tiểu Long, người chồng quá cố của Linda Lee Cadwell được cho là hoàn toàn phù hợp: "Đừng cầu nguyện cho một cuộc sống dễ dàng. Hãy cầu sức mạnh để chịu đựng khó khăn".
Tùng Lâm (t/h)