Al-Shabaab là ai, Tổ chức này hoạt động như thế nào và Mỹ, với vai trò người bảo vệ trật tự thế giới, đã làm gì để đối phó với tổ chức này hiện là những câu hỏi đang được công chúng quan tâm.
Là một tổ chức khủng bố nước ngoài tại Somalia, Al-Shabaab được thành lập vào tháng 3/2008 với mục tiêu biến nước này trở thành quốc gia Hồi giáo. Al-Shabaab được tin là chịu trách nhiệm về hàng loạt vụ tấn công nhân viên cứu trợ quốc tế, phóng viên, các nhà lãnh đạo cũng như nhân viên gìn giữ hòa bình thuộc Liên minh châu Phi tại Somalia.
Ngoài ra, Al-Shabaab cũng là “tác giả” của vụ đánh bom tự sát tại Kampala, Uganda hồi tháng 7/2010 khiến 70 người, trong đó gồm 1 công dân Mỹ, thiệt mạng. Các nạn nhân đều là những người hâm mộ bóng đá đang quy tụ về Uganda để xem trận chung kết World Cup 2010.
Quy mô nhóm
Cho đến nay, quy mô của Al-Shabaab vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo một quan chức Mỹ yêu cầu được giấu tên, năm 2011, Al-Shabaab sở hữu đội quân gồm 1.000 người. Trong khi đó báo cáo của Liên Hợp Quốc xác định một nhà lãnh đạo nổi dậy (thuộc Al-Shabaab) được tin là “đang chỉ huy lực lượng từ 200 đến 500 chiến binh”, trong đó hầu hết là người Kenya.
Nhóm này cũng có mối thâm giao với nhiều nhóm khủng bố khác. Tháng 2/2012, người đứng đầu Al-Shabaab, Ahmed Abdi aw-Mohamed và lãnh đạo al Qaeda, Ayman al-Zawahiri, đã cùng xuất hiện trong một đoạn video để tuyên bố về “tình đồng minh” của hai tổ chức.
Mặc dù không ai biết chắc về quy mô của Al-Shabaab nhưng khả năng reo rắc khủng bố của nhóm là điều không cần phải bàn cãi. “Tôi có thể nói rằng Al-Shabaab là mối đe dọa lớn nhất tại Đông Phi hiện nay”, tướng Carter Ham, chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi hồi năm 2011 cho hay.
Nguồn gốc của Al-Shabaab
Trở về vài thập kỷ trước, đất nước nghèo đói được dẫn dắt bởi một chính phủ yếu kém đã biến Somalia trở thành mục tiêu của các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Al-Ittihad al-Islami (AIAI), nhóm được xem như tiền thân của Al-Shabaab, đã hoạt động tại đây với mong muốn tạo ra một tiểu vương quốc Hồi giáo trong lòng Somalia. Theo đánh giá của Mỹ, AIAI là một tổ chức khủng bố và nhận được một phần tài trợ từ Osama bin Laden.
Trải qua sự sụp đổ của chế độ quân sự Siad Barre tại Somalia năm 1991 và những năm tháng hỗn loạn sau đó, AIAI ngày càng lớn mạnh. Đến năm 2003, nội bộ nhóm xảy ra tranh chấp. Những thành viên lớn tuổi của IAIA muốn thiết lập một mặt trận chính trị mới trong khi những người trẻ hơn (Al-Shabaab nghĩa là “giới trẻ”) lại muốn duy trì những nguyên tắc Hồi giáo cơ bản.
Chính sự rạn nứt này đã dẫn đến việc những Al-Shabaab cộng tác cùng Liên hiệp Tòa án Hồi giáo (ICU ), nhóm cũng muốn áp đặt trật tự tại Somalia.
Cùng với nhau, ICU và Al- Shabaab đã thành công trong việc giành được quyền kiểm soát thủ đô Mogadishu năm 2006. Điều này không khỏi khiến nước láng giềng Ethiopia lo ngại. Sợ rằng tình trạng bạo lực từ Somalia có thể tràn qua nước mình, tháng 12/2006, quân đội Ethiopia đã kết hợp với lực lượng quân sự của chính phủ lâm thời tại Somalia tiến hành cuộc chiến nhằm loại bỏ sức mạnh của ICU. Và đây là một bước ngoặt cho Al-Shabaab khi nhóm đánh bại lực lượng Ethiopia để dành quyền kiểm soát các tỉnh miền Trung và Nam Somalia.
Cách thức Al-Shabaab tuyển dụng thành viên và “làm tiền”
Theo CNN, Al-Shabaab duy trì một hệ thống truyền thông bao gồm cả mạng xã hội Twitter hết sức tinh vi. Thậm chí năm 2009, tổ chức này còn sản xuất hẳn một chương trình truyền hình thực tế để nhằm kêu gọi những người trẻ gia nhập nhóm.
Về tài chính, ngoài việc nhận tài trợ của al Qaeda, Al-Shabaab còn có “thu nhập” từ một loạt các hoạt động bất hợp pháp khác. Báo cáo từ tổ chức Giám sát Somalia và các quốc gia Bắc Phi của Liên Hiệp Quốc cho hay, trong năm 2011, Al-Shabaab thu về từ 70 đến 100 triệu USD nhờ các khoản lệ phí thu ở sân bay và bến cảng; các loại thuế áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ và hoạt động sản xuất; các khoản đóng góp thánh chiến; phí thu tại trạm kiểm soát và các hình thức tống tiền giả danh những khoản đóng góp vì nghĩa vụ tôn giáo.
Mối quan hệ của Al-Shabaab với Kenya
Năm 2011, chính phủ Kenya đã tổ chức một cuộc tiến quân bất ngờ qua biên giới Kenya-Somalia nhằm mục đích tạo ra một vùng đệm an ninh ở miền nam Somalia sau khi Al- Shabaab được cho là đã tấn công các địa điểm du lịch ở miền Bắc Kenya .
Mỹ đối phó với Al-Shabaab thế nào?
Không chỉ củng cố những nỗ lực chống khủng bố của mình, Mỹ còn hỗ trợ và quyên góp hàng triệu USD cho lực lượng quân sự Phi châu do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn nhằm giúp lực lượng này chống lại Al- Shabaab.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong tuần này cho biết lực lượng an ninh Somalia, với sự hỗ trợ từ Phái đoàn Liên minh châu Phi tại đây, đã đánh bật Al- Shabaab ra khỏi các thành phố và thị trấn lớn, tạo nên "một cửa sổ cơ hội cho sự thay đổi cơ bản ở Somalia”.
Vũ Bảo (Theo CNN/Sea Times)