Khoảng 20 năm trước, một ông chủ nhà sản xuất pin điện thoại di động bày tỏ ý định mua lại một hãng ô tô đang trên bờ vực phá sản với ý tưởng thay thế các động cơ đốt trong ngốn xăng bằng các động cơ chạy pin. Ý tưởng của ông không được những người xung quanh ông ủng hộ vì nghe có vẻ điên rồ và quá tham vọng.
Tuy nhiên, ý tưởng đó lại thu hút sự chú ý của nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett. Chỉ 6 năm sau khi thương vụ mua lại hoàn tất, vị tỷ phú Mỹ đã quyết định đầu tư 232 triệu USD vào công ty này.
Tầm nhìn của vị doanh nhân Trung Quốc và màn cá cược của nhà tiên tri xứ Omaha đã được chứng minh khi công ty không mấy tên tuổi “soán ngôi” hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk để trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới vào năm 2022, điều mà ngay cả những ông lớn trên thị trường như General Motors, Ford hay Volkswagen chưa làm được.
Công ty đó chính là BYD – viết tắt của cụm từ Build Your Dreams (tạm dịch: Xây ước mơ của bạn) do tỷ phú Vương Truyền Phúc thành lập. Vị doanh nhân Trung Quốc hiện đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản trị giá 21 tỷ USD.
BYD nổi tiếng về sản xuất xe điện, xe buýt, xe hơi và nhiều loại ô tô chạy pin khác. Công ty hiện có hơn 30 khu công nghiệp và cơ sở sản xuất với tổng diện tích hơn 18 triệu m2, trong đó một số nằm bên ngoài Trung Quốc như Mỹ, Brazil, Nhật Bản, Hungary và Ấn Độ. Sản phẩm của công ty cũng đã hiện diện ở 35 quốc gia trên toàn thế giới.
Ước mơ của cậu bé mồ côi
Vương Truyền Phúc sinh năm 1966 trong một gia đình nông dân đông con ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ông mồ côi cha mẹ khi còn ở tuổi thiếu niên, các chị lớn cũng lấy chồng, do đó ông được hai vợ chồng anh trai nuôi lớn và cho ăn học.
Không phụ lòng anh chị, Vương Truyền Phúc dồn hết sức lực và thời gian vào việc học với quyết tâm luôn làm tốt hơn người khác và kỳ vọng mang lại cuộc sống tốt hơn cho cả gia đình.
Với kết quả học tập xuất sắc, Vương Truyền Phúc được nhận vào Đại học Trung Nam và tốt nghiệp với tấm bằng hóa học. Sau đó, ông lấy bằng thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu Kim loại Màu Bắc Kinh, nơi ông nghiên cứu sâu về pin.
Năm 24 tuổi, Vương Truyền Phúc được đặc cách thăng chức trở thành Phó Giám đốc Viện nghiên cứu, tập trung vào việc phát triển pin. Nhận thấy khả năng tiềm tàng của ông trong lĩnh vực này, viện nghiên cứu quyết định thành lập một công ty pin ở Thâm Quyến. Năm 1993, Big Battery ra đời, và Vương Truyền Phúc trở thành Tổng Giám đốc của công ty.
Tuy nhiên, một công ty nhà nước bé nhỏ giống như một chiếc “ao làng”, không thể nào thỏa mãn tham vọng vẫy vùng của người đàn ông bị “ám ảnh” bởi suy nghĩ phải làm giàu và vươn ra biển lớn.
Năm 1994, ông quyết định từ chức và chuẩn bị cho kế hoạch khởi nghiệp của riêng mình. Tuy nhiên, khó khăn bủa vây vì lúc đó ông chỉ có hai bàn tay trắng.
Vào thời điểm đó, Vương Truyền Phúc không thể tiếp cận số vốn lớn, do đó không thể hiện thực hóa ước mơ của mình. Trong cơn tuyệt vọng, ông gọi điện cho người anh họ của mình là Lã Hướng Dương (Lu Xiangyang) để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Mặc dù không ủng hộ ý tưởng của người em họ, nhưng ông Lã Hướng Dương lại mềm lòng trước sự nài nỉ của Vương Truyền Phúc. Cuối cùng, ông quyết định bỏ ra 2,5 triệu tệ (khoảng 350.000 USD vào thời điểm đó) để làm “bàn đạp” cho ước mơ của người em họ.
Tháng 2/1995, hai anh em đứng ra thành lập công ty BYD chuyên sản xuất pin với 20 nhân viên. Giấc mơ ngày nào của cậu bé Vương Truyền Phúc bước đầu thành hiện thực.
Nhà hóa học thành doanh nhân
Vào những năm 1990, Nhật Bản là nhà cung cấp pin lớn nhất thế giới. Vào năm BYD ra đời, Nhật Bản tuyên bố sẽ từ bỏ việc sản xuất pin Ni-Cd (Niken Cadmium), mở ra một khoảng trống khá lớn trên thị trường toàn cầu.
Ông Vương Truyền Phúc nhận ra rằng thời cơ đã điểm, do đó, ông quyết định chen chân vào ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
Vào thời điểm đó, phải mất hàng chục triệu nhân dân tệ để nhập khẩu một dây chuyền sản xuất pin từ Nhật Bản. Chi phí này quá cao so với ông Vương Truyền Phúc, do đó ông đã chỉ đạo đội ngũ của mình phá bỏ quy trình sản xuất pin ban đầu.
Không có vốn hay công nghệ tiên tiến trong tay, ông quyết định sử dụng sức người để thay thế. Thay vì sử dụng robot, ông chia nhỏ công việc bình thường do robot đảm nhận cho hàng nghìn công nhân, giúp sản lượng pin Ni-Cd trong xưởng đạt 4.000 sản phẩm mỗi ngày. Mô hình này giúp BYD tiết kiệm 40% chi phí sản xuất và thực hiện được những bước tiến lớn.
Sau quá trình nghiên cứu, BYD cũng có thể xây dựng một dây chuyền sản xuất pin tương tự như của Nhật Bản với chi phí chỉ hơn 1 triệu nhân dân tệ, từ đó đạt được sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực này.
Với sản phẩm của riêng mình, ông Vương Truyền Phúc đã tiếp cận nhà sản xuất điện thoại không dây lớn nhất Đài Loan (Trung Quốc), Daba. Sau khi dùng thử pin của BYD, Daba đã quyết định đặt hàng pin của công ty thay cho pin của công ty Nhật Bản Sanyo.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính quét qua Đông Nam Á khiến giá pin giảm mạnh. Tuy nhiên, do việc sản xuất chia nhỏ BYD giúp giảm chi phí sản xuất pin nên BYD “bình an vô sự”, trong khi nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đứng trên bờ vực thua lỗ.
Sau đó, BYD đã nhận được những đơn đặt hàng lớn từ các công ty như Philips, Panasonic, Sony, Motorola, Nokia và General Motors. Chỉ trong 3 năm, BYD đã trở thành một tên tuổi khá lớn trong lĩnh vực pin Ni-Cd.
Công ty đã trở thành nhà sản xuất pin điện thoại số một tại Trung Quốc và số hai trên thế giới. Ai cũng nghĩ rằng đây sẽ là khoảnh khắc bùng nổ của ông “vua pin”. Thế nhưng, không ai lường trước được rằng ông sẽ rẽ sang hướng khác.
Lấn sân sang ngành xe điện
Trên thực tế, trong khi dốc sức nghiên cứu về pin, ông Vương Truyền Phúc cũng dành thời gian tìm hiểu về thị trường ô tô.
Ông Vương Truyền Phúc hiểu rằng tài nguyên của trái đất là có hạn, và một số năng lượng được sử dụng bởi ô tô truyền thống rất khó tái tạo. Ông nhìn thấy triển vọng phát triển của ngành công nghiệp ô tô và muốn chế tạo các phương tiện sử dụng nguồn năng lượng mới.
Lúc đó, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước. Những gã khổng lồ trong các ngành như điện thoại di động, đồ gia dụng, thuốc lá, v.v. đều đã quyết định tham gia vào lĩnh vực này.
Ông Vương Truyền Phúc không muốn bỏ lỡ cơ hội, nên đã công bố kế hoạch tham gia vào lĩnh vực sản xuất ô tô, nhưng ông vấp phải sự phản đối của ban lãnh đạo công ty cũng như các cổ đông. Niềm tin lung lay khiến mức vốn hóa thị trường của công ty giảm mạnh.
Tuy nhiên, ông không từ bỏ ý định của mình. Năm 2003, ông chi 270 triệu nhân dân tệ mua lại 77% vốn cổ phần của Qinchuan Auto, một công ty nhà nước đang đứng trên bờ vực phá sản, biến công ty này thành nhà sản xuất ô tô tư nhân thứ hai ở Trung Quốc sau Geely.
Mới đầu, Qinchuan Automobile (sau đổi tên thành BYD Auto) vẫn tiếp tục sản xuất mẫu Flyer của công ty. Tuy nhiên, ngay cả khi bán được 18.000 chiếc xe vào năm 2002, lợi nhuận ròng của BYD Auto chỉ hơn 700.000 nhân dân tệ. Trong năm thứ ba thành lập, BYD Auto đã lỗ 1,713 triệu nhân dân tệ. Ông Vương Truyền Phúc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trợ cấp cho công ty ô tô bằng lợi nhuận từ pin.
Năm 2005, tập đoàn đầu tư tỉnh Thiểm Tây gặp khó khăn về tài chính nên đã quyết định chuyển nhượng 7% cổ phần của mình cho BYD, nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần của BYD tại Qinchuan Automobile lên tới 99%.
Học hỏi và bắt chước các sản phẩm thành công khác, đồng thời thực hiện một số tham chiếu phù hợp mà không vi phạm, gần như là con đường mà các thương hiệu độc lập của Trung Quốc đã đi và BYD cũng không phải là ngoại lệ.
Ông Vương Truyền Phúc đã mua lại những mẫu xe đang hot trên thị trường và tháo rời từng cái một để xem xét từng chi tiết. Tuy nhiên, thay vì “ăn cắp ý tưởng”, ông và đội ngũ của mình đã có những cải tiến và ý tưởng sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm của riêng mình.
Quốc tế ghi nhận
Năm 2005, BYD Auto ra mắt mẫu xe đầu tiên do mình chế tạo - BYD F3, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Với những ưu điểm như kích thước tương đối lớn, giá rẻ, cấu hình siêu cao, BYD F3 đã trở thành nhà vô địch về doanh số trên cả nước.
BYD chuyển lỗ thành lãi vào năm 2006 và đạt lợi nhuận 116 triệu nhân dân tệ. Tất nhiên, mẫu F3 không đủ để đáp ứng ước mơ chế tạo ô tô của ông Vương Truyền Phúc, vì vậy hãng đã liên tiếp tung ra các mẫu xe khác như F3R, F6, v.v.
Sau nhiều năm không ngừng nỗ lực, BYD đã thành lập được một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ khai thác khoáng sản đến sản xuất chip, được các nhà điều hành và phân tích trong ngành coi là đẳng cấp thế giới. Trong khi các hãng xe khác vật lộn vì tắc nghẽn hậu cần và thiếu các bộ phận quan trọng, BYD đã có thể sản xuất chip ô tô của riêng mình và bán pin cho các đối thủ, bao gồm cả Tesla.
Ông Vương Truyền Phúc cũng giành được sự ưu ái của “thần chứng khoán” Warren Buffett. Ông Buffett đã cử trợ lý của mình đến Trung Quốc để đầu tư vào BYD. Sau nhiều lần thương lượng, BYD đã quyết định bán 10% cổ phần cho công ty Berkshire Hathaway của vị tỷ phú người Mỹ với giá 232 triệu USD.
Năm 2020, BYD đã trở thành công ty ô tô có giá trị thị trường 225,2 tỷ nhân dân tệ, cao nhất Trung Quốc. Năm 2021, công ty có doanh thu khoảng 211 tỷ nhân dân tệ (32,8 tỷ USD).
Tháng 5/2022, giá trị vốn hóa của tập đoàn BYD trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đạt 114,03 tỷ USD, vượt xa Volkswagen với giá trị vốn hóa 106,16 tỷ USD. Về giá trị công ty, BYD trở thành tập đoàn công nghiệp ô tô lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Toyota.
Một tháng sau đó, BYD chính thức “vượt mặt” Tesla trở thành hãng xe điện bán chạy nhất thế giới với doanh số 640.748 chiếc, cao hơn 76.000 chiếc so với Tesla.
Tỷ phú Elon Musk, trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý IV/2022, cũng cho rằng những đối thủ ngang tầm của Tesla sẽ đến từ Trung Quốc. Mặc dù ông Musk không nêu tên bất kỳ hãng xe Trung Quốc nào, nhưng với vị thế hiện tại của BYD ở thị trường Trung Quốc, đây rất có thể là một trong những cái tên mà ông muốn nói đến.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, inf.news, FT, Sybershel)