Người thay thế "cánh tay phải" của ông Tập Cận Bình
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin, ông Triệu Lạc Tế chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong buổi ra mắt Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hôm 25/10, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Ông Triệu Lạc Tế sinh năm 1957 trong một gia đình trí thức ở thành phố Tây Ninh, thủ phủ của tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc Trung Quốc. Quê gốc của ông ở tỉnh Thiểm Tây, cùng quê với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Năm 1975, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1977 ông theo học tại đại học Bắc Kinh và tốt nghiệp khoa Triết học. Sau đó, ông có 3 năm giảng dạy tại trường Thương mại Thanh Hải.
Năm 1985, ông trở thành Giám đốc một công ty sản xuất kim loại có trụ sở tại Thanh Hải. Một năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc sở Thương mại tỉnh Thanh Hải.
Trong giai đoạn này ông được coi là chính khách nổi bật có bước tiến mạnh mẽ ở tỉnh nhà. Năm 2000, ông trở thành Tỉnh trưởng Thanh Hải ở tuổi 42 và là nhà lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất Trung Quốc được bổ nhiệm vào thời điểm đó.
Nhiệm kỳ của ông đã đánh dấu bởi sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc và được Trung ương đánh giá cao. Ba năm sau ông trở thành Bí thư Thanh Hải ở tuổi 45.
Tháng 3/2007, Triệu Lạc Tế được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây và giữ chức vụ này đến năm 2012.
Ông Triệu được bầu vào bộ Chính trị tại Đại hội Đảng khóa 18 vào năm 2012 và được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, phụ trách, giám sát các quyết định nhân sự hàng đầu của đảng, chính phủ, quân đội, doanh nghiệp Nhà nước và các cơ quan chủ chốt khác.
Với sự nhất trí của Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc 19 năm nay, ông Triệu Lạc Tế là một trong bảy thành viên của Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan thực quyền tối cao của Trung Quốc cùng với Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, các ông Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh và Hàn Chính.
Ông sẽ đảm nhận vai trò để lại của người tiền nhiệm Vương Kỳ Sơn – nhân vật không được bầu lại vào Ủy ban trung ương khóa này do đến tuổi nghỉ hưu.
Và cái bóng của ông Vương Kỳ Sơn
Ngay sau khi lên nắm vai trò lãnh đạo vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, ông sẽ giải quyết vấn đề tham nhũng đặc hữu đang lũng đoạn các cấp ở Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Ông cảnh báo cả hai loại quan chức cấp thấp và cấp cao tha hóa, biến chất – mà ông mô tả là “ruồi và hổ” - sẽ rơi vào tầm ngắm của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”.
Người được ông Tập lựa chọn làm “thợ săn hổ” là cựu Thị trưởng Bắc Kinh Vương Kỳ Sơn.
Ông Vương trở thành người đứng đầu chiến dịch thanh trừng quan tham đình đám ở quốc gia châu Á. Hàng loạt quan chức tham nhũng, lũng đoạn địa phương bị mất chức và nhận những bản án đích đáng.
Cái tên Vương Kỳ Sơn trở thành nỗi sợ hãi lớn nhất trong những giấc mộng hàng đêm của giới quan chức “nhúng chàm” ở Trung Quốc.
Ông Vương Kỳ Sơn không ngại đụng chạm đến ngay cả những nhân vật được mệnh danh là bất khả xâm phạm như “trùm an ninh” Chu Vĩnh Khang, hay gần đây là Bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài - một thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc.
Chuyên gia Tom Rafferty, quản lý phụ trách Trung Quốc của Economist Intelligence Unit đánh giá, ông Vương là nhân vật chính trị có ảnh hưởng mạnh mẽ đứng thứ hai ở Trung Quốc.
"Ông ấy giống như một khâm sai đại thần. Ông Tập Cận Bình sẽ không thể quản lý được mọi việc như hiện tại, nếu không có ông Vương Kỳ Sơn trợ giúp một tay”, chuyên gia này phân tích.
Trong vai trò mới của mình, ông Triệu Lạc Tế sẽ tiếp tục kế hoạch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” vốn đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua và phù hợp với tinh thần bài phát biểu mở ra kỷ nguyên mới của ông Tập Cận Bình trong Đại hội 19.
"Dựa trên kinh nghiệm dày dạn của mình, Triệu Lạc Tế là sự lựa chọn tốt nhất trên mặt trận chính sách để thực hiện một số mục tiêu lâu dài của ông Tập Cận Bình, trong đó có việc thi hành nghiêm ngặt các quy định về cán bộ Đảng", Tiến sĩ Li Cheng, chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc từ viện Brookings đánh giá.