Chân dung ông trùm truyền thông - Thủ tướng 1 ngày của Đức Quốc xã

Chân dung ông trùm truyền thông - Thủ tướng 1 ngày của Đức Quốc xã

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Tiến sĩ Paul Joseph Gobbels (1897–1945) là Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, cánh tay phải của trùm phát xít Adolf Hitler về tuyên truyền và vận động. Sau khi Hitler tự sát, ông giữ chức Thủ tướng Đức trong một ngày, chấp thuận việc hạ sát sáu đứa con của mình rồi tự sát.

“Tay sát gái” số 1 của Đức Quốc xã

Sau nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, tháng 10/1926, Gobbels được cử làm Xứ ủy Berlin. Ông được Hitler chỉ thị quét sạch những nhóm cản trở bước tiến của phong trào Quốc xã. Gobbels bắt tay vào công việc muôn vàn khó khăn lúc mới 29 tuổi, chỉ sau một năm rưỡi bước ra từ bóng tối để trở thành một trong những ngọn đèn soi đường cho đảng Quốc xã. Hai năm sau, ông thay thế Strasser trong chức vụ cầm đầu cơ quan truyên truyền của đảng Quốa xã khi Strasser lên chỉ huy Ban Tổ chức Chính trị. Gobbels vẫn giữ chức vụ Xứ ủy Berlin, thành công của Gobbels trong việc tái tổ chức cơ sở đảng ở đây và tài tuyên truyền khiến cho Hitler có ấn tượng mạnh.

Thế giới - Chân dung ông trùm truyền thông - Thủ tướng 1 ngày của Đức Quốc xã

Gia đình Gobbels chụp cùng Hitler (ngoài cùng bên phải); Hitler (người đứng giữa)

Bộ trưởng Tuyên truyền của Hitler là một người được rất nhiều gái theo đuổi, nhất là những người hy vọng có được sự nâng đỡ về con đường công danh sự nghiệp. Goebbels là một người nhỏ thó, gầy gò, bàn chân phải bị biến dạng từ nhỏ nên phải đi giày đặc biệt để chỉnh hình. Nhưng Goebbels có sức quyến rũ lạ thường, hay cười, có khiếu hài hước và giọng nói mềm mại, tất nhiên là ngoại trừ những lúc y gào lên vào micro những lời kích động bài Do Thái, hoặc hô hào với tư cách Bộ trưởng Tuyên truyền của Quốc xã. Nhưng vì y là cái loa của Hitler, đồng thời là người kiểm duyệt cao nhất của ngành điện ảnh, nên y thường xuyên dắt theo một loạt những tiểu minh tinh màn bạc từ xưởng phim Ufa ở Potsdam - Babelsberg. Quyền lực tạo ra cho người ta sức quyến rũ, vì vậy, chẳng bao lâu sau, Goebbels được mệnh danh là “Con dê già của Babelsberg”.

Nhiều phụ nữ tình nguyện đi theo Goebbels để hy vọng vào một “cú hích” trên con đường công danh sự nghiệp, trong khi Goebbels hy vọng vào một sự thỏa mãn. Tình yêu lớn đầu tiên của Goebbels, có lẽ cũng là tình yêu thực sự duy nhất trong đời của y, là một người phụ nữ lớn hơn y hai tuổi tên là Anka Stalherm, mà Goebbels làm quen khi học đại học ở Freiburg. Thông qua Stalherm, lần đầu tiên Goebbels được tiếp xúc gần gũi với một tầng lớp xã hội, mà suốt đời y cảm thấy bị xa lánh, đó là tầng lớp tư sản có học. Trong nhiều năm trời họ có quan hệ với nhau, cũng có lúc cách quãng, nhưng Stalherm không muốn lấy Goebbels làm chồng. Năm 1933, Goebbels ghi vào nhật ký: “Cô ta thật ngốc! Nếu không giờ đây cô ta đã là phu nhân Bộ trưởng Tuyên truyền. Chắc cô ta phải tự giận mình lắm”.

Vào thời điểm đó, Goebbels đã là chồng của một người phụ nữ xinh đẹp tên là Magda Quandt, vợ cũ của một nhà tư bản công nghiệp rất giàu có tên là Guenter Quandt. Peter Longerich, một nhà sử học đang giảng dạy ở Luân Đôn, người mới xuất bản một cuốn tiểu sử lớn về Goebbels cho rằng bản thân Hitler cũng đã yêu Magda Quandt. Sau cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông, cuối cùng Hitler đã từ bỏ mối tình của mình và dàn xếp cuộc hôn nhân giữa hai người “sau lưng Goebbels”. Goebbels ghi nhận: “Hitler phát khóc vì vui mừng. Ông ta nói, các bạn hãy hạnh phúc và là bạn tốt của nhau. Tôi đã hứa với ông ta điều đó”.

Nhưng Goebbels vẫn còn một người tình. Magda là vợ và người kia là Lida Baarova. Đây là một mối tình nghiêm túc của Goebbels, nghiêm túc tới mức Goebbels thậm chí có ý nghĩ chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình vì cô diễn viên trẻ đẹp này. Baarova là một cô gái người Séc, thường được gọi trìu mến là "Liduschka" đang cặp bồ với người đồng nghiệp là Gustav Froehlich, nhưng điều đó cũng không ngăn cản cô đi lại với Goebbels. Hai người thường xuyên gặp gỡ nhau tại nhà riêng ở phố Kurfuerstendamm, và thậm chí là cả những nơi công cộng.

Những lời có cánh tặng tên trùm phát xít

Khi người ta tìm được quyển nhật kí của Gobbels thì thấy trong đó toàn những lời “có cánh” dành tặng Hitler như: “Ngày 13 tháng 8, Hitler phát biểu trong ba giờ. Xuất sắc. Ông ấy có thể làm cho ta nghi ngờ quan điểm của mình... Ông ấy đã nghĩ đến mọi việc... Tôi cảm phục con người vĩ đại, một thiên tài chính trị”. Thậm chí, cả 6 đứa con của mình, Gobbels đều đặt tên bắt đầu bằng chữ H như Hitler. Và đỉnh cao sự cuồng nhiệt là cái chết của cả gia đình Gobbels.

Mới đây, sau 66 năm giữ im lặng, người cựu thư kí của Josehp Goebbels, Frau Pomsel, mới chịu tiết lộ với báo giới về quãng thời gian bà làm việc với Goebbels. Frau Pomsel đã được Goebbels thuê từ năm 1942 cho đến khi cuộc chiến kết thúc vào tháng 5 /1945. Nhưng theo bà biết thì đối lập với con người vui tính trong những bài tuyên truyền với người Đức, trong hồi ức của bà về Gobbels: “ông ta thực sự là một con quỷ lạnh lùng và khó gần”.

Pomsel cho biết: “Bạn không thể tiếp xúc với ông ta. Chưa bao giờ ông ta hỏi tôi một câu hỏi riêng tư. Ngay cho đến phút cuối, tôi cũng không nghĩ ông ta biết tên tôi. Ông ta ra đi nhẹ nhàng bằng cách tự vẫn. Ông ta biết mình sẽ bị lực lượng đồng minh kết án tử hình. Hành động tự tử của ông ta rất hèn nhát nhưng ông ta cũng rất khôn ngoan vì biết điều gì sẽ đến nếu không lựa chọn con đường đó”.

“Cô thư kí” nhớ lại, trong bản “Tuyên cáo Chính trị”, Hitler trục xuất những kẻ phản bội và chỉ thị bổ nhiệm người trong chính phủ mới. Họ là “những người có danh giá vốn sẽ hoàn tất nhiệm vụ tiếp tục cuộc chiến bằng mọi cách”. Goebbels sẽ là Thủ tướng. Lúc 4 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 29 tháng 4, 1945. Hitler triệu vào Goebbels, Bormann, các Tướng Krebs và Burgdorf để chứng kiến khi ông ký vào “Tuyên cáo Chính trị” và họ đều ký tên làm chứng.

Bản thân Gobbels không muốn sống ở nước Đức sau khi vị Lãnh tụ mà ông tôn thờ đã ra đi. Ông đã gắn kết định mệnh của mình với Hitler, người duy nhất đã đưa ông lên đài danh vọng. Ông đã là nhà tiên tri và chuyên gia tuyên truyền cho phong trào Quốc xã. Chính ông, sau Hitler, là người đã sản sinh những huyền thoại. Để lưu truyền những huyền thoại này, không những Lãnh tụ mà cả người trợ lý thân cận nhất – người duy nhất trong số những chiến hữu cũ đã không phản bội ông – phải hy sinh qua cái chết. Ông cũng phải nêu một gương sáng vốn sẽ được nhớ mãi qua các thế hệ và một ngày nào đấy sẽ giúp khơi lại ngọn lửa của chủ nghĩa Quốc xã. Có lẽ đấy là những ý nghĩ của Gobbels khi trở về căn phòng nhỏ của ông trong bong-ke để viết lại lời vĩnh biệt cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Ông đặt tiêu đề là “Phụ lục cho Tuyên cáo Chính trị của Lãnh tụ”.

Chỉ sau khi cuộc chiến kết thúc, Pomsel mới biết việc Goebbels và vợ ông ta đã đầu độc 6 đứa con của họ bằng cách đổ chất độc Xianua vào mồm chúng. Sau đó Goebbels bắn vợ trước khi tự bắn mình. Lực lượng đồng minh đã đổ xăng lên đốt cặp vợ chồng nhưng sau đó lực lượng Hồng Quân đã phát hiện ra xác họ vẫn còn đang cháy. Bà cho biết: “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Goebbels vì những gì ông ta mang tới thế giới này. Và vì cái thực tế rằng chính ông ta đã giết con mình bằng cách đó. Tôi cũng chưa bao giờ dám tin tôi sẽ có một sống đời hạnh phúc nhưng dù gì đi nữa thì tôi đã tìm ra được một lối đi riêng”.

Coi “bê bối vì đàn bà” như một... thú vui?!

Goebbels cho rằng y chẳng cần phải đóng vai đạo đức giả và tỏ ra ghét những người cùng trong đảng Quốc xã hay ra vẻ đạo đức, tự cho mình là trong sạch trong quan hệ với phụ nữ. Goebbels nói: “Các vụ bê bối vì đàn bà là những vụ bê bối ít nguy hiểm nhất, vì nó tự nhiên nhất”.

Xuân Thanh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.