Hệ sinh thái đa ngành Geleximco
Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959, quê quán Thái Bình. Ông có trình độ cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân, Kỹ sư Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Từ năm 1986 - 1992, ông là cán bộ tại Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Hà Nội. Tháng 1/1993, hành trình kinh doanh của ông Vũ Văn Tiền bắt đầu với sự ra đời của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (nay là Tập đoàn Geleximco) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Đến năm 2019, vốn điều lệ của Geleximco đã tăng lên 9.600 tỷ đồng.
Kể từ khi thành lập đến nay, ông Vũ Văn Tiền điều hành Geleximco với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Trên website của mình, Geleximco là Tập đoàn đa ngành hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp, hạ tầng - bất động sản, tài chính - ngân hàng và thương mại dịch vụ.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các dự án nổi bật của Geleximco là Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy giấy An Hòa với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD; Nhiệt điện Thăng Long tổng vốn đầu tư 900 triệu USD, công suất 620 MW; Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long có tổng mức đầu tư 270 triệu USD với công suất 2,3 triệu tấn/năm…
Trong mảng bất động sản, thương hiệu Geleximco của ông Vũ Văn Tiền gắn với những dự án như khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh)...
Đặc biệt một trong những dự án trọng điểm của Tập đoàn là Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng - Dragon Ocean Do Son tại Hải Phòng có quy mô 480ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 30.000 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục chính là khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, sân golf, khu vui chơi giải trí...
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Geleximco có sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club, Khách sạn Thái Bình Dream, Khách sạn Hạ Long Dream…
Trong mảng tài chính ngân hàng, dấu ấn của Geleximco gắn liền với cái tên An Bình. cụ thể là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và CTCP Chứng khoán An Bình.
Ông Vũ Văn Tiền hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT ABBank. Chủ tịch ngân hàng này là ông Đào Mạnh Kháng, em rể ông Tiền. Ông Tiền từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ABBank từ năm 2005-2018.
Năm 2017, Luật các TCTD Sửa đổi, bổ sung quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Vừa qua, ABBank đã công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ. Trong đó, Tập đoàn Geleximco đang có 132,2 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 12,78% vốn ngân hàng.
Ông Vũ Văn Hậu, em ruột ông Vũ Văn Tiền và người có liên quan cũng đang sở hữu gần 180 triệu cổ phần, tương đương 17,41% vốn tại ngân hàng.
Ngoài các lĩnh vực trên, ông Tiền cũng từng cho thấy tham vọng đối với mảng ô tô khi liên doanh với thương hiệu xe năng lượng mới thời thượng quốc tế Omoda&Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Bình, trị giá hơn 800 triệu USD, công suất 200.000 xe mỗi năm.
Trước đó, Geleximco cũng từng hợp tác, liên doanh với các đối tác Nhật Bản, Thái Lan thành lập Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ôtô xe máy Việt Nam (VAP), xây dựng Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Honda Việt Nam tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD.
Nợ lớn, lãi mỏng
Về tình hình kinh doanh, kết thúc năm 2023, Tập đoàn Geleximco ghi nhận vốn chủ sở hữu đạt gần 12.295 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2022.
Công ty báo lãi sau thuế đạt 73,8 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm trước. Nhờ vậy, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp tăng từ 0,57% lên 0,6%.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận của Geleximco đã bay hơi đáng kể so với thời điểm cao nhất được doanh nghiệp này công bố là năm 2021 với khoản lãi sau thuế lên đến 488 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ phải trả của Geleximco đến cuối năm 2023 gấp 1,52 lần vốn chủ sở hữu, tương đương 18.688 tỷ đồng, tăng tăng 13,5% so với năm trước.
Như vậy, tổng tài sản của Geleximco tại ngày 31/12/2023 là gần 30.100 tỷ đồng trong đó một nửa là nợ phải trả. Tại thời điểm cuối năm 2023, dư nợ trái phiếu của Geleximco gấp 0,1 lần vốn chủ sở hữu, tương đương gần 1.230 tỷ đồng. Mức dư nợ này đã giảm 57% so với năm trước.
Theo thông tin từ HNX, năm 2023, Geleximco đã chi 2.254 tỷ đồng để thanh toán lãi và gốc cho 4 lô trái phiếu là GELEXIMCO.BOND.2020.2023; GLXCH2123001; GLXCH2124002 và GLXCH2123003.
Chỉ trong năm 2023, Geleximco đã có tổng cộng 24 lần mua lại trước hạn đối với 2 mã trái phiếu GLXCH2123001 và GLXCH2123003. Đầu năm 2024, doanh nghiệp này mua lại 11,6 tỷ đồng mã trái phiếu GLXCH2124002, giảm khối lượng lưu hành của lô trái phiếu trên xuống con f 968 tỷ đồng.
CTCP Nhiệt điện Thăng Long - đơn vị thành viên của Tập đoàn Geleximco vừa qua cũng đã công bố báo cáo tình hình tài chính nửa đầu năm 2024 với nhiều điểm đáng chú ý.
Theo đó, lũy kế lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 của Nhiệt điện Thăng Long ghi nhận âm 457,9 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước công ty cũng báo lỗ 528,2 tỷ đồng.
Tổng tài sản Nhiệt điện Thăng Long tại ngày 30/6/2024 đạt 13.522 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 3.567,9 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty tới cuối kỳ đạt mức 9.954,4 tỷ đồng với dư nợ trái phiếu là 570,8 tỷ đồng.
Nhiệt điện Thăng Long được thành lập vào năm 2007, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối điện, là chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Thăng Long. Tổng Giám đốc kiêm đại diện Người pháp luật hiện nay của công ty là ông Nguyễn Văn Anh (SN 1986). Ông Văn Anh còn là Tổng Giám đốc tại CTCP Giấy An Hòa.
Một công ty khác có liên hệ mật thiết với Geleximco là CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco) được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của doanh nghiệp là ông Phạm Ngọc Tuân.
Ông Tuân là chồng của bà Trần Kim Khánh, Thành viên HĐQT Chứng khoán An Bình, trưởng Ban Tài chính Geleximco.
Năm 2023, Vạn Hương Investoco đã lỗ gần 62 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với cùng kỳ năm trước. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng bị kéo lùi về ngưỡng 2.956 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp chạm ngưỡng 22.341 tỷ đồng, cao gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu. Cơ cấu nợ trái phiếu chiếm 4.398 tỷ đồng trong tổng nợ.