Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) tổ chức lễ công bố Quyết định nhân sự cấp cao của ngân hàng này.
Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phan Đức Tú, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc BIDV giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Người phụ trách Ban điều hành BIDV sẽ do Phó Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm phụ trách.
Ông Phan Đức Tú sinh năm 1964, nguyên quán xã Quỳnh Thiên – huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An, hiện sống ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội.
Ông Tú là cử nhân ngành Luật, cử nhân ngành Ngân hàng, thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và là người đã gắn bó với BIDV hơn 30 năm qua.
Theo giới thiệu của BIDV thì năm 1987, ông Tú (khi đó 23 tuổi) bắt đầu làm việc tại ngân hàng này. Tháng 01/1998, ông là Giám đốc BIDV - chi nhánh Quảng Ngãi. Tháng 3/2005, ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc ban Tổ chức cán bộ BIDV.
Tháng 6/2007, ông Tú được thăng chức lên Phó Tổng giám đốc BIDV.
Từ 1/5/2012, ông Tú đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc BIDV.
Hiện nay ông Tú là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật tại BIDV.
Ông Phan Đức Tú cũng từng có thời gian làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Liên doanh Lào-Việt, Uỷ viên HĐQT công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDDC), Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư Phát triển Quốc tế.
Hiện tại, ông Phan Đức Tú còn là Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Trước đó, việc rậm rịch chọn nhân sự ngồi “ghế nóng” Chủ tịch của BIDV được giới ngân hàng và dư luận quan tâm bởi đây là ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất cả nước và vị trí này đã bị bỏ trống suốt 2 năm qua.
Cụ thể, sau khi Chủ tịch cũ là ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 9/2016, ngân hàng này đã khuyết vị trí Chủ tịch HĐQT cho đến nay.
Sau khi ông Hà nghỉ hưu, BIDV ra quyết định thay đổi người đại diện pháp luật từ vị trí Chủ tịch HĐQT sang Tổng giám đốc, vị trí này do ông Phan Đức Tú đảm nhiệm.
Trước khi trở thành Chủ tịch BIDV, ông Tú được dự đoán là sẽ phải cạnh tranh với một nhân sự khác cũng có vị thế và ưu điểm tương đương là ông Bùi Quang Tiên - sinh năm 1959, Ủy viên phụ trách điều hành HĐQT của BIDV nhiệm kỳ 2017 – 2022 và là người đại diện cho 30% vốn của Nhà nước tại ngân hàng này.
Đặc biệt, động thái mới đây của BIDV là HĐQT xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ Tổng giám đốc sang Chủ tịch HĐQT, càng làm rộ lên đồn đoán chắc chắn ông Tú hoặc ông Tiên sẽ trở thành Chủ tịch BIDV sau khi đề xuất này được cổ đông thông qua.
BIDV hiện là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống, đến cuối tháng 9/2018 đạt gần 1,27 triệu tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.254 tỷ đồng và hoàn thành 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018.