Tới cuối tháng 3/2022, tổng tài sản hợp nhất của Thaiholdings là 10.954 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là các khoản phải thu (3.287 tỷ đồng), chi phí trả trước (3.331 tỷ đồng) và lợi thế thương mại (1.905 tỷ đồng), phần lớn là với các pháp nhân trong cùng hệ thống.
Ví dụ, nhiều đơn vị có công nợ phải thu lớn với Thaiholdings là CTCP Xây dựng và Sản xuất Vũng Áng (506 tỷ đồng), CTCP Tư vấn Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình (430 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Tràng An (163 tỷ đồng)... đều có liên hệ tới Thaiholdings.
Trong số này, Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình đã mua lại 460.761 cổ phần, tương đương 6,62% vốn CTCP Du lịch Kim Liên (Kim Lien Tourism) từ CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP Invest). Lô cổ phần này nhiều năm nay được luân chuyển thế chấp tại LienVietPostBank các chi nhánh Thăng Long rồi Ninh Bình. Mối quan hệ tín dụng khăng khít giữa ThaiHoldings và LienVietPostBank sẽ được Người Đưa Tin đề cập trong một dịp khác.
Trái ngược với hàng nghìn tỷ đồng công nợ phải thu với các đối tác "quen mặt", thì tiền và tương đương của Thaiholdings hợp nhất tới cuối quý I/2022 chỉ là 66 tỷ đồng, với tập đoàn mẹ vỏn vẹn ở mức 20,3 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn (3.913 tỷ đồng) vượt khá xa tài sản ngắn hạn (2.868 tỷ đồng).
Cùng với đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang chỉ là 260,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2 tỷ đồng so với đầu năm. Chủ yếu trong số này là dự án Cảng Ninh Phúc với số dư 206,9 tỷ đồng. Trong khi các dự án trọng điểm là Khu phức hợp Kim Liên mới giải ngân 22,8 tỷ đồng, Khu nghỉ dưỡng Enclave Phú Quốc 20,9 tỷ đồng, tăng vài trăm triệu đồng so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối kế toán, điểm tích cực là Thaiholdings trong 3 tháng đầu năm đã tất toán toàn bộ 632,5 tỷ đồng dư nợ tín dụng dài hạn với SHB Thăng Long. Doanh nghiệp này tới cuối tháng 3/2022 còn 2 khoản vay ngắn hạn, gồm 973 tỷ đồng với Agribank CN Sở Giao dịch và 395 tỷ đồng với BIDV Ninh Bình, đều với mục đích tài trợ cho các hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng, thực phẩm đông lạnh, gạo.
Thaiholdings còn gì hấp dẫn?
Mặt khác, cũng phải nhấn mạnh, Thaiholdings còn sở hữu những tài sản đáng chú ý.
Đầu tiên phải đề cập là 74 lô đất có diện tích 2,7ha tại Tp.Ninh Bình, được hạch toán số dư bất động sản đầu tư 105,5 tỷ đồng tới cuối quý I/2022. Tại thời điểm 31/12/2019, Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Asia Dragon định giá 74 lô đất trên có giá trị lên tới 884 tỷ đồng. Giá trị hiện tại sau làn sóng sốt đất trên cả nước có thể còn cao hơn đáng kể.
Thaiholdings còn nắm 36,28% và từng có kế hoạch mua chi phối CTCP Thailand - chủ đầu tư dự án Xuân Thành Land 2,44ha ở Tp.Hà Tĩnh và dự án Xuân Thành Land Hưng Yên tại Văn Giang (Hưng Yên) với tổng diện tích 96ha.
3 tài sản đáng giá nhất mà Thaiholdings đang nắm giữ, là 69,63% CTCP Du lịch Kim Liên, 98% CTCP Eclave Phú Quốc và 99,97% CTCP Tôn Đản Hà Nội.
Trong đó, CTCP Tôn Đản Hà Nội đã đầu tư triển khai và đưa vào sử dụng toà nhà văn phòng Thaiholdings Tower tại 17 Tông Đản, Hoàn Kiếm. Dự án này, theo nguồn tin của Người Đưa Tin, từng được một đại gia trong ngành thép trả giá 4.500 tỷ đồng. Trong một vài tài liệu, Thaiholdings định giá toà nhà hơn 5.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, 2 "viên kim cương" của Thaiholdings, chính là CTCP Du lịch Kim Liên với siêu dự án khu phức hợp Kim Liên quy mô 3,4ha giữa lòng Hà Nội, và CTCP Eclave Phú Quốc với tổ hợp nghỉ dưỡng 350ha tại Bãi Thơm, Phú Quốc.
Theo giới thiệu của Thaiholdings vào năm 2019, dự án Khu phức hợp Kim Liên có diện tích khuôn viên 30.668m2, có vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội, mật độ xây dựng 50%, tầng cao công trình 24 tầng nổi và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn nổi xây dựng là 368.016m2. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng, NPV dự kiến là 3.508 tỷ đồng, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 15,3%.
Ở dự án Eclave Phú Quốc, nhà đầu tư được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2016 với khu 1 và khu 3 có tổng diện tích 196,64ha, còn khu 2 có diện tích 142ha chưa được cấp chủ trương đầu tư. Ban lãnh đạo Thaiholdings cho biết dự án đã có thông báo thu hồi đất và đang làm công tác kiểm đếm trong quý IV/2021, dự kiến trong quý II/2022 sẽ hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Vấn đề của Thaiholdings với cả 2 dự án này là pháp lý và nguồn lực. 6 năm sau thương vụ bỏ 1.000 tỷ đồng mua lại 51% cổ phần Khách sạn Kim Liên của Thaiholdings, dự án tới nay vẫn chưa được cấp chủ trương đầu tư.
Tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 19/1/2020, với tỉ lệ tán thành 82,32%, cổ đông Kim Liên Tourism đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 69,57 tỷ đồng lên 2.786 tỷ đồng. Việc tăng mạnh vốn gấp 40 lần, ngoài giúp đảm bảo năng lực tài chính triển khai dự án, không loại trừ khả năng còn giúp nhóm cổ đông liên quan Thaiholdings pha loãng rất đáng kể tỉ lệ sở hữu của các nhóm cổ đông khác, trong đó có CTCP Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) - cổ đông lớn hiện nắm 6,69% cổ phần Kim Liên Tourism. PTF là công ty con 100% vốn của SeABank của nữ tướng Nguyễn Thị Nga (Madame Nga).
Dù vậy, chỉ sau đó ít tháng, tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 24/5/2020, HĐQT Kim Liên Tourism cho biết: “Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đồng thời xem xét ý kiến của cổ đông, HĐQT nhận thấy việc tăng vốn điều lệ thời điểm hiện tại là không khả thi. Do vậy, HĐQT kính trình ĐHĐCĐ thông qua việc không tăng vốn điều lệ để thực hiện dự án”. Tờ trình này đã được tán thành với tỉ lệ 92,89%.
ĐHĐCĐ Kim Liên Tourism sau đó thông qua phương án hợp tác đầu tư để triển khai Dự án 5-7 Đào Duy Anh theo hình thức hợp đồng BCC, nhưng không thành lập tổ chức kinh tế. Kim Liên Tourism vào thời điểm đó cho biết kế hoạch hợp tác với Tập đoàn Tân Hoàng Minh để triển khai dự án với tổng vốn đầu tư lên tới 14.300 tỷ đồng.
Tuy vậy, dự án gần như "giậm chân tại chỗ" từ đó đến nay, khi Thaiholdings từ đầu năm 2020 tới cuối quý I/2022 mới chỉ rót thêm vỏn vẹn 10 tỷ đồng vào dự án, đẩy số dư xây dựng cơ bản dở dang tại dự án này lên 22,8 tỷ đồng.
Tương tự là tại dự án Enclave Phú Quốc, với vốn đầu tư tại ngày 31/3/2022 chỉ là 20,9 tỷ đồng, tăng 900 triệu đồng so với đầu năm và tăng 7 tỷ đồng trong hơn 2 năm qua.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn 9.810 tỷ đồng, trong đó vốn của doanh nghiệp dự án là 1.962 tỷ đồng và phải góp đủ trong vòng 60 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tức là muộn nhất vào ngày 2/6/2021.
Doanh nghiệp dự án - CTCP Enclave Phú Quốc hiện có vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Thaiholdings đã thông qua phát hành riêng lẻ 3.300 tỷ đồng, trong đó dùng 1.600 tỷ đồng tăng vốn cho Enclave Phú Quốc để đáp ứng yêu cầu tài chính của dự án.
Tuy nhiên, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua đã thông qua tạm dừng thực hiện việc tăng vốn. Trong bối cảnh hiện tại, việc chưa góp đủ vốn khi đã quá hạn đặt ra những băn khoăn với siêu dự án nghỉ dưỡng ở Phú Quốc của Thaiholdings.
Nửa đầu năm ngoái, Thaiholdings (hợp nhất) đã phải vay tới hơn 500 tỷ đồng margin từ các công ty chứng khoán để đầu tư vào một số mã cổ phiếu, mà chủ yếu là khoản 1.244 tỷ đồng để mua 41,5 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank.
Khác với những thương vụ bán dự án/ M&A nội bộ thu về lợi nhuận nghìn tỷ, những tháng cuối năm 2021, Thaiholdings thoái hết khoản đầu tư chứng khoán và ghi nhận lỗ 42,7 tỷ đồng.
Có một điểm chung mà ít nhà đầu tư quan tâm, là gần như tất cả các thương vụ bán dự án/ M&A, thậm chí một phần thương vụ đầu tư vào LienVietPostBank đều được thực hiện thông qua Thaigroup, chứ không phải công ty mẹ Thaiholdings. Các nghiệp vụ này mang về lợi nhuận rất lớn (trên sổ sách) cho cả Thaiholdings lẫn công ty con Thaigroup, đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh Thaigroup sắp sửa được IPO và lên sàn chứng khoán.
Ai sở hữu cổ phần Thaiholdings?
Theo quan sát của Người Đưa Tin, cổ phiếu THD có nhịp tăng gấp 8 lần, từ vùng 18.000 đồng/CP cuối tháng 11/2020 lên 160.000 đồng/CP giữa tháng 1/2021, trùng với giai đoạn chốt quyền và nộp tiền mua phát hành thêm trong đợt tăng vốn từ 539 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Mã này tăng dần tiếp thêm khoảng 60%, chốt năm 2021 ở mức 258.000 đồng/CP. Trong quá trình này, một số lượng cổ phiếu nhất định đã được "đại chúng" ra bớt bên ngoài, nhưng tỷ lệ không thực sự đáng kể.
Thống kê dưới đây phần nào có giá trị tham khảo, thể hiện cơ cấu sở hữu rất cô đặc của Thaiholdings.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, có 25 cổ đông dự họp, đại diện cho 319,5 triệu cổ phần, tương ứng 91,29% cổ phần, tức là có khoảng 8,7%, tương đương 31,5 triệu cổ phần không dự họp.
Tới ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua, chỉ có 17 cổ đông dự họp, đại diện cho 332,2 triệu cổ phần, tương ứng 94,91% cổ phần, tức là có khoảng hơn 5%, tương đương 18,8 triệu cổ phần không dự họp. Trong khá nhiều tờ trình của HĐQT Thaiholdings, có một/ một nhóm cổ đông sở hữu 1,43 triệu cổ phần (0,66%) thường xuyên bỏ phiếu phủ quyết; tất nhiên diễn biến này không ảnh hưởng nhiều tới bức tranh chi phối của nhóm cổ đông đang cầm quyền tại Thaiholdings.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Đức Thuỵ đã gia tăng tỉ lệ sở hữu tại Thaiholdings từ 24,55% lên 24,97%. ĐHĐCĐ 2022 cũng đã thông qua cho ông Thuỵ mua lại từ 7 cổ đông để nâng tỉ lệ sở hữu lên 33,74%.
Dù vậy, nhiều cổ đông khác, sở hữu đáng kể cổ phiếu THD, là những người có liên hệ mật thiết tới doanh nhân gốc Ninh Bình, sẽ được Người Đưa Tin đề cập cụ thể trong một dịp khác.
Ở một ví dụ, nhóm cổ đông 4 người đề cử bà Nguyễn Thu Vân làm Thành viên BKS nhiệm kỳ 2022-2024 tại AGM 2022 vừa qua là bà Trịnh Thị Hoài Phương (5,68%), bà Bùi Thị Thanh Nhàn (2,17%), bà Nguyễn Thị Thanh Hà (3,35%), và ông Đinh Duy Quỳnh (4,66%).
Số cổ phiếu mà 4 vị này đứng tên sở hữu (36,2 triệu đơn vị), hiện có giá trị thị trường lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Hoa Liên