Chế tạo ra máy bay năm 14 tuổi
Tỷ phú Howard Robard Hughes, Jr. (1905 - 1976) là một tài phiệt, doanh nhân, nhà đầu tư, phi công, kỹ sư hàng không vũ trụ, nhà phát minh nhà làm phim và nhà từ thiện người Mỹ.
Ngay từ nhỏ, Howard Hughes đã sống trong nhung lụa, bởi cha ông, Howard Sr. đã kiếm được hàng triệu đô từ việc phát minh ra cách thức sử dụng khoan cho ngành kinh doanh dầu lửa thời bấy giờ.
Mẹ Hughes là người bị ám ảnh với bệnh tật và bà thường ngủ cùng con trai. Để cân bằng sự nuôi chiều con một cách thái quá của vợ, cha ông đưa con tới các trường nội trú.
Vào những năm 1920, Howard Hughes đều nhận được 5.000 đô la Mỹ mỗi tuần cho việc tiêu xài. Dù chưa bao giờ tốt nghiệp trung học, nhưng cha Howard đã mua một chỗ tại ĐH Rice. Tuy vậy, cậu con trai nhút nhát và hơi khiếm thính Hughes lại không theo học được trong các ngôi trường đó, cậu lại tìm được niềm đam mê trong lĩnh vực hàng không và điện ảnh.
Người ta kể rằng ông đã làm ra một chiếc máy bay "bằng xương bằng thịt" khi chỉ mới 14 tuổi.
Khi đang học Đại học, biến cố xảy đến khi mẹ Howard Hughes qua đời. Chỉ hai năm sau, cha ông cũng rời bỏ thế gian, để lại cho Howard Hughes tài sản trị giá khoảng 871 nghìn USD.
Hughes đã tiêu xài khoản thừa kế mà cha mẹ ông để lại một cách nhanh chóng. Theo những gì mà Peter Harry Brown và Pat H Broeske viết trong cuốn tiểu sử Howard Hughes: The Unknown Story: “Ông mua đầy khay những chiếc đồng hồ đắt tiền, lạ mắt và trong một buổi tối sắm tới 20 bộ cánh hiệu Brooks Brothers”.
Năm 1927, Howard Hughes bắt đầu sự nghiệp trong ngành điện ảnh. Ông gây được tiếng với những bộ phim kinh phí lớn ở Hollywood vào cuối những năm 1920 như: The Racket (1928), Hell’s Angels (1930), Scarface (1932) và The Outlaw (1943).
Người hùng ngành hàng không
Không phải ngẫu nhiên mà Howard Hughes được có tên trong danh sách của 51 anh hùng hàng không của tạp chí Flying.
Năm 1925, Howard Hughes rời Houston tới Los Angeles để bắt đầu dự án làm phim. Trong bộ phim “Hell’s Angel’s”, Howard đã mua tới 87 chiếc máy bay kiểu cũ từ chiến tranh Thế Giới I chỉ vì muốn quay cảnh máy bay cháy trong phim.
Đã có một vài tai nạn xảy ra và một phi công đã chết trong lúc quay phim, bộ phim đã phải quay đi quay lại nhiều lần và “ngốn” tới 3,8 triệu đô la Mỹ vào thời điểm đó.
Năm 1932, ông thành lập Hughes Aircraft Company để thoả mãn đam mê chinh phục bầu trời. Liên tiếp trong nhiều năm, Howard Hughes xô đổ nhiều kỷ lục của ngành hàng không.
Năm 1939, ông thiết kế nên chiếc máy bay chiến đấu có tên "Spruce Goose". Đứa con tinh thần của Howard sau đó được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới Thứ II.
Tuy nhiên, trong quá trình lái thử như một phi công cho chính những máy bay của mình, Howard gặp tai nạn 2 lần vào những năm 1943 và 1946 và khiến ông tưởng như không thể qua khỏi.
Sau khi tỉnh lại, tính cách của Hughes bắt đầu thay đổi. Ông nhốt mình trong phòng tối hàng tháng, không đi tắm, tiểu vào chai và chỉ ăn chocolate, gà, sữa. Những cơn đau dai dẳng sau tai nạn khiến ông phải phụ thuộc vào chất gây nghiện.
Dù nằm trong bệnh viện nhưng Howard vẫn làm việc và thiết kế ra nút bấm trên giường để giúp các nạn nhân bỏng di chuyển xung quanh. Tai nạn tuy không quật ngã được Howard Hughes, nhưng lại khiến ông bị phụ thuộc vào các loại thuốc giảm đau gây nghiện, đặc biệt là morphine và codein.
Sự nhạy bén và tinh tường của Hughes trong kinh doanh và công nghệ đã đưa ông trở thành người giàu nhất nước Mỹ. Trong năm 1966-1968, Hughes đã mua nhiều khách sạn và sòng bạc hơn bất cứ nhà đầu tư nào trong lịch sử thành phố Las Vegas.
Bởi những nỗ lực sống phi thường, cùng đóng góp to lớn cho ngành hàng không, ông được ca ngợi như một tượng đài sống, biểu trưng cho những giá trị tạo nên một nước Mỹ đầy kiêu hãnh.
Tên ông được xuất hiện trong Bảo tàng danh tiếng hàng không Quốc gia vào năm 1973.
Video: Tai nạn máy bay của tỷ phú Howard Hughes
Vị tỷ phú quái đản
Năm 1966, Hughes chuyển đến khách sạn Desert Inn có sòng bạc lớn nhất của Vegas và thuê hai tầng trên cùng của khách sạn vào ngày lễ Tạ ơn.
Sau một vài tuần, chủ khách sạn muốn đuổi Hughes ra khỏi đây vì cảm thấy sự lập dị của ông ảnh hưởng tới hình ảnh của khách sạn. Họ cũng muốn căn phòng này được bỏ trống cho những tay chơi khét tiếng sẽ tới đây vào mùa kì nghỉ tới. Vào thời điểm này thì Hughes cũng được coi là hơi "điên rồ" một chút bởi giới truyền thông.
Cuối cùng, sau 4 năm, ông đã được khiêng ra ngoài trên cáng và bay xuống Bahamas để sống nốt cuộc đời kỳ dị còn lại của mình.
Hai vợ và khoảng 70 người tình Hollywood
Kể từ khi trở thành một nhà sản xuất phim, Howard được tiếp xúc nhiều với những nữ minh tinh xinh đẹp và nổi tiếng của Hollywood thời bấy giờ.
Ngoài ra, ông còn từng bị cho là cũng có những mối quan hệ đồng tính với các sao nam khác của Hollywood.
Ngoài hai người vợ xinh đẹp là Ella Rice và Jean Peters ra thì mối tình được nhắc đến nhiều nhất của Howard Hughes chính là nữ minh tinh huyền thoại Katharine Hepburn.
Họ hẹn hò với nhau từ năm 1935, yêu nhau say đắm và hiểu rất rõ về nhau. Nhưng khi ấy sự nghiệp của Katharine tuột dốc, dù ở bên cạnh là người yêu tỷ phú nhưng bà lại không muốn nhờ đến sự giúp đỡ của ông.
Vì muốn vực lại sự nghiệp đang đi xuống, Katharine đã quyết định từ chối lời cầu hôn của Howard vào năm 1938. Dù đã chia tay nhưng cả hai vẫn là bạn bè tốt của nhau.
Không chỉ từng cầu hôn Katharine Hepburn, Howard Hughes còn từng ngỏ lời với cả Elizabeth Taylor dù khi ấy bà mới 16 tuổi.
Howard đã từng nói với bố mẹ của Elizabeth rằng nếu như bà đồng ý kết hôn với ông, ông sẽ giúp đưa bà lên vị trí siêu sao của Hollywood.
Bố mẹ của Taylor tuy rất thích nhưng bà lại không muốn, thậm chí còn thẳng thừng từ chối Howard, xung đột với gia đình chỉ vì ông.
Mặc dù là một người đàn ông điển trai giàu có, nhưng Howard Hughes dường như không có duyên lâu dài với các kiều nữ Hollywood thời đó.
Ông từng ngoại tình với Bette Davis, Marlene Dietrich, Ava Gardner, hẹn hò với Lana Turner, Joan Crawford, Ginger Rogers nhưng khi cầu hôn thì họ lại đều từ chối cả.
Ngoài những mối tình đã được xác nhận, Howard Hughes còn dính hàng loạt tin đồn hẹn hò với những minh tinh nổi tiếng khác như Marilyn Monroe, Jean Harlow, Ingrid Bergman, Rita Hayworth, Norma Shearer, Olivia de Havilland, Veronica Lake, vợ của Clark Gable là Carole Lombard, Jane Russell, Barbara Stanwyck…
Chứng bệnh hiếm gặp và góc khuất của một cuộc đời lẫy lừng
Trong những năm tháng đầu đời, Howard Hughes chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do sự bao bọc quá mức của người mẹ. Ông bị cô lập và gần như chẳng có lấy một người bạn đúng nghĩa.
Khi lớn lên, ông bắt đầu có triệu chứng của căn bệnh OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế). Ông dùng khăn giấy để mở cửa hay như cầm điện thoại và không thể chịu đựng được khi nhìn thấy bụi bẩn trên quần áo người khác. Ông đốt hết quần áo của mình để tránh vi khuẩn.
Một số nhà viết tiểu sử cho rằng chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức đã góp phần tạo nên thành công của Hughes bởi nếu không mắc chứng bệnh đó thì ông không thể là người cầu toàn tuyệt đối đến vậy.
Hughes kỹ lưỡng trong cả cách chọn đồ lót cho tới những chiếc đinh tán trên cánh máy bay nhanh nhất thế giới.
Trong những năm cuối đời, căn bệnh khiếm thính và sự bất ổn định về cảm xúc của ông nặng thêm, Hughes sống ẩn dật, giam mình trong các khách sạn và ngồi xem đi xem lại các bộ phim. Chưa kể, Hughes còn có thói quen không cắt móng tay và đựng nước tiểu trong lọ.
Năm 1976, Howard Hughes qua đời sau khi bị phát hiện bất tỉnh ở Mexico, trong bộ dạng tiều tuỵ đến mức cảnh sát phải sử dụng dấu vân tay để xác nhận danh tính. Khi qua đời, cánh tay của ông vẫn chằng chịt những vết kim tiêm, "vết nhơ" của việc lạm dụng ma tuý trong thời gian dài.
Nhiều nguồn tin cho rằng ông trút hơi thở cuối cùng trên chiếc máy bay từ Grand Bahama tới một bệnh viện tại Houston. Sau cái chết của Howard, tài sản 2 tỉ đô la Mỹ đã được chia đều cho các anh chị em họ của ông.
Minh Lan (Tổng hợp)