Theo đó, chiều tối 1/8, tổ chống buôn lậu, ma túy trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh thuộc đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) phát hiện một đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn tại khu vực đường nhánh Tây đồi cao khu vực Cửa khẩu Tân Thanh nên đã yêu cầu kiểm tra hành chính.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong người thanh niên này có một bọc tiền Việt Nam mệnh giá 200.000 đồng. Ngay sau đó, số tiền nghi vấn được đưa đi giám định, cho kết quả cả 31 cọc tiền gồm 3.100 tờ tiền polyme có mệnh giá 200.000 đồng, với tổng số tiền 620 triệu đồng đều là tiền giả.
Đối tượng được xác định là Vũ Ngọc Thắng (SN 1984, trú tại Xuy Xá - Mỹ Đức - Hà Nội). Thắng khai nhận, có sang Trung Quốc bốc vác hàng thuê một thời gian; Vào chiều 1/8, Thắng được một đối tượng không quen biết nhờ chuyển một túi hàng về Việt Nam với tiền công một triệu đồng. Khi vừa chuyển qua biên giới thì bị lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ. Đây là một trong những vụ vận chuyển tiền giả bị bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Trước đó, tại đường mòn xã Yên Khoái (Lộc Bình, Lạng Sơn), tổ công tác thuộc đội Kiểm soát Hải quan (cục Hải quan Lạng Sơn) đã phát hiện hai đối tượng nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam và đưa về trụ sở chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma để làm việc.
Kiểm tra người và hành lý hai đối tượng, lực lượng chức năng đã phát hiện bọc nylon màu đen đựng hai tập tiền VND, loại tiền polyme mệnh giá 500.000 đồng, với tổng số hơn 100 triệu đồng, có nhiều tờ tiền có số seri trùng nhau nghi là tiền giả.
Hai đối tượng được xác định là: Lãnh Văn Long (SN 1981, trú tại thôn Thảo Quéo, xã Biển Động, Lục Ngạn, Bắc Giang) và Dương Văn Én (SN 1988, trú tại thôn Đồng Giáng, xã Kim Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang). Long và Én khai nhận, số tiền giả trên được chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam để tiêu thụ.
Liên quan đến việc xử lý tiền giả, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra dự thảo Thông tư nghiêm cấm các tổ chức tín dụng trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng mà phải tịch thu, bấm lỗ và chuyển về cho NHNN tiêu hủy.
Theo đó, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn, NHNN chi nhánh, sở giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu (hoặc tiền thật) cùng loại và căn cứ vào thông báo của NHNN (hoặc bộ Công an) về đặc điểm nhận biết tiền giả để kết luận.
Trường hợp khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả đã được NHNN (hoặc bộ Công an) thông báo bằng văn bản, NHNN chi nhánh, sở giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả…
P.V (t/h)