Sáng 14/8, Hội nghị "Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững trong tình hình mới" đã được tổ chức nhằm nâng cao khả năng sản xuất, chăn nuôi có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần bình ổn thị trường trong các tháng cuối năm.
Xu thế mới của ngành chăn nuôi
Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thông tin, 6 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt.
"Chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi", ông Đăng nói.
Nói về xu hướng trong chăn nuôi lợn của thế giới, ông Đăng cho rằng, ngành chăn nuôi trên toàn thế giới đã và đang có nhiều biến động, được dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đối với chăn nuôi lợn đang có những xu thế mới và một số xu thế này đang và sẽ ảnh hưởng đến cách thức tiếp cận của Việt Nam.
Về xu hướng đầu tiên, ông Đăng chia sẻ, trước tình hình diễn biến phức tạp của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, tai xanh hoặc dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu hết sức cấp thiết cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Nhờ đó, chăn nuôi an toàn sinh học đã được tuyên truyền để thay đổi nhận thức và thực hành. Không chỉ áp dụng cho các trang trại chăn nuôi lợn mà còn áp dụng ở tất cả các khâu của chuỗi như vật tư đầu vào, thức ăn, giống, giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối…
Tuy nhiên, theo ông Đăng, ở Việt Nam, chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ.
"Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn lợn như Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát thì việc chăn nuôi an toàn sinh học chưa được chủ trang trại thực sự quan tâm để triển khai thực hiện từ trước, trong và sau quá trình chăn nuôi, đặc biệt là khu vực chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa", ông Đăng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số xu hướng tất yếu cũng được Cục Phó Cục Chăn nuôi đề cập là áp dụng công nghệ chính xác; sử dụng nhà nhiều tầng; chăn nuôi hữu cơ; giảm phát thải, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn; không sử dụng kháng sinh; nhân đạo với vật nuôi…
Trong bối cảnh đó, ông Đăng bày tỏ mong muốn trong giai đoạn tới sẽ tới sẽ đẩy mạnh xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ở các cấp để khẩn trương triển khai các nội dung, định mức của chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ổn định tổng đàn, thứ đẩy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết…
Chia sẻ một số dự báo nửa cuối năm 2024, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, nguồn cung hiện nay đang có xu hướng sụt giảm do dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
"Giá thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng có xu hướng ổn định do nguồn cung dồi dào và nhu cầu ổn định nhờ giá nguyên liệu trong nước được duy trì", ông Hòa cho biết.
Nhiều địa phương chưa tổ chức chống dịch theo quy định
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch trong chăn nuôi lợn, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ, tính đến ngày 12/8, cả nước có 306 ổ dịch tả lợn châu phi thuộc 100 huyện của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh bệnh là 34.304 con, số lợn chết & tiêu hủy là 34.416 con.
Nói về những tồn tại, hạn chế trong phòng chống dịch bệnh trên lợn, ông Minh cho biết, ông Minh cho biết, một số địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, cụ thể tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình,…
Bên cạnh đó, tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh vẫn còn tồn tại, và công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch bệnh vẫn chưa được thực hiện theo quy định.
"Ngoài ra, mặc dù đã có vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, nhưng nhiều địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức tiêm phòng cho đàn lợn thịt", ông Minh nói.
Đại diện Dabaco, ông Nguyễn Văn Tuế chia sẻ: "Ngành nông nghiệp nhìn vào con lợn, lâu nay chưa xuất thể xuất khẩu, chưa chiếm được thị phần xuất khẩu do chưa tạo ra sự an toàn dịch bệnh. Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn tạo ra khớp nối để các địa phương có vùng an toàn dịch bệnh, hướng tới xuất khẩu".
Về phía doanh nghiệp, người chăn nuôi rất quan trọng, phải có nhận thức nâng tầm hiểu biết, trình độ để tạo điều kiện cho chăn nuôi bền vững. Tại Dabaco, khi được cấp chứng chỉ vùng an toàn chăn nuôi, chúng tôi phân ra nhiều khu vực, có cả ao, hồ, khu vực xử lý phân bón, chất thải, biogas. Như vậy, bắt buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, sản xuất tuần hoàn trong chăn nuôi thì mới có thể tồn tại được…
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Trong rổ thực phẩm, thịt lợn chiếm 65% chỉ số CPI. Hiện giá thịt lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau một thời gian bị thua lỗ".
Do đó, Thứ trưởng nhấn mạnh ngành chăn nuôi đặt ra yêu cầu vừa đảm bảo tăng trưởng, nguồn cung thực phẩm, đảm bảo người chăn nuôi có lãi song cũng cần chúng ta phải sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Phương Anh - Thanh Loan