Chiều 14/8, Tọa đàm “Phổ biến và giải đáp một số quy định mới của pháp luật về thú y" đã được tổ chức nhằm giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y, các quy định của pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý thuốc thú y.
Từ đó, khống chế thành công các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm tại Việt Nam, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật lưu thông trong nước.
Đồng thời là cơ hội để thúc đẩy giao lưu thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm động vật đi các nước trên thế giới như trứng, thịt, sữa, mật ong, tổ yến, thủy, hải sản,... góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản, thú y Việt Nam.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi Việt Nam đã phát triển rất mạnh, tuy nhiên, việc xuất khẩu động vật và các sản phẩm động vật còn rất hạn chế, đây là điểm yếu lớn nhất. Năm 2022 chỉ xuất khẩu được khoảng 400 triệu USD, so với nhập khẩu rất khiêm tốn.
Nguyên nhân được ông Long đánh giá là do chăn nuôi trong nước cơ bản vẫn còn nhỏ, lẻ, các yêu cầu vệ sinh thú y chưa đạt, cốt lõi còn một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người, do đó các quốc gia nhập khẩu rất quan ngại, dẫn đến Việt Nam rất khó để đạt được "quốc gia an toàn dịch bệnh".
Ông Nguyễn Văn Nam - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, trước khi các Thông tư, Nghị định ra đời, Cục Thú y đã triển khai rất bài bản từng bước, lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân. Từ đó, thống nhất cách hiểu, cách làm, phát hiện các bất cập để điều chỉnh cho phù hợp.
“Những nội dung mới trong các thông tư, nghị định có thể khẳng định là vừa mới vừa tốt hơn trước. Điều này thể hiện rõ ở việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân trong việc giảm chi phí, thời gian”, ông Nam nói.
Bên cạnh đó, giúp cho công tác kiểm tra chuyên ngành đổi mới về hình thức thời gian theo hướng hiệu quả hơn. Ông Nam cũng bày tỏ: “Chúng ta đã cắt giảm được thủ tục hành chính rồi thì có cắt giảm được nữa không, những quy định đó có đi vào cuộc sống không”.
Do đó, theo ông Nam, tọa đàm không chỉ là giải đáp, thống nhất quan điểm để triển khai thực hiện, mà cùng nhau lắng nghe ý kiến từ các cơ quan, doanh nghiệp để nhận định đúng hơn các bất cập trong các văn bản để điều chỉnh trong thời gian tới.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Điệp - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, một trong những giải pháp đầu tiên và khả thi là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Thời gian qua, Cục Thú y đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 889 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030.
Ngoài ra, để giúp địa phương, doanh nghiệp có cơ sở triển khai thực hiện, Thông tư 24 được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại của Thông tư số 14 trước đó, như: quyền lợi của cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh chưa được cụ thể hóa; một số quy định chưa tiệm cận với quy định quốc tế: Kế hoạch an toàn sinh học, Kế hoạch giám sát, Kế hoạch ứng phó dịch bệnh, số lượng mẫu giám sát… gây khó khăn cho xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật…
Bà Diệp chia sẻ, thông tư 24 quy định một số nội dung mới về điều kiện cấp mới, duy trì cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; số lượng mẫu giám sát; quy định cơ quan xét nghiệm, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thành phần hồ sơ về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh và quyền lợi của cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.