Tại một quán nước ven đường:
Cao Văn: Giờ cứ ra khỏi nhà là có một vạn nỗi sợ đứng ngoài cửa bủa vây và bám sát theo mình ông ạ!
Bình Minh: Ông sợ chi sợ lắm thế?
Cao Văn: Ông đọc báo thì thấy đấy, giờ đây những chuyện bất trắc nào có hiếm. Có khi ngồi ở nhà xem vô tuyến cũng gặp tai họa. Tai họa... có ai mong đâu ông!
Bình Minh: Công nhận với ông rằng chẳng ai mong muốn những tai họa xảy ra cho mình và những người xung quanh. Nhưng tôi lại thấy đôi khi phải có những “phông nền tối” thì chúng ta mới thấy được điểm sáng trong mỗi bức tranh.
Cao Văn: Ý ông là...
Bình Minh: Là đôi khi tai họa cũng góp phần tích cực trong cuộc sống đó ông.
Cao Văn: Nào đâu, đã nói đến hai chữ “tai họa” thì chỉ có những điều xấu thôi. Có ai trở nên hạnh phúc hơn, mãn nguyện hơn sau những sự cố tiêu cực? Giả dụ người bị tai nạn giao thông, chỉ có bị thương tật hoặc thiệt hại về của, nhẹ thì mang bực vào người chứ làm sao trở nên giàu có, xinh đẹp hay vui vẻ được?
Bình Minh: Ai bảo ông không có? Mới đây, có vụ tai nạn – đương nhiên chỉ là va quệt nhẹ thôi, không có thiệt hại gì về người lại khiến tôi thấy ấm áp cả ngày đấy. Mình không được chứng kiến trực tiếp, chỉ được xem qua những bức ảnh cùng lời tường thuật lại của một “facebooker” mà thấy vui lắm!
Sau va quệt, hai tài xế - một người điều khiển xe máy, một người lái taxi thay vì to tiếng cãi cọ, chửi thề, tranh nhau phần đúng, đùn đẩy phần sai (như thường lệ) đã để nguyên hiện trường đó, mời cảnh sát giao thông đến phân xử rồi cùng nhau ngồi tâm sự như hai người bạn tâm giao. Tôi thấy vui, vui vì sự văn minh trong cách hành xử của những người trẻ đó.
Cao Văn: Ông nói có lý, tai nạn thì không hiếm nhưng cách phản ứng của hai nhân vật chính như trên thật khó tìm. Tôi thường thấy đi kèm với các vụ va chạm giao thông là sự ăn thua, là những lời chửi bới, cãi vã. Nhiều khi không “đau” vì tai nạn mà “đau” bởi cách giải quyết đầy hung hãn.
Bình Minh: Tôi nghĩ rằng gốc rễ của cách hành xử văn minh này đó là người ta đã chuẩn bị được tâm lý “chấp nhận rủi ro” ông ạ. Có lẽ họ đã xác định tinh thần rằng những chuyện không may đó cũng là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Họ luôn nhìn cuộc đời một cách tích cực nên mới có hành động “tận hưởng xui xẻo”. Cứ như ông... cái gì cũng sợ, đến lúc xảy ra chuyện, mất bình tĩnh rồi kiểu gì cũng hành động thiếu suy nghĩ mà coi!
Cao Văn: Nhưng trước những đau đớn, mất mát hay biến động, sao tôi có thể bình tĩnh được. Người ta chỉ vui vẻ khi bình yên hoặc nhận được những tin vui chứ những tin xấu, có ai muốn?
Bình Minh: Ông không biết rằng sự việc nào cũng có thể tốt, có thể xấu à? Như câu chuyện “Tái ông thất mã” đấy. Tưởng là buồn nhưng không buồn, tưởng là vui nhưng chưa chắc đã vui.
Nên để trau dồi lối sống văn minh, văn hóa, tôi nghĩ rằng chúng ta nên luyện tập suy nghĩ một cách lạc quan nhất có thể ông ạ. Tôi đồ rằng cả hai người tài xế văn minh mà tôi kể đều đã từng nghĩ “Ôi may quá, may mà chỉ hỏng xe chứ chưa “hỏng người!” nên mới bình tĩnh ngồi lại cùng nhau nghĩ hướng giải quyết hợp lý như vậy. Chứ nhiều người có suy nghĩ tiêu cực, cứ “rối hết lên” thì chẳng thể “khoan thai” được như vậy đâu. Tôi không biết liệu sau vụ va chạm đó, hai người có thêm bạn mới hay có cẩn thận hơn trong việc tham gia giao thông hay không nhưng tôi chắc chắn họ thoát được cãi vã, thị phi, thậm chí ẩu đả, xô xát...
Cao Văn: Ông nói chí phải, chắc giờ đây tôi cũng phải học thuộc câu “thần chú”: “May quá, may mà chỉ...” để luôn vui vẻ tận hưởng cuộc sống và có đôi khi, còn tránh được cả những tai họa!
Biết Tuốt (Lược thuật)