Với giang hồ có "chất" giang hồ thực sự thì cho rằng, thoát tội bằng cách giả điên là thứ ma cô mạt hạng, không xứng danh giang hồ. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều giang hồ đã áp dụng quỷ kế này để thoát tội một cách tạm thời. Câu hỏi đặt ra là những bệnh án điên đó của tội phạm đã được nhào nặn như thế nào dưới bàn tay của những "đầy tớ" của dân - tức thành viên của hội đồng giám định pháp y tâm thần và các bác sỹ đang trực tiếp điều trị bệnh tâm thần cho những tên ma cô hạ đẳng này? Trong loạt bài này, chúng tôi cố gắng đưa bạn đọc tiếp cận chân tướng sự việc một cách chân thật, rõ ràng và đơn giản nhất.
Báo điện tử Người đưa tin từng có ít nhất 5 bài viết về giang hồ Mai Đức Vượng, tức Vượng tộ tích, SN 1981, đăng ký hộ khẩu ở quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. So với các bậc "tiền bối" của giang hồ đất Cảng thì Vượng chỉ là một tên giang hồ nhãi nhép. Hắn có duy nhất một thứ mà "giang hồ chất" không bao giờ chấp nhận đó là sự tàn độc của cái gọi là thứ ma cô hạ đẳng. Khi bị pháp luật sờ gáy, Vượng cũng như bao tên giang hồ khác, cũng vùng quẫy để thoát tội. Cái mà Vượng chọn để thoát tội là tự biến mình thành kẻ điên. Giang hồ đầy mưu mô tỉnh mà giả điên thì quả thật có hai điều làm người ta suy nghĩ.
Thứ nhất, tên giang hồ này cũng sợ chết - bởi tội lỗi y gây ra, y tự biết khó tránh khỏi bản án tử hình của pháp luật. Thứ hai, trong sự cùng quẫy, y vẫn cố bám víu vào cái gọi là danh giang hồ và tiền bạc để chi phối, làm khó cơ quan chức năng. Những kẻ giả điên này đã làm cho người tỉnh đau đầu, cuốn theo chúng để cùng chúng gây thêm những tội lỗi không thể dung thứ.
Đây là hình ảnh lúc Vượng bị bắt sau khi đã trốn "trại điên" ra ngoài hưởng thụ cuộc sống) - ảnh do công an Hải Phòng cung cấp.
Điên biết "đi du lịch" nước ngoài
Thời điểm Vượng bị cơ quan CSĐT công an Hải Phòng và công an Việt Nam truy nã (lúc này y trốn sang Trung Quốc-PV) đã dấy lên bao hoài nghi trong dư luận. Thế nhưng, dù có nhiều "mưu đểu", Vượng vẫn bị bắt, dẫn giải về Việt Nam. Thế là hoài nghi đã tan biến cùng với sự thán phục của người dân lương thiện với lực lượng cảnh sát nhân dân.
Vị nguyên đại tá tên Tr., người trực tiếp chỉ huy việc bắt tên Vượng đã ngậm ngùi chia sẻ: "Nó (tức Vượng) đã "ngốn" của anh mất mấy điều tra viên "cứng" (thạo và giỏi nghề) trong mấy tháng trời. Nhiều người không hiểu, cứ tâng bốc nó lên là giang hồ này nọ chứ nó không bằng phần mấy của giang hồ “hệ” trước. Đúng là nó hành xử tàn độc, liều lĩnh và bất chấp hơn, nhưng nó vẫn sợ pháp luật. Bằng chứng là khi bị truy bắt, nó bỏ trốn". Theo thông tin vị nguyên đại tá này cung cấp thì trước khi bỏ trốn, Vượng gây ra vài vụ giết người, cướp của, đòi nợ thuê khá đình đám ở Hải Phòng.
Bẵng đi một thời gian có thể nói là không dài, không thấy Vượng xuất hiện trên báo chí, tôi gặp đại tá Đỗ Hữu Ka - Giám đốc công an TP. Hải Phòng (khi đó đại tá Tr. đã chuyển công tác) và thắc mắc: "Hoàn tất kết luận điều tra Vượng rồi, mãi chẳng thấy xử hả anh? Hay bị Toà, Viện trả hồ sơ về điều tra bổ sung?". Đại tá Ka cười buồn mà rằng: "Công an đã làm trên mức có thể, nhưng Viện và Toà cho Vượng đi chữa bệnh bắt buộc vì có bệnh án tâm thần". Nụ cười buồn và giọng nói có vị chát đắng làm tôi hiểu, kẻ tỉnh giả điên này lại gây "sóng gió" cho bao mảnh đời, bao "đầy tớ" của dân. Và, bây giờ, điều đó đang là sự thật.
Xài di động, ăn đồ biển và đi sàn nhảy
Với lá bùa hộ mệnh là bệnh án tâm thần, Vượng được viện Kiểm sát Hải Phòng cho đi chữa bệnh bắt buộc, cơ quan điều tra buộc phải đình chỉ điều tra đối với Vượng để y đi chữa bệnh, vì... quá "tỉnh". Vượng được đình chỉ điều tra nhưng đám đàn em của Vượng liên quan đến những vụ án giết người, cướp của, đòi nợ thuê... không có bệnh án điên vẫn phải hầu toà. Tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở huyện Thường Tín, TP.Hà Nội, Vượng là bệnh nhân VIP. Vì sao lại như vậy? Tại đây, dù đi chữa bệnh điên nhưng Vượng vẫn được sử dụng điện thoại di động, được người thân mang đồ ăn đến, được đàn em cung phụng...
Lịch xử đàn em của Vượng được toà gửi đến các nạn nhân, gia đình bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Vượng được thông báo qua điện thoại di động. Từ trại tâm thần, Vượng gọi điện thoại đe doạ nạn nhân, gia đình bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với nội dung đến toà không được làm chứng, không được khai những lời khai bất lợi... Rất nhiều cái không, nếu có sẽ bị xử lý theo luật rừng. Riêng việc gọi điện đe doạ này thôi, người ta đủ hiểu, Vượng tỉnh hơn người bình thường, chẳng có dấu hiệu điên. Điều nữa, sao bệnh nhân điên lại được sử dụng điện thoại di động một cách "mái thoải" như thế nhỉ?
Dù là bệnh nhân tâm thần, nhưng Vượng phân biệt rất rõ đồ ăn ngon và không ngon. Vào trại chữa bệnh, tuần nào vợ Vượng cũng đều đặn đi taxi từ Hải Phòng, mang thức ăn ngon cho chồng. Đồ ăn của Vượng làm cho nhiều bệnh nhân tâm thần thực thụ phải thèm thuồng. Ngoài hưởng thụ chuyện ăn, trong trại tâm thần, Vượng còn biết hưởng thụ cuộc sống ngoài trại một cách đẳng cấp hơn người tỉnh.
Điều tra viên tên Đ. (PC45 công an TP. Hải Phòng) kể: Khi người dân báo rằng, Vượng xuất hiện ở sàn nhảy, tụ điểm ăn chơi có tiếng ở Hải Phòng, tôi không ngạc nhiên. Tôi hiểu tâm lý của tên tội phạm này. Lúc cần trốn tội, y giả điên, nhưng để hưởng thụ cuộc sống thì y thoát khỏi cái sự giả dối đó rất nhanh. Đàn em hay "đối thủ" mà nói y điên, y nổi khùng và khẳng định là mình tỉnh. Chính điều đó làm nhiều người đặt câu hỏi: “Nếu cơ quan công an không nhận tiền đút lót thì sợ Vượng, mới thả Vượng ra như thế.
Tóm lại, người dân nghi ngờ cũng có cái đúng”. Theo điều tra viên Đ., thì công an vẫn theo dõi sát sao mọi di biến động của Vượng. Việc Vượng chữa bệnh ở trong trại tâm thần như thế nào? Vì sao, Vượng ra ngoài bệnh viện để "quậy", để hưởng thụ cuộc sống, công an vẫn bám sát và truy tìm nguyên nhân. Đã "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" thì khi bắt lại Vượng, công an phải có những bằng chứng thuyết phục để các cơ quan chức năng khác không thể đem bùa hộ mệnh là bệnh án tâm thần để "làm nhiễu" công việc bắt tội phạm của công an.
Vượng tộ tích trong hồ sơ của Công an Hải Phòng)
Nhớ nợ và thực hiện"hợp đồng" phạm tội
Theo các điều tra viên của "tổ điên" - tên của một nhóm điều tra viên thực hiện bắt tội phạm giả điên trốn tội của PC45, công an TP. Hải Phòng, thì dù là bệnh nhân tâm thần nhưng Vượng tỉnh hơn người bình thường. Trong trại điên, Vượng vẫn dùng điện thoại chỉ đạo đàn em thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, vẫn nhận "hợp đồng" đòi nợ; vẫn chỉ đạo đàn em đi đòi thuê; "giải quyết" người nợ khất nợ; vẫn dàn trận thanh toán đối thủ khi giang hồ nhóm khác dám "tranh ăn" hoặc "xâm lấn" địa bàn hoạt động của chúng.
Với cái cớ, bệnh đã tạm ổn, Vượng xin trại cho về nhà làm giỗ cha đẻ. Giỗ cha có một ngày, Vượng ở ngoài viện tâm thần cả chục ngày để chỉ đạo đàn em vi phạm pháp luật và cùng hưởng thụ cuộc sống. Vượng có cái "thú" hưởng thụ cuộc sống khác người tới mức, đến chốn ăn chơi, cùng một đám đệ tử giang hồ tàn độc nhưng trong người lúc nào cũng phải có vài khẩu súng để ra oai, "phòng thân".
Việc Vượng lấy mác là người điên, đem súng, ra oai ở chốn ăn chơi khi đang trong tình trạng đi chữa bệnh làm dư luận hiểu theo hai hướng. Thứ nhất, Vượng lấy mác điên, ra oai để thách thức dư luận, thách thức các nạn nhân, gia đình bị hại. Hai là, đem súng kè kè bên người cũng là để phòng thân theo đúng nghĩa đen. Vì Vượng có quá nhiều kẻ thù trong giới giang hồ. Hơn nữa, nếu "thanh toán" được Vượng, đối thủ "lên số" nhanh hơn "diều gặp gió". Hoá ra, xung quanh cái tên tội phạm giả điên này, có quá nhiều người trong xã hội quan tâm để thông qua đó, hiểu cái thế thái nhân tình bây giờ là ra “răng”?
Theo cơ quan điều tra, cuối tháng 7/2012, Vượng có lệnh đi chữa bệnh điên bắt buộc. Giữa tháng 4/2013, Vượng bị công an Hải Phòng bắt trở lại. Hắn vào viện tâm thần điều trị chưa đến 8 tháng nhưng theo trinh sát, Vượng đã có mặt ở Hải Phòng không dưới 10 lần. Có nghĩa là, tháng nào Vượng cũng “đỡ điên” và được hưởng thụ cuộc sống ngoài “trại điên”?
"Trêu ngươi" công an Biết không thể giả điên, trốn tội mãi, Vượng đã giở thủ đoạn của kẻ ma cô mạt hạng là "trêu ngươi"… công an. Sau khi hưởng thụ cuộc sống ngoài “trại tâm thần” với đám đệ tử, Vượng nhanh chóng về trại "bày binh, bố trận" để đối phó với lực lượng công an đến bệnh viện lột mặt nạ của y. Chẳng hiểu lấy "sức mạnh" ở đâu mà Vượng rủ thêm một đám đệ tử rất tỉnh, vào trại làm bệnh nhân điên để cản trở công an đến bắt y. Trước khi bị bắt, Vượng vẫn cùng đám đệ tử trong trại điên đánh chén nốt những món hải sản, món ăn ngon mà người thân của y gửi lên. Bảo bối bệnh tâm thần không còn giá trị, Vượng chỉ đạo đám đàn em giả điên trong trại tâm thần ném đủ thứ đồ bẩn vào lực lượng công an, nhằm cản trở việc thi hành công vụ, gây mất tập trung, tạo điều kiện cho Vượng bỏ trốn. Thế nhưng, những chiêu thức hạ đẳng này của Vượng đều bị công an hoá giải. |
Ngân-Lan-Anh
Kỳ 2: Khi “bùa điên” hết “linh nghiệm”