Chân tướng giang hồ cộm cán giả điên... trốn tội (Kỳ cuối)

Chân tướng giang hồ cộm cán giả điên... trốn tội (Kỳ cuối)

Thứ 5, 20/06/2013 19:45

Khi chúng tôi thực hiện kỳ cuối cùng của loạt bài "Giang hồ cộm cán giả điên... trốn tội" thì những điều tra về việc có hay không sự tiếp tay của cá nhân, tổ chức cho "tội phạm điên", ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự cũng đã "hòm hòm".

PC45, công an Hải Phòng cũng đã bóc tách một số vấn đề để làm rõ. Với tư cách độc lập, PV đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Phó viện trưởng viện Giám định pháp y (GĐPY) tâm thần Trung ương và những chuyên gia pháp luật hình sự để đem đến cho bạn đọc cái nhìn cận cảnh về vấn đề mà báo Nguoiduatin.vn đã đăng tải trong loạt bài này.

Không phải thể bệnh tâm thần nào cũng được miễn trách nhiệm hình sự

Trao đổi với PV, bác sỹ chuyên khoa II Dương Văn Lương, phó viện trưởng, viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương cho biết: "Không phải người bệnh tâm thần nào cũng không thể làm chủ được hành vi của mình. Việc không làm chủ được hành vi của mình, không chỉ tuỳ thuộc vào loại bệnh mà còn tuỳ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh (tức tình trạng bệnh - PV).

Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 của tổ chức Y tế thế giới, hiện có 10 nhóm bệnh tâm thần, trong đó có hơn 300 rối loạn tâm thần. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn về bệnh/rối loạn tâm thần: Đó là tất cả các biểu hiện về rối loạn tâm - sinh lý của con người, từ những triệu chứng nhẹ như: Rối loạn giấc ngủ, ăn kém ngon miệng, cảm xúc (khí sắc) thay đổi bất thường, trạng thái bồn chồn bất an, buồn chán, giảm khả năng tư duy, đến các triệu chứng nặng như: Hoang tưởng, ảo giác, hành vi gây hấn hay tự sát, sa sút tâm thần...

Như vậy, có thể khẳng định không phải người mắc các chứng bệnh về tâm thần đều có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (khi gây án hay vi phạm các quy định của pháp luật) mà trên thực tế có những trường hợp, đối tượng mắc bệnh tâm thần vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như những đối tượng khác".

Về thông tin cho rằng, có tình trạng làm giả hồ sơ mắc bệnh tâm thần để trốn tội, bác sỹ Lương bộc bạch: "Cá nhân tôi cho rằng, khi nói hay quy kết một việc gì đó sai, một ai đó vi phạm pháp luật thì cần phải có chứng cứ rõ ràng. Bởi, khi GĐPY tâm thần có cả một Hội đồng thẩm định và Hội đồng giám định đó (khi ban hành kết luận) phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình trước pháp luật. Nếu đúng như thông tin phản ánh đó là kết luận sai và nói kết luận sai, phải chứng minh được cái sai đó, chứ không thể nói một cách tuỳ tiện, vô cớ được. Do vậy, chưa thể nói đến chuyện "chạy án" hay giả bị tâm thần (coi như lá bùa hộ mệnh) để thoát tội mà cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể mới có cái nhìn chính xác nội dung vụ việc".

Pháp luật - Chân tướng giang hồ cộm cán giả điên...  trốn tội (Kỳ cuối)
Viện GĐPY tâm thần TW nơi theo dõi bệnh điên của giang hồ đất Cảng.

Tại Điều 9, Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh có quy định rất rõ về chế độ quản lý, điều trị đối với người bị bắt buộc chữa bệnh. Cụ thể, kể từ thời điểm người bị bắt buộc chữa bệnh, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh. Việc quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với những người bị bệnh tâm thần khác và không được phân biệt đối xử. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với bộ Công an hướng dẫn việc xét duyệt, tuyển chọn, đào tạo cán bộ, nhân viên bảo vệ cho các cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Mặc dù quy định là vậy nhưng hiện tại vẫn chủ yếu dựa vào nhân lực nội bộ của ngành y tế mà chưa có sự đầu tư, đào tạo nhân lực chuyên quản lý đối với những đối tượng này.

Dễ bị lừa vì thiếu thông tin

Đề cập tới 3 đối tượng giang hồ cộm cán của Hải Phòng, chữa bệnh bắt buộc ở viện GĐPY tâm thần Trung ương, trốn viện về quê gây án, bác sỹ Lương cho biết: "Mai Đức Vượng (tức Vượng “tộ tích”), Đào Duy Tuấn (tức Tuấn “tượng”) và Đào Văn Thắng (tức Thắng “Quán Toan”) vào Viện điều trị từ năm 2012. Trong quá trình điều trị ở đây, cả 3 bệnh nhân này đều đã trốn viện một vài lần. Bệnh nhân Vượng đã trốn Viện 2 ngày, sau đó trở lại điều trị. Đối với những trường hợp trốn Viện, khi phát hiện, Viện tổ chức lực lượng đi tìm. Sau 24 giờ không tìm thấy, bệnh viện sẽ có thông báo với công an TP. Hà Nội, công an Hải Phòng và các cơ quan liên quan biết việc bỏ trốn đó, đồng thời thông báo với gia đình của người bị bắt buộc chữa bệnh để phối hợp truy tìm".

Đề cập tới trách nhiệm khi để bệnh nhân trốn về, bác sỹ Lương khẳng định: "Do cơ sở vật chất còn hạn hẹp, bệnh viện chưa có khu phòng riêng biệt cho người nhà bệnh nhân vào thăm cho nên khi người nhà bệnh nhân tới thăm, đa số là vào phòng điều trị hoặc ra ghế đá ở hành lang của viện trò chuyện, thăm hỏi. Đây rất có thể là những kẽ hở để những bệnh nhân này lợi dụng bỏ trốn"?!

Trở lại việc, những đối tượng cộm cán vào điều trị, có thể là giả bị bệnh, bác sỹ Lương nhấn mạnh, trên cơ sở giám định của Hải Phòng, bệnh nhân được đưa vào viện này điều trị, chúng tôi tiếp tục theo dõi. Có trường hợp bị bệnh thật, nhưng họ cường điệu triệu chứng bệnh lên là có. Tuy nhiên, những trường hợp khác do hạn chế về thông tin, dẫn đến có sự lệch lạc và kết luận sai sự việc. Ví dụ như những trường hợp sử dụng ma tuý, ma tuý đá, sử dụng những loại chất kích thích, tạo ảo giác mạnh trong thời gian dài cộng với việc thiếu thông tin về những người này và nếu nghiệp vụ chuyên môn yếu sẽ rất dễ bị lừa. Do đó, rất cần lượng thông tin đầy đủ, từ phía xã hội và gia đình để có kết luận đúng. "Ngay tại viện, có những đối tượng bị đưa đến bắt buộc chữa bệnh, chúng tôi chỉ biết đơn thuần họ bị bệnh và cần phải chữa bệnh, còn những thông tin ngoài xã hội về đối tượng này, chúng tôi hoàn toàn không biết. Có thể là không có thông tin hoặc cơ quan điều tra giấu, không muốn viện biết thì cũng đành chịu và không thể biết được" - bác sỹ Lương phân trần.

Ai bị... hớ?

Theo bác sỹ Lương, Vượng “Tộ Tích”, Tuấn “tượng”, Thắng “Quán Toan” đến điều trị tại viện không phải giám định lại, vì phía cơ quan điều tra, viện Kiểm sát Hải Phòng đã chấp nhận kết quả GĐPY tâm thần ở dưới cơ sở. Những trường hợp giám định lại xảy ra khi bên ra quyết định hay người trưng cầu giám định không đồng ý với kết luận trước đó. Đến viện điều trị, nhân viên thấy hồi phục, bệnh tiến triển tốt thì yêu cầu hội chẩn. Hội đồng giám định thấy bệnh tiến triển tốt sẽ có thông báo cho bên ra quyết định biết và người ta sẽ đình chỉ quyết định đó.

Thông thường ở viện GĐPY tâm thần Trung ương thực hiện theo dõi đối tượng từ 3 - 6 tuần, có những trường hợp khó có thể kéo dài hơn và sẽ sử dụng những công cụ hỗ trợ khác để theo dõi, phát hiện xem có mắc bệnh thật hay không. Còn ở một vài cơ sở tuyến dưới, họ thường chỉ theo dõi 10 - 12 ngày là cho ra viện. "Khi người nhà họ đến thăm thấy người tóc đỏ, tóc xanh, chúng tôi mới để ý và phỏng đoán đối tượng đó ra sao để đề phòng nguy cơ có thể xảy ra. Thông tin nói bệnh viện, nhân viên của viện tiếp tay cho những đối tượng trốn về, gây án ở địa phương (mặc dù đang điều trị bệnh bắt buộc chữa bệnh - PV) là không chính xác. Quy định rất rõ ràng, viện chúng tôi không cho bất kỳ bệnh nhân nào đang điều trị được về. Khi bệnh nhân điều trị, nhân viên của viện phải theo dõi 24/24, nếu bệnh nhân vắng mặt mà không báo cáo thì người theo dõi phải chịu trách nhiệm theo quy định", bác sỹ Lương nói.

Nói về "giá trị" của kết luận GĐPY tâm thần, bác sỹ Lương cho biết: "Hồ sơ bệnh án là một trong rất nhiều chứng cứ của hồ sơ vụ án hình sự, do vậy, việc dùng hay không dùng chứng cứ bị bệnh là quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng". Điều đó có nghĩa là cơ quan điều tra, viện Kiểm sát phải xem xét một cách thận trọng kết luận GĐPY tâm thần của tội phạm nghiêm trọng. Và, với 3 tên giang hồ cộm cán ở Hải Phòng, Công an, Kiểm sát đều bị... hớ?! Bởi, với người trong ngành y, chỉ cần đọc mã số là biết bị bệnh ở thể nào, thể đó có hay không giảm khả năng nhận thức, điều chỉnh hành vi. Hơn nữa, bác sỹ Lương từng nhấn mạnh, không phải thể tâm thần nào cũng được miễn chịu trách nhiệm hình sự.       

Để tội phạm giả điên lộng hành là lỗi của các cơ quan tố tụng

Luật sư Nguyễn Cẩm - chủ nhiệm đoàn Luật sư Hải Phòng phân tích: Để tội phạm cộm cán lộng hành bằng "chứng chỉ điên" là lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng. Cần phải xem lại xem cái kết luận GĐPY tâm thần ấy có hợp pháp hay không? Hiện tại, nhiều tội phạm sử dụng các chất hướng thần, chất ma tuý, gây ảo giác mà giám định chỉ qua loa (do vô tình hay cố ý - PV) thì kết luận không thể chuẩn xác được. Đề nghị công an phải làm rõ trách nhiệm của những người đưa ra kết luận giám định ấy. Kiểm tra từ quy trình làm giám định đến sổ ghi chép cũng như ý kiến từ địa phương (nơi đối tượng cư trú) để đưa ra kết luận chính xác nhất. Từ trước đến nay, chúng ta đều nghĩ, đã có kết luận GĐPY rồi thì thay đổi là điều khó khăn, không tưởng. Với thực tế trên, chúng ta phải làm rõ trách nhiệm để giám định viên pháp y có trách nhiệm hơn đối với nghề, với xã hội.

Thông tin chúng tôi biết được từ cơ quan điều tra công an Hải Phòng, các chứng cứ, nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến "chứng chỉ điên" của giang hồ cộm cán đã được triệu tập đến làm việc. Sau khi cơ quan điều tra hoàn chỉnh hồ sơ, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc.

Ngân - Lan - Anh

  Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.