Cậu sinh viên nghèo bán vé số nuôi em gái ăn học
Hình ảnh một chàng thanh niên, quần áo chỉnh tề lịch sự, lưng đeo ba lô, tay cầm tờ rơi, túi áo dắt sim điện thoại đủ loại, chân đi đôi dép quai hậu thoăn thoắt khắp các ngả đường… dường như đã trở thành quen thuộc, với những ai hay ngồi ở góc quán xá vỉa hè xứ Huế.
Anh là Nguyễn Xuân Mỹ (28 tuổi), sinh ra ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), làm nghề bán sim điện thoại dạo.
Người dân ở thành phố này vẫn gọi đùa Xuân Mỹ với cái biệt danh 'Thánh đi bộ', bởi họ bảo, chẳng ai ở Huế cuốc bộ nhiều bằng anh.
Để tìm được Mỹ chẳng khó tí nào, dạo quanh các con đường nhiều quán xá, hỏi đôi ba người đang uống cà phê về anh là nhận được rất nhiều chỉ dẫn.
Có một thanh niên nhanh nhảu bảo: "Mới thấy cầm xấp tờ rơi đi mời từng người đó".
Có người còn giơ cả tờ giấy quảng cáo vừa nhận được từ Xuân Mỹ, cười vui vẻ: "Đọc đi, đặc sản của nó đấy".
Cầm tờ rơi quảng cáo trên tay, đúng là không thể nhịn cười. Tờ giấy bằng bàn tay mà chi chít bao nhiêu là chữ, câu từ thì lộn xộn toàn tiếng địa phương đặc sệt. Tuy nhiên, nội dung đọc lên khá gần gũi, bởi các đại từ nhân xưng dễ thương, đậm chất Huế: "eng chị” (anh chị), “nờ” (nè)...
Tiếp tục đi bộ hơn 2 con phố gần đó, tôi bắt gặp Xuân Mỹ khi anh đang nhẹ nhàng luồn lách giữa các bàn ghế, của một quán cà phê, mời khách đọc từng tờ rơi.
"Thánh đi bộ" dáng đậm người, mái tóc "húi cua" kiểu chân phương. Khi mời khách mua sim, anh khom người khiêm nhường và miệng luôn nở nụ cười thân thiện.
Qua trò chuyện, Mỹ kể, anh là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 2007, anh học hết cấp 3, nhưng thi không đậu tốt nghiệp. Không từ bỏ giấc mơ giảng đường, anh tiếp tục ôn thi và vào năm tiếp theo, sau khi lấy bằng THPT, Mỹ thi đậu Trường Cao đẳng Y tế Huế.
Trong khoảng thời gian này, anh đã bắt đầu tự lập, bằng việc đi bán vé số hằng ngày, kiếm tiền ăn học. Vừa bán vé số, vừa tiếp tục ôn thi đại học, đến năm 2009, Mỹ thi đậu ngành Bảo vệ thực vật, Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế.
Để có tiền trang trải các chi phí như nhà trọ, tiền ăn, học phí… Mỹ vẫn duy trì công việc bán vé số.
Mỗi ngày, sau khi rời giảng đường, anh lại cùng chiếc xe đạp len lỏi khắp mọi ngóc ngách của thành phố, bán từng tấm vé số, đến tận khuya mới trở về dãy trọ. Vì gia cảnh khó khăn, nhà đông anh em, không chỉ bán vé số, Mỹ còn làm cả gia sư, phát tờ rơi… Ai thuê gì, anh làm nấy. Thời điểm ấy, anh còn nuôi thêm cô em gái út, cùng học đại học với mình.
4 năm trôi qua, năm 2013, Mỹ tốt nghiệp. Cầm tấm bằng cử nhân trên tay, anh đi xin việc nhiều nơi nhưng đều bất thành.
"Thánh đi bộ” xứ Huế với tâm nguyện làm từ thiện
Gần 5 năm gắn bó với tờ vé số, quen từng con đường góc phố, Mỹ quyết định gác lại bằng đại học, tiếp tục cuốc bộ làm công việc từ thời sinh viên mà theo anh, “mình có duyên với nó”. Nhưng lần này, Mỹ không bán vé số mà chuyển sang bán sim điện thoại.
Để bán được sim, anh phát kèm tờ rơi về các chương trình khuyến mãi, những lợi ích thiết thực nhất cho mọi người cùng đọc.
Nói về cách trình bày “không giống ai” của những tờ rơi, Mỹ cười hiền: “Mình cố ý trình bày như vậy đấy. Đọc lên thấy vui để thu hút mọi người. Mình muốn khách vừa đọc rờ rơi vừa có thêm tiếng cười. Người ta vẫn trêu, đó là những tờ rơi "bá đạo", hài hước nhất Huế đấy”.
Thế là, hằng ngày với chiếc ba-lô đựng đủ loại giấy tờ, sim số, từ 7h sáng, Mỹ lại chạy xe máy từ nhà lên phố, gửi ở các quán cà phê, rồi bắt đầu công việc của mình.
Một ngày Mỹ luôn lên kế hoạch, đánh dấu ngày hôm nay đi khu vực nào, gồm những con đường ở đâu, tránh ngày hôm sau lặp lại.
Để thực hiện hành trình đó, Mỹ luôn đi bộ. Anh cho hay, đi bộ như thế sẽ tiếp cận được nhiều khách hơn, mời được nhiều người hơn.
Bán hết buổi sáng, Mỹ tranh thủ vào quán bình dân làm đĩa cơm bụi, rồi tiếp tục buổi chiều đi bán ở các quán nhậu, như đúng lịch trình đã lên sẵn trong đầu.
Nếu làm một phép tính nhẩm, trung bình một ngày, anh đi bộ khoảng hơn 50km, qua biết bao nhiêu đường phố, quán xá. Cái biệt danh “Thánh đi bộ” mà người ta đặt cho anh, cũng xuất phát từ đó.
Kể về Mỹ, anh Hạnh, chủ quán cà phê trên đường Ngô Quyền (TP Huế) cho biết: “Ngày nào cũng thấy cậu ấy xuất hiện ở quán. Không thấy buổi sáng thì thấy buổi chiều. Thường mấy người phát tờ rơi, bán dạo như thế hay làm phiền khách nên chủ ít khi cho vào quán, nhưng với Mỹ thì không nỡ lòng. Bởi cậu mời lịch sự, khách ai cũng vui vẻ nên chẳng vấn đề gì”.
Một vị khách trông lớn tuổi ngồi uống cà phê ở quán Đội 6, trên đường Lê Quý Đôn chia sẻ: “Thanh niên bây giờ, tôi thấy toàn ăn chơi, đua đòi, ăn bám bố mẹ, ít ai được như Mỹ. Công việc của nó trông vất vả, ai nhìn vào cũng dè bỉu vì phải mời mọc thiên hạ này nọ, nhưng đó là đồng tiền sạch, lương thiện, kiếm bằng mồ hôi công sức. Tôi thấy nó thỉnh thoảng còn cho tiền mấy người tàn tật, người già đi bán vé số nữa đấy”.
Xuân Mỹ tâm sự: “Thật ra, mình cũng không cho họ được nhiều đâu, chỉ là động viên nho nhỏ. Thấy cảnh tàn tật, già cả mà lặn lội bán vé số nên mình thương thôi”.
Được biết, ngoài việc bán sim dạo, thời gian rảnh, Xuân Mỹ còn tham gia hoạt động ở một câu lạc bộ từ thiện trong thành phố. Những ngày nghỉ bán, anh vẫn thường theo các thành viên trong câu lạc bộ về vùng sâu, vùng xa phát quà, phát gạo của các nhà hảo tâm, đến những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ.
Mỹ bảo, cố gắng đi bán sim dạo thêm vài năm nữa, rồi gom góp một số tiền, mở một đại lý bán sim card nhỏ. Sâu đó, anh sẽ cùng với mấy bạn làm nghề khác, thành lập cái quỹ từ thiện giúp mấy người có hoàn cảnh khó khăn, mà đi bán vé số dạo quanh thành phố.
Hiện tại, không chỉ bán sim, “Thánh đi bộ” Xuân Mỹ còn “ship” cả bánh lọc, bánh nậm, các loại hoa quả ở quê nhà giúp mẹ già. Ba anh vừa mất cách đây 3 năm, anh chia sẻ: “Giờ chỉ còn mẹ để dành tình cảm, anh bán thêm giúp mẹ vậy cho bà vui, chứ lời lãi chi mô (gì đâu - PV”.
Chia tay Mỹ khi cơn mưa Huế bắt đầu nặng hạt, anh vội đeo ba-lô, rồi đi nép người trong mái hiên và nhanh chóng mất hút giữa biển người ngồi nhâm nhi cà phê, trò chuyện rôm rả. Hi vọng, công việc bán sim luôn suôn sẻ, để ước mơ nhỏ của anh sớm thành hiện thực.
Lê Kông