Nhìn Võ Văn Sơn (SN 1984), trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - chàng trai nhỏ thó, với thân hình không bình thường: Gù lưng, vẹo cột sống, chân tay bị teo, đang trò chuyện với bà con ngư dân, ít ai biết rằng anh là chủ một doanh nghiệp có tiếng tại địa phương. Có lẽ vì vậy, ở làng biển Đức Trạch, nhắc đến tên “Sơn khuyết tật” không ai là không biết.
Mẹ sinh ra Sơn vốn là đứa trẻ khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên, khi vừa 9 tháng tuổi, Sơn bắt đầu bị sốt rất nhiều lần. Mặc dù nhà đông con, kinh tế khó khăn, nhưng hễ cứ nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi, ba mẹ đều cố gắng đưa Sơn đi chữa trị. Năm Sơn 2 tuổi, thấy bệnh tình con thuyên giảm, ba mẹ Sơn mừng rơi nước mắt. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau lần ấy, họ đau đớn ruột gan vì phải chứng kiến thân hình của con mình cứ thay đổi bất thường từng ngày khi lưng ngày càng gù, chân tay teo tóp đi…
Sơn tâm sự: “Ngày ấy, nhìn chúng bạn vui chơi, chạy nhảy, nô đùa với nhau, tôi thèm lắm nhưng đành chịu. Một đứa trẻ làm gì đã hiểu thế nào là thiệt thòi nên tôi cứ ao ước, mong mỏi một ngày cơ thể của mình sẽ giống các bạn”.
Sơn lớn lên khi cơ thể cứ thế phát triển một cách khác thường và hai từ "khuyết tật" cũng từ đó song hành cùng anh. 7 tuổi, Sơn bắt đầu vào học lớp 1, những ngày tháng ấy với một đứa trẻ như Sơn trôi qua thật dài. Bởi đã không biết bao lần đến trường, Sơn khóc tủi, bi quan vì bị các bạn trêu ghẹo thân hình của mình. Thế nhưng dần dà, bằng sự kiên trì, nỗ lực, Sơn trở thành tấm gương sáng để các bạn noi theo.
“Nhờ sự động viên, giúp đỡ từ người thân, thầy cô, tôi dần nhận ra cuộc sống này còn có nhiều hoàn cảnh, nhiều số phận còn nghiệt ngã hơn tôi, nhưng bằng ý chí, nghị lực họ đã vươn lên, làm chủ cuộc sống của mình và giúp ích cho đời. Từ đó, tôi tự tìm thấy cho mình nhiều niềm vui trong cuộc sống, cố gắng học thật tốt và làm nhiều việc làm có ý nghĩa cho xã hội”, Sơn chia sẻ.
Sinh ra giữa làng biển, nơi những người đàn ông ra khơi đứng đầu sóng, ngọn gió cần có sức khỏe tốt; nhưng cơ thể Sơn không lành lặn với khối lưng gù trên lưng, chân tay teo tóp thì làm sao có thể theo nghề đi biển để nuôi sống bản thân phụ giúp gia đình.
Biết hạn chế của bản thân là vậy, nhưng trong lòng Sơn vẫn luôn nung nấu suy nghĩ bám biển, bám làng, làm một điều gì đó giúp người dân làng biển thoát khỏi luẩn quẩn, bởi, giúp người cũng là giúp mình. Từ đây, Sơn đi đến quyết định thành lập công ty tư nhân nhằm hỗ trợ bà con gỡ các nút thắt về thủ tục pháp lý để bà con yên tâm sản xuất, vươn khơi bám biển. Năm 2004, Sơn thành lập công ty TNHH thương mại dịch vụ tổng hợp Đức Sơn (công ty Đức Sơn) với hoạt động chính là cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, hướng dẫn thủ tục bảo hiểm tàu cá, cung cấp nhiên liệu, đá lạnh, mua bán chế biến thủy hải sản...
Từ ngày thành lập công ty, bằng sự nhạy bén và những nỗ lực không mệt mỏi, chàng trai khuyết tật đã gồng gánh, chèo lái doanh nghiệp của mình vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu và dần tạo được thương hiệu, là điểm đến tin cậy của bà con ngư dân địa phương.
Với doanh thu hàng năm từ 15 - 20 tỷ đồng, công ty Đức Sơn tạo việc làm ổn định cho 5 - 10 lao động thường xuyên và việc nhàn rỗi cho nhiều lao động tại địa phương, thu nhập trung bình hàng tháng 7 triệu đồng/người; thu lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, hàng năm, Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện vận động giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế hơn mình.
Chàng thanh niên khuyết tật lưng gù tự ti ngày nào đã làm cho vùng quê nghèo đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi anh không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn cưới được một người vợ trẻ trung, xinh đẹp.
Nói về cái duyên với người vợ trẻ, khuôn mặt Sơn sáng lên niềm vui: “Cô ấy 22 tuổi, chúng tôi vừa tổ chức đám cưới. Vì “phải lòng” với tôi mà cô ấy đã quyết định từ bỏ chuyến đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Cô ấy là món quà vô giá ông trời đã ban tặng cho tôi, để lo cho tương lai, tôi sẽ cố gắng gấp nhiều lần”.
Anh Lê Quang Toán, hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình cho biết: “Sơn là một người khuyết tật giàu nghị lực, một tấm gương sáng để người khuyết tật, yếu thế trong xã hội noi theo. Với những cố gắng không mệt mỏi, anh đã giành được nhiều bằng khen có giá trị. Mới đây, một đám cưới như mơ giữa anh cùng người vợ trẻ xinh đẹp lại một lần nữa giúp người khuyết tật có thêm động lực, niềm tin về một tương lai tốt đẹp”.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay Võ Văn Sơn nhận được nhiều phần thưởng quý giá: Được Ủy ban Trung ương hội LHTN Việt Nam tặng bằng khen Thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2016; Năm 2018, Võ Văn Sơn được Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên làm chủ doanh nghiệp và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Gần nhất, Võ Văn Sơn là điển hình người khuyết tật duy nhất của tỉnh Quảng Bình tham gia chương trình hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật do Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2018. Ngoài ra, ở địa phương, chàng doanh nhân khuyết tật này cũng nhận được nhiều bằng khen có giá trị. |