'Chàng khờ'đạp xe xuyên Việt với khẩu hiệu ấm lòng

'Chàng khờ'đạp xe xuyên Việt với khẩu hiệu ấm lòng

Thứ 3, 03/09/2013 09:15

Suốt nhiều ngày qua trên quốc lộ 1A, người đi đường đều bất ngờ bởi câu khẩu hiệu giản đơn "Luôn sống văn minh, vun đắp tình người" và "Uống ít rượu bia, tránh xa ma túy" bay phấp phới sau lưng của chàng sinh viên đạp xe dọc mọi miền đất nước.

"Phượt" với câu khẩu hiệu lạ kỳ

Chúng tôi gặp chàng thanh niên trẻ tuổi tại Km600, địa phận giáp ranh giữa tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Quá bất ngờ bởi câu khẩu hiệu gắn phía sau chiếc xe đạp địa hình, hỏi ra mới biết chàng thanh niên đang trên đường đạp xe xuyên Việt. Chàng sinh viên kỳ lạ ấy tên là Ngô Tấn Nghĩa (22 tuổi) vừa tốt nghiệp khoa Tài chính ngân hàng (trường cao đẳng Kinh tế Đối ngoại).

Quê ở tận Đăk Lăk nhưng Nghĩa không giống như bạn bè cùng trang lứa, vội vã kiếm việc làm hay về ngay với gia đình trong thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp. Với niềm đam mê du lịch và mong muốn thử thách chính bản thân mình, Nghĩa đã chọn "phượt" (du lịch bụi -PV) để hoàn thành giấc mơ của tuổi trẻ.

Xã hội - 'Chàng khờ'đạp xe xuyên Việt với khẩu hiệu ấm lòng

Câu khẩu hiệu ý nghĩa của chàng sinh viên Nghĩa.

Khởi hành từ TP.HCM từ ngày 7/8, quãng đường đạp xe xuyên Việt dự tính của Nghĩa dài hơn 1700km men theo quốc lộ 1A đi qua 17 tỉnh thành và dừng chân tại Thủ đô Hà Nội. Với một quãng đường khá xa như vậy, lại đi bằng xe đạp, cậu đã khiến những người biết chuyện phải ngạc nhiên và trầm trồ thán phục bởi quyết định táo bạo của mình. Nhưng điều khiến mọi người bất ngờ nhất lại chính là câu khẩu hiệu gắn liền với chuyến đi của cậu.

Anh Phạm Văn Tùng (ngụ huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vui vẻ nói: "Tôi khá là bất ngờ bởi câu khẩu hiệu "Luôn sống văn minh, vun đắp tình người - Uống ít rượu bia, tránh xa ma túy" được treo sau xe của chàng thanh niên kia. Tuy đó cũng chẳng phải là điều gì quá mới lạ, nhưng khi biết cậu chẳng thuộc tổ chức nào lại đạp xe tận trong Sài Gòn ra đến Hà Nội mà tôi khâm phục cậu sát đất. Sinh viên ngày nay ngoài nghị lực phi thường ra lại còn biết sống có ý nghĩa nữa".

Nghĩa cho biết rằng, mục đích chuyến đi của cậu là khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và con người ở khắp mọi miền đất nước là chính, điều này đã được ấp ủ từ lâu trong cậu. Là sinh viên nguồn tài chính còn hạn chế, nên cậu chọn xe đạp để đi, vừa tiết kiệm chi phí lại có thể chậm rãi trải nghiệm thêm được nhiều điều.

Việc gắn câu khẩu hiệu đó trong chuyến hành trình cũng đến thật tình cờ, trong lúc loay hoay tìm kiếm lá cờ Tổ quốc để gắn sau xe đạp thì Nghĩa được một chị làm ở hội phụ nữ sống cùng xóm trọ tặng cho câu khẩu hiệu này. Vừa thấy hay hay lại có ý nghĩa thiết thực nên cậu đã chọn nó làm bạn đồng hành trong suốt quá trình đi của mình.

Nghĩa thật thà chia sẻ: "Ngoài mình ra mình biết có nhiều người đạp xe thậm chí cả đi bộ xuyên Việt khác, nhưng họ đi với nhiều mục đích cao cả như vì môi trường hay tìm lấy cội nguồn chứ không như mình. Chuyện mình đạp xe thế này cũng chỉ vì ý nguyện và sở thích của cá nhân mà thôi chứ không lớn lao như mọi người nghĩ đâu.

Đó chỉ đơn giản là một tấm vải, một mặt ghi "Luôn sống văn minh - Vun đắp tình người", mặt còn lại ghi "Uống ít rượu bia - Tránh xa ma túy", là những lời kêu gọi quá quen thuộc với mọi người thôi mà. Mình cũng không kêu gọi điều gì cả, mình chỉ mong mọi người khi đọc được những dòng chữ đó thì tự suy ngẫm, tự thay đổi hành động của mình và sống tốt hơn mà thôi".

Dành tiền 10 tháng làm thêmđể thực hiện chuyến đi

Ngay từ khi bước vào năm học thứ 3, Nghĩa đã có ý định thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt, thế là cậu liền "rủ rê" người cùng đồng hành. Trong khi bạn bè đều lắc đầu lè lưỡi thì Nghĩa rốt ráo lên kế hoạch và thực hiện. Nghĩa bảo: "Để chuẩn bị tiền cho chuyến đi thì mình đi làm thêm, vào những dịp cuối tuần hoặc ngày nghỉ mình thường làm bồi bàn cho các đám cưới, thu nhập cũng khá và còn được ăn cơm, nên mình cũng tiết kiệm được một khoản".

Chàng trai trẻ đã dành 10 tháng để chuẩn bị cho chuyến đi này từ tìm hiểu cung đường, tìm bạn đồng hành, tập thể thao để tăng sức mạnh và sự dẻo dai, chuẩn bị tiền và xin phép bố mẹ. "May mắn cho mình là có một gia đình luôn tôn trọng những quyết định của con cái. Khi mình quyết định chuyến đi này ba mẹ và em trai rất ủng hộ", Nghĩa chia sẻ.

Xã hội - 'Chàng khờ'đạp xe xuyên Việt với khẩu hiệu ấm lòng (Hình 2).

 Câu khẩu hiệu ý nghĩa đã gắn kết Nghĩa với nhiều người bạn mới.

Tư trang mang theo của Nghĩa đơn sơ và mộc mạc như chính con người cậu, ba bộ quần áo, một ít thuốc men, dụng cụ sửa xe, áo mưa và cả "con ngựa sắt" cũng chỉ được Nghĩa mua nó trước lúc khởi hành đúng một ngày, còn lại vỏn vẹn 3 triệu đồng giắt lưng, thế là cậu lên đường. Xuất phát từ TP.HCM, Nghĩa đi cùng hai người bạn, tới Bình Định thì một bạn bỏ cuộc vì chặng đường quá gian nan. Bạn còn lại thì ra đến Đà Nẵng vì lý do sức khỏe nên cũng đành bỏ cuộc, chàng trai trẻ ấy vẫn kiên quyết đi tiếp dù giờ đây chỉ riêng mình cậu độc bước.

Suốt quá trình đi, Nghĩa gặp muôn vàn những khó khăn mà không phải ai cũng thấu. Nỗi khổ lớn nhất của Nghĩa là trong việc tìm một chốn nghỉ ngơi, mỗi đêm cậu bạn gõ cửa gần 10 ngôi nhà mới có một gia đình đồng ý cho dựng tạm lều ngoài sân để ngủ. Có hôm, vì không tìm được nhà, Nghĩa đánh liều dựng lều trong một khu vườn ở ven đường, trong giấc ngủ chập chờn đêm đó, tay cậu bạn vẫn ôm khư khư chiếc xe đạp vì sợ bị trộm lấy mất.

Nghĩa kể: "Thời tiết rất khắc nghiệt, chặng đường men theo quốc lộ 1A, từng cơn gió Lào thổi đến cháy cả nhựa đường, lại có lúc mưa rả rích cả một ngày, nhiều lúc leo đèo, lội suối mệt bở hơi tai, khi uể oải, mệt mỏi muốn bỏ cuộc thì trong nội tâm lại thôi thúc bản thân phải cố gắng".

Trò chuyện với chúng tôi trong quán nước nhỏ ven quốc lộ 1A thuộc địa phận Quảng Trị, chàng trai với nước da rạm đen vui vẻ kể lại những trải nghiệm của bản thân, khi đã qua một nửa hành trình. Rong ruổi nhiều nơi, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên, Nghĩa có nhiều cung bậc cảm xúc khi tới từng miền đất mới trên đất nước hình chữ S, cảm giác chạnh lòng khi đi qua những dải cát trắng ở miền Trung, những vùng đất nghèo khó, nơi người ta vẫn ví "chưa sinh đã tàn", hay ngất ngây trước vẻ đẹp hùng vỹ của núi sông khi đứng từ Hải Vân Quan nhìn xuống. Rong ruổi khắp nơi, hòa mình với khung cảnh thiên nhiên, đối mặt với khó khăn, thử thách giúp Nghĩa trưởng thành hơn rất nhiều.

Khát khao chinh phục

Nghĩa bộc bạch: "Lúc đi học, mình có biệt danh là "khờ" vì ở trường mình thường rất rụt rè lúc học không dám phát biểu, gặp con gái thì "nhát" không dám trò chuyện nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác, đi trên đường có rất nhiều người nhìn mình một cách hiếu kỳ, rồi từ tò mò họ hỏi han, chuyện trò nên mình có rất nhiều bạn mới trên suốt chuyến đi từ những em học sinh cấp ba đến các bà, các cô lớn tuổi, từ đó khả năng giao tiếp của mình cũng được cải thiện. Càng đi, khát khao được chinh phục và trải nghiệm càng lớn lên trong mình, ước muốn để lại dấu ấn trên mọi nẻo đường của đất nước làm xua tan đi những nhọc nhằn". 

Mặc dù mới trải qua một nửa quãng đường, nhưng nay chàng "khờ" Nghĩa đã có kha khá kinh nghiệm khi "phượt" một mình như lúc mua đồ ăn thức uống đều nên hỏi giá tiền trước để tránh tình trạng "chặt chém", vào xin mắc lều để ngủ nhờ thì nên có được sự đồng ý của cả vợ và chồng gia chủ... Nghĩa tâm sự: "Có lẽ nhiều người nhìn vào nói mình điên, làm liều, sao lại đi chuyến đi nhiều nguy hiểm như thế một mình. Nhưng với mình, mỗi chuyến đi đều là một trải nghiệm mới, đó là quá trình vừa thử thách bản thân và tự mình cảm nhận cuộc sống xung quanh".                            

Ái Linh - Hồ Hằng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.