Chàng lính phòng không xây chợ tiền tỷ cho làng

Chàng lính phòng không xây chợ tiền tỷ cho làng

Thứ 2, 19/08/2013 06:20

Vì mê bánh ú "lót bụng" mà thuở bé Nam suốt ngày lon ton theo mẹ qua bến đò ngang vượt sông Bến Hải đi chợ Kên. Đường xa, mỏi chân, mồ hôi nhễ nhại, cậu bé tự hứa với lòng mình một ngày nào đó xây cái chợ gần nhà cho mẹ bớt nhọc nhằn...

Gác giấc mơ "bay" trở về làng làm "vua tôm sú"

Sinh ra vào những năm đầu giải phóng, cuộc sống khó khăn, cha lại đi làm xa, thay vì cùng đám bạn chăn trâu, tha thẩn thả diều trên những triền đê, cậu bé Nguyễn Văn Nam (thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã sớm phải cùng mẹ lam lũ cho cuộc sống mưu sinh. Ngày đó, nhìn những cánh diều của chúng bạn phấp phới trên không trung, Nam ngưỡng mộ lắm, cậu bé ước mơ một ngày nào đó mình sẽ làm phi công để được tha hồ bay lượn như những cánh diều kia...

Miền trung - Chàng lính phòng không xây chợ tiền tỷ cho làng

Anh Nguyễn Văn Nam chuẩn bị cùng bà con dọn dẹp vệ sinh chợ

Tuổi tròn 18, Nam tình nguyện lên đường nhập ngũ để "hiện thực hoá" giấc mơ làm phi công của mình. Nhưng như một sự sắp đặt của định mệnh, Nam được phân về đơn vị mặt đất làm… lính phòng không (Trung đoàn 224 - Sư đoàn 375). Mặc dù trái với đam mê nhưng không phải vì thế mà Nam lơ là, chểnh mảng trong công tác.

Tại đơn vị, Nam luôn là một chiến sĩ gương mẫu, nhiệt huyết với công việc, được đồng đội tin yêu, cấp trên quý mến. Nam cũng là một trong số ít những chiến sĩ được phân huấn luyện ở mảng chuyên hoá, từng nhận bằng khen do đích thân Thượng tướng Nguyễn Thế Phiệt trao.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được đơn vị giữ lại, cho đi học chuyên tu tại Hà Nội, những tưởng cuộc đời Nam sẽ gắn với nghiệp quân nhân, nhưng vì thương mẹ già neo đơn không người chăm sóc, chàng chiến sĩ trẻ đành gác lại giấc mơ "bay cao" để xin về quê phụng dưỡng mẹ. Trở về quê với hai bàn tay trắng, đất đai lại cằn cỗi, mùa lũ nước dâng cao chỉ còn mỗi… nóc nhà nổi lên khỏi mặt nước, băn khoăn suy nghĩ không biết làm thế nào cho quê mình thoát nghèo, Nam quyết định khăn gói lên đường học nghề.

Tất cả vì đời sống của bà con

Năm 2012, anh Nguyễn Văn Nam vinh dự được nhận giải thưởng Bông sen hồng cấp huyện, vinh danh nông dân điển hình sản xuất giỏi và hoạt động xã hội, góp phần xây dựng quê hương đổi mới; được UBND tỉnh Quảng Trị khen tặng về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2013. Đánh giá về anh Nam, ông Nguyễn Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: "Nam là một chàng thanh niên giàu nghị lực, không chỉ làm ăn giỏi mà Nam còn rất giàu lòng nhân ái, việc xây chợ cho người dân thôn Tiên An là một nghĩa cử hết sức cao đẹp, hành động thiết thực góp phần cải thiện cuộc sống cho bà con xã viên".

Chàng trai trẻ rong ruổi khắp trong Nam, ngoài Bắc học cách làm ăn. Trong một lần ghé Huế, về An Cựu thăm bạn cũ cùng đơn vị, Nam đặc biệt ấn tượng vì sự trù phú nơi đây: "Người dân ở đây họ làm gì mà giàu khiếp thế không biết, cổ đeo toàn đeo dây vàng bự chác không à?", Nam chia sẻ. Lân la cả buổi, Nam mới tìm ra được "bí kíp" của người dân nơi đây "té ra, họ nuôi tôm sú".

Mất thêm hơn nửa tháng, Nam đi đầu làng, cuối xóm, thấy người ta đào hồ, nạo vét bùn cũng xắn quần xắn áo vào làm cùng, thấy người dân đem thức ăn cho tôm cũng xin khuân vác giùm. Riết rồi, người dân ở đây ai cũng thương chàng trai ham học, mỗi người chỉ cho một ít về nghề.

Năm 2002, Nam về lại quê lập nghiệp. Nhà nghèo không có vốn, mẹ già lại hay bệnh tật ốm đau nên cũng chẳng giúp được gì nhiều cho con trai. Nhưng dám nghĩ dám làm, vợ chồng Nam mạnh dạn vay mượn anh em, bà con lấy vốn làm ăn. Vụ đầu, tôm chết nhiều, tiền bán tôm không đủ chi phí. Vợ chồng Nam phải chạy vạy ngược xuôi mới có đủ tiền trả nợ.

Coi như vụ đầu "lấy công làm lãi", Nam và vợ mua sách, báo về tham khảo thêm, quyết tâm "phục thù" vào vụ mùa tiếp theo. Nhưng sắp đến ngày thu hoạch vụ tôm thứ hai, thì lũ lớn. Vợ chồng Nam chết lặng nhìn dòng nước lũ cuốn phăng mọi thứ. Bao nhiêu tôm cùng bao hy vọng của Nam và vợ cũng hoà theo dòng Bến Hải ra biển lớn.

Điêu đứng gần nửa năm trời, nhưng không nản chí, đôi vợ chồng trẻ quyết tâm "cầm" sổ đỏ vay vốn ngân hàng, làm lại từ đầu. Và trời đã không phụ người có công, vụ tôm thứ ba bắt đầu có lãi, hai vợ chồng Nam trang trải được một phần nợ nần. Đến vụ thứ tư thì trúng lớn, trả hết nợ nần xong hai vợ chồng bàn nhau mua thêm 4 hecta đất, mở mang diện tích ao hồ để thả nuôi tôm sú.

Năm 2004, người dân xã Vĩnh Sơn thấy hướng làm ăn của anh Nam có hiệu quả, địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, chính quyền xã cũng hết sức ủng hộ nên đã đưa dự án nuôi tôm sú về địa phương để bà con làm giàu, từ đó Nam kiêm luôn nhiệm vụ "khuyến nông, khuyến ngư", hỗ trợ kỹ thuật cho bà con.

Năm 2006, nhận thấy ngày càng nhiều hộ dân tham gia nuôi tôm sú, trong khi bà con phải chạy đi hơn 50 cây số để mua thức ăn cho tôm, Nam liền bàn với vợ, mở đại lý thức ăn chăn nuôi, đầu tư mua xe ô tô vận chuyển thức ăn về tận nhà phục vụ cho bà con. Từ ngày tôm sú theo chân anh Nam "về làng" thì cuộc sống của bà con Vĩnh Sơn ngày càng một khấm khá. Trong xã ai cũng cảm phục chàng trai trẻ tốt bụng.

Miền trung - Chàng lính phòng không xây chợ tiền tỷ cho làng (Hình 2).

Buổi sáng ở chợ Tiên An

Hiến đất, bỏ tiền xây chợ cho bà con

Tự bao giờ, dân làng Tiên An muốn đi chợ gần nhất cũng phải hai lần đò vượt sông Bến Hải qua thôn Võ Xá mới có chợ Kên. Còn nếu ra chợ Vĩnh Linh phải đi vòng qua cầu phao hơn chục cây số, bà con nơi đây "ngại" đi chợ là vì thế.

Năm 2011, Nam bàn với vợ mua mảnh đất cạnh nhà để "xí" sẵn chỗ dự định khi nào có tiền sẽ làm địa điểm xây chợ. "Nói là mảnh đất chứ thực chất đó là một cái mỏm ven sông, nhìn thì nhỏ nhưng để san lấp mặt bằng xây chợ tui phải đổ gần 800 xe đất mới san phẳng được nó...", anh Nam cho biết. Đầu tháng 3/2012 khởi công, đến 17/5 thì hoàn thành.

Ngôi chợ mới được xây dựng trên khoảnh đất gần 200m2 với gần 50 sạp hàng, đáp ứng nhu cầu giao thương của không chỉ bà con thôn Tiên An mà còn các thôn lân cận như Nam Sơn, Phan Hiền, Huỳnh Thượng... Mặc dù anh Nam từ chối cho biết số tiền đầu tư xây chợ nhưng theo như một số người dân ở đây nhẩm tính thì cộng cả tiền đổ đất san lấp mặt bằng, tiền thi công các hạng mục của chợ thì số vốn bỏ ra cũng ngót nghét một tỷ đồng.

Chợ Tiên An bắt đầu họp từ 5h đến tầm 8h sáng thì tan, bày bán đủ loại mặt hàng từ rau củ. Thậm chí đến cá, mực ở cảng Cửa Việt cũng đã "len" tới tận đây để phục vụ nhu cầu của bà con. Từ ngày có chợ, cuộc sống người dân Tiên An nhộn nhịp hẳn lên, sáng tinh mơ đã thấy các bà, các chị quảy quang gánh "í ới" gọi nhau gánh hàng đến chợ. Các mảnh vườn trong xóm trước bỏ không nay cũng được "chuyên môn hoá", phủ xanh toàn bộ, để sáng ra có vài bó rau đem ra góp vui cùng chợ thôn.

Phương Hưng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.