Những chuyến du lịch bụi hay phượt cùng bạn bè đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, nhưng để có thể hoàn thành được một chuyến đi bộ đặc biệt kéo dài gần 4 tháng từ Nam ra Bắc một cách an toàn như chàng “nghệ sĩ” sinh năm 1987 Hồ Nhật Hà (quê Phú Yên) thì không phải ai cũng làm được. Mới đây, PV báo Người đưa tin đã có một cuộc trò chuyện với anh để được nghe anh kể về chuyến hành trình đầy ý nghĩa này.
Hồ Nhật Hà- một người rất đam mê khám phá thế giới, thích những gì mới mẻ, ưa phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng bên cạnh bề nổi, ở con người anh là những tảng chìm đầy suy tư trăn trở và sâu sắc. Hồ Nhật Hà khao khát được khẳng định lại, được kiểm chứng lại những niềm tin trong xã hội, những định kiến mà người ta hay đưa ra một cách phiến diện. Bản thân anh nghĩ nếu xã hội cứ như vậy thì vào một ngày không xa, con người sẽ không còn trao niềm tin cho nhau nữa. Chính vì thế, chàng trai 31 tuổi quyết định xách balo lên bắt đầu chuyến đi để kiểm chứng lại những câu hỏi của mình.
Tự nhận mình là người hay suy nghĩ, nên anh thường hay đặt ra những câu hỏi cho riêng mình: “Ý nghĩa cuộc đời mình là gì? mình sinh ra làm chi?”… Hồ Nhật Hà cũng có những ước mơ riêng, đặc biệt về viết nhạc, viết những bài hát để truyền cảm hứng cho mọi người. Là người đa cảm, chàng trai trẻ này rất phân vân liệu cái ước mơ của mình có thực hiện được hay không, và liệu mình có hối tiếc vào những năm tháng cuối đời về những gì mình đã làm?
(Bài hát về Giáng sinh được Hồ Nhật Hà sáng tác trong ngày thứ 68 của hành trình khi đặt chân đế Huế)
Chia sẻ với PV, Hồ Nhật Hà cho biết khá là thích đi phượt nhưng chỉ đi mấy chỗ gần gần thôi như Đà Lạt, leo núi Bà Đen (Tây Ninh)…hầu hết trong nam thôi chứ chưa bao giờ đi miền bắc. Quyết định lần này khá táo bạo, và là cơ hội để anh trải nghiệm, thử thách bản thân. “Tôi rất thích đi đến những nơi mà người ta ít tới, vì khi đó tôi có nhiều cơ hội để khám phá và trải nghiệm riêng cho mình”- anh Hà chia sẻ.
Để bắt đầu cuộc hành trình này, khó khăn đầu tiên Hồ Nhật Hà phải tự mình vượt qua đó chính là gia đình.
“Gia đình tôi lúc đầu không có đồng ý cho đi, rồi tôi nói đi học sáng tác trên đường. Bố mẹ cũng nghe nhưng vẫn cứ lo, rồi khuyên là đừng đi nữa, đau ốm trên đường rồi không ăn uống được. Vậy nên trước khi đi tôi cũng nói rõ kế hoạch của mình cho gia đình, và giãi bày tất cả những gì mình sẽ trải qua để gia đình hiểu và yên tâm. Nói chung đi là tôi phải chấp nhận hết những khó khăn đó vì nó nằm trong các dự tính rồi. Vậy nên tôi có thể ở bất cứ chỗ nào vẫn sống được", Nhật Hà chia sẻ.
“Trước khi đi thì tôi chuẩn bị rất nhiều thứ. Về vật dụng thì sẽ mang theo 3 bộ quần áo, thuốc tây dự phòng, lương khô, võng bộ đội để sử dụng trong trường hợp không xin ngủ lại được ở nhà dân. Đặc biệt, vật không thể thiếu đó là cây đàn ghi ta, tôi thường dùng cây ghi ta này để sáng tác, rồi tùy người mua cho bao nhiêu sẽ dùng làm lộ phí đường đi. Chỉ cần hỏi tên người ta, nói chuyện chút xíu là tôi có thể sáng tác được bài hát về người đó. Tuy nhiên, chuyến đi xuyên Việt này tôi chỉ cố gắng mang ít thứ nhất có thể bởi vì đó là chuyến đi bộ”- Nhật Hà cho biết thêm.
Giai đoạn mới bắt đầu hành trình cũng khá là vất vả, đã có khoảng thời gian, khi thức dậy anh đã suy nghĩ nhiều thứ, trời thì sắp tối, đường còn xa, tối nay sẽ ăn cái gì, ngủ ở đâu…Những câu hỏi bủa vây quanh mình khiến anh khá là mệt mỏi và tinh thần có lúc đi xuống trầm trọng.
“Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao thay vì ở nhà chăn ấm đệm êm không muốn mà lại dấn thân vào con đường này để giờ này mặt mũi bơ phờ, đồ đạc bụi bặm chỏng chơ.. rồi tôi tự cười bản thân, cười để động viên tinh thần, động viên chính mình cố gắng vượt qua khó khăn để đi tiếp thực hiện ước mơ”, anh Hà trải lòng.
Đúng như anh chia sẻ thì người có thể giúp ta vượt qua mọi thứ không ai khác chính là bản thân mình, dù có thế nào cũng không ai cứu được mình nếu như mình không chủ động thoát khỏi vũng lầy trước tiên.
Trước mỗi chuyến đi chàng “nghệ sĩ” này phải chuẩn bị khã kĩ càng và luôn trong tâm thế sẵn sàng, tự rèn luyện kỹ năng và trau dồi bản thân về mọi lĩnh vực.
“Tôi có tập leo núi và tự học cách sống trên núi một mình để rèn luyện kĩ năng sinh tồn. Ngoài ra tôi cũng học nhiều phương pháp trước chuyến đi để rèn luyện sức khỏe như chạy bộ 24 ngày liên tục, sáng tác 24 ngày để mỗi ngày có một bài hát mới. Chuyến đi tôi cũng xác định là không mang tiền, chỉ để trong tài khoản 1 triệu đồng phòng những tình huống xấu nhất, khẩn cấp. Tôi cũng muốn trải nghiệm xem nếu không mang tiền thì có thể đi được tới đâu và cũng muốn tự mình kiểm tra những kỹ năng mà tôi đã khổ công luyện tập. Đây cũng là một thử thách bản thân đối với tôi”- anh Hà tâm sự.
Bình thường khi đi xuyên Việt, người ta thường có giấy tờ giới thiệu để nếu đi đến đâu mà bị nghi ngờ thì mình đưa nó đó ra để kiểm chứng. Nhưng với anh Hà đi để kiểm chứng cái suy nghĩ của mình rằng: Liệu một người có ước mơ như vậy thì mọi người có ai tin mình hay không? Và khát khao là một người bình thường, thực hiện ước mơ để có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ chứ không vì một giải thưởng hay sự công nhận từ tổ chức nào.
Trong chuyến hành trình của mình chàng “nghệ sĩ” được gặp những con người tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ khi nghe tin anh đang đi bộ xuyên Việt, nhưng cũng không ít lần anh bị coi là một tên điên khùng, là thằng ăn mày ngớ ngẩn, cũng có người ác mồm nói anh là tội phạm hay mấy người đi bán đồ… Những điều đó không làm nản chí chàng trai trẻ, thay vào đó anh Hà cũng coi chuyến đi này là một cách để rèn luyện tinh thần, thử xem sức mình có vượt qua được những giới hạn của bản thân, vượt qua những lời đàm tiếu đó không?
“Nguyên tắc tôi đặt ra ngay từ ban đầu là phải chấp nhận tất cả, mỉm cười để vượt qua để nhìn về phía trước. Khi đi thì tôi hay cười để chào mọi người, có khi đi đến nhiều nơi được người dân gọi lại để nói chuyện, giao lưu. Những cơ hội được tiếp xúc với những con người xa lạ như vậy, tôi mới có dịp để nói cho họ hiểu mục đích của chuyến đi này là gì và có rất nhiều người đã giúp đỡ tôi”- anh Hà hào hứng chia sẻ.
Đồng hành cùng anh còn có cây đàn ghi ta và tiếng hát, nó giúp anh vượt qua khó khăn và cũng làm anh bớt mệt mỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn tích cực hay có lòng tin với mọi người, họ luôn nghi ngờ và đề cao tính cảnh giác. Cũng chính điều đó khiến anh ít nhiều cảm thấy tổn thương khi lòng nhiệt thành của mình không được người khác chấp nhận. Nhưng không vì thế mà anh bi quan, có cái nhìn không tốt về cuộc sống.
Có lẽ chính cái nhìn lạc quan, sự thân thiện cùng nụ cười tỏa nắng của chàng “nghệ sĩ” ưa xê dịch này là cơ duyên giúp anh đến gần với mọi người hơn, giúp anh hiểu hơn về hiện thực cuộc sống cũng như sự tử tế trong mỗi con người.
Hồ Nhật Hà tâm sự nhiều khi mình hát nhưng không một ai quan tâm, nhưng anh vẫn cất tiếng hát. “Mỗi bài hát đều là đứa con tinh thần của tôi, phải để cho nó sống”. Thật đúng khi mình có ước mơ thì hãy làm hết mình, hết sức. Có thể ban đầu không một ai ủng hộ, nhưng nếu mình luôn giữ lửa cho ước mơ của mình luôn cháy rực thì đến một ngày nào đó không xa, những ai đã từng quay lưng sẽ phải ngoảnh mặt lại một lần để nhìn nhận nó.
Trong chuyến đi trải nghiệm của mình, anh chia sẻ thật may mắn là anh được gặp rất nhiều người tốt.
"Khi đặt chân đến Thanh Hóa, tôi đang đi thì có một anh gọi vào và khi biết tôi đang đi xuyên Việt anh ấy đã khuyên tôi dừng chân, uống nước nghỉ ngơi rồi mai đi tiếp", anh Hà kể.
Trong những lần như thế, anh Hà càng cảm nhận rõ ràng hơn những người tốt, sự tử tế vẫn luôn hiện hữu quanh ta. Phương châm sống anh chia sẻ: "Cứ hồn nhiên với những ước mơ, hoài bão của mình" vì như thế điều đặc biệt mà bản thân nhận ra sau chuyến đi đó là, thế giới bên ngoài chính là tấm gương phản chiếu nội tâm của chính mình.
Bằng kinh nghiệm, sức trẻ và những gì mình có, anh Hà cũng có những lời khuyên hữu ích cho các bạn trẻ hiện nay. Theo anh Hà: "Phải biết ơn và tôn trọng những nơi mình đến" vì như vậy mới khiến cho bạn cảm thấy được an toàn và sẽ có được những sự giúp đỡ đáng quý từ những người xung quanh. Ngoài ra, các bạn trẻ khi quyết định dấn thân trên con đường mình đang chọn thì điều đầu tiên cần học đó là rèn luyện kĩ năng sống cũng như kĩ năng sinh tồn. Và cuối cùng, các bạn nên chuẩn bị tư trang mọi thứ thật kĩ càng, sẵn sàng đón nhận mọi tình huống có thể xảy ra. Khi bản thân đã sẵn sàng nó sẽ tạo cho bạn một sức mạnh để bạn tiếp tục chiến đấu.
Qua đây, tác giả muốn mượn lời của chàng "nghệ sĩ" ham mê xê dịch để nói lên suy nghĩ của mình: "Mang trên mình gần 20 cân đồ đạc và đàn ghi ta để đi bộ xuyên Việt tôi biết nhiều người sẽ thấy tôi hơi kỳ cục. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu nụ cười mỉa mai phán xét trên chuyến hành trình của mình. Tôi nghĩ rằng mình cần một sức mạnh tinh thần để vượt qua nó...Và tôi biết rằng sức mạnh tinh thần không đến từ bất kỳ sự tranh đấu nào.
Sức mạnh tinh thần không đến từ bất cứ sự chứng tỏ nào. Sức mạnh tinh thần cũng không có bất kỳ chỗ dựa nào. Mà sức mạnh tinh thần đến từ trạng thái chấp nhận hoàn toàn. Chấp nhận hoàn toàn mọi việc đang diễn ra, mọi phán xét, mọi tác động từ thế giới xung quanh là điều tuyệt vời nhất tôi từng được biết. Khi chấp nhận hoàn toàn tôi cảm thấy mình như được tự do. Với sự tự do ấy tôi sẽ hành động theo tiếng nói chân thực xuất phát từ con tim mình..."