Nhưng khác với các lần trước, lần này, anh đến với vai trò là người làm nhạc cho một dự án phim về chiến tranh tại Việt Nam. Trước đó, anh đã có cơ hội tiếp xúc với một số nhạc cụ dân tộc Việt và ngay lập tức bị chinh phục bởi sức hút bí ẩn đầy mê hoặc của chúng.
Cuộc gặp gỡ đầy duyên số của Mark với cây đàn bầu của Việt Nam
Từ ca sĩ trở thành họa sĩ
Trước khi trở thành một họa sĩ được yêu mến ở New York nhờ dòng tranh độc đáo mang dấu ấn riêng của mình, Mark đã từng là thành viên của ban nhạc pop "Trance pop loops tones". Thể loại nhạc chính mà anh đam mê và theo đuổi là experimental pop. Cùng với ban nhạc của mình, Mark đã đi lưu diễn rất nhiều nơi trên thế giới, qua các nước Đức, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Anh, Ireland, Trung Quốc, Đài Loan... Anh cũng là người làm nhạc nền cho 2 bộ phim của Mỹ là "Charge for that" và "Bird strikes". Ngoài ra anh còn là tác giả của phần mềm âm nhạc "Church organ spin phony" áp dụng cho Iphone, Ipad.
Trong quãng thời gian lưu diễn ở Trung Quốc, Mark đã dành một sự quan tâm đặc biệt đến những bức thư pháp rất được ưa chuộng ở đất nước phương Đông rộng lớn này. Đồng thời, những loại mực được người Trung Hoa sử dụng để viết thư pháp cũng gây cho anh sự thích thú và tò mò. Chính vì vậy, chàng nghệ sĩ đa tài này đã tham gia trại sáng tác dành riêng cho những người yêu thích viết thư pháp ở Bắc Kinh. Anh tỏ ra vô cùng hào hứng khi nhắc lại sự kiện này: "Đó là một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi được đưa đến một khu vườn yên tĩnh, không khí trong lành, ánh sáng dịu ngọt để thực hiện những tác phẩm của mình. Nguyên việc mài mực của chúng tôi đã chiếm trọn cả buổi sáng. Tuy nhiên, tôi luôn luôn có hứng thú với công việc tưởng như rất nhàm chán này".
Vì không biết viết chữ Trung Quốc nên Mark đã học viết thư pháp theo loại chữ mà mình đang sử dụng là chữ La - tinh. Càng viết, anh càng cảm thấy chán ngán với cuộc sống chỉ có những ngày lưu diễn triền miên cùng bia rượu. Anh lo sợ mình sẽ trở thành một kẻ nghiện rượu nếu cứ tiếp tục cuộc sống đó. Và quan trọng hơn cả, người ca sĩ này cảm thấy mình không còn cảm hứng sáng tạo trong âm nhạc, những cảm xúc dường như đã bị chai sạn, cũ mòn. Anh muốn thay đổi cuộc sống theo một hướng khác tích cực hơn. Anh muốn dừng sự nghiệp âm nhạc để chuyển sang một lĩnh vực khác, đó chính là hội họa bởi trước đây anh đã từng được học vẽ tranh và vẫn còn nhiều hứng thú cho nghệ thuật này.
Bức chân dung nghệ sĩ Thế Duy vẽ tặng Mark
Vì là người yêu thích sự sáng tạo, không ngừng đi tìm những điều mới lạ, sau nhiều ngày trăn trở bên giá vẽ với mong muốn tìm một hướng đi khác biệt, cuối cùng, Mark đã nảy ra một ý tưởng vô cùng độc đáo. Đó là những bức tranh mà tất cả những chi tiết sinh động của nó đều được thể hiện bởi các chữ cái. Bằng cách này, Mark đã tạo ra một dòng tranh mới lạ mang tên "Urban street scapes acrylic on canvas" được vẽ trên giấy canvas bằng loại mực được sử dụng trong nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa.
Năm 2010, anh đã có một cuộc triển lãm về dòng tranh này. Cuộc triển lãm có tên gọi "Summer gate" và được tổ chức ở Xiamen (Trung Quốc) trong vòng nửa tháng. Sau khi kiếm bộn tiền nhờ dòng tranh ăn khách này, Mark cảm thấy đã đến lúc phải tìm đến cái mới nếu không anh sẽ thất bại thảm hại trên con đường nghệ thuật không chấp nhận bất cứ sự lười biếng hay lặp lại nào. Mark lại bắt đầu tìm kiếm.
Tiếng đàn bầu đánh thức cảm xúc âm nhạc
Tuy đã nhiều lần đặt chân đến Việt Nam nhưng theo chia sẻ của Mark, mỗi lần trở lại đất nước xinh đẹp này, anh lại càng thấy nó thêm phần quyến rũ và bí ẩn. Trong cuộc chuyện trò thân mật với chúng tôi, Mark nhắc đi nhắc lại lời nhận xét của mình về Việt Nam "Đây là đất nước bí ẩn nhất trong tất cả những nước mà tôi đã đi qua". Đối với anh, sự bí ẩn đó có thể thấy trong thiên nhiên, cảnh vật, con người, phong tục, tập quán và cả trong âm nhạc. Một lần tình cờ được nghe tiếng đàn bầu, Mark đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi những thanh âm kỳ lạ đầy bí ẩn phát ra từ chiếc đàn một dây chỉ có thể bắt gặp ở Việt Nam này.
Cách đây không lâu, trong một lần cùng người bạn thân của mình là họa sĩ, nhạc sĩ Thế Duy, (tác giả của bài hát nổi tiếng "Mối tình đầu") đi thăm thú non nước Ninh Bình, Mark được ông bạn nghệ sĩ đưa đến một ngôi đền nằm chon von trên núi. Trong lúc ngồi trà nước, ông cụ trông đền đã mang ra một chiếc đàn bầu, một chiếc đàn nguyệt để lấy tiếng đàn làm quà đãi khách phương xa. Nhưng vì lúc đó, trời mưa rất to, toàn bộ khu vực lại bị mất điện, tiếng nhạc không được hỗ trợ loa nên đã bị tiếng mưa át hết không sao nghe được. Cuối cùng, vì quá háo hức được nghe âm thanh từ chiếc đàn một dây "kỳ quái", Mark đã nghĩ ra một cách rất độc đáo.
Mark tại cuộc triển lãm của anh ở Trung Quốc
Anh chàng nghệ sĩ người Mỹ đội mưa đội gió chạy ra ngoài, tháo chiếc bình ắc quy xe máy bê vào trong nhà để người nhạc sĩ già có thể đấu điện cho cây đàn bầu của mình. Và khi những âm thanh từ chiếc đàn ấy vang lên, trái tim anh như tan chảy. Mark nói "mình không thể hiểu nổi tại sao chỉ với một dây đàn, người chơi có thể tạo ra những cung bậc thanh âm, cảm xúc biến ảo kỳ diệu như vậy". Suốt những năm lưu diễn cùng ban nhạc từ châu Âu sang châu Á, hiếm khi Mark có được sự phấn khích cao độ cùng cảm giác thăng hoa tuyệt đỉnh như vậy trong nghệ thuật. Anh đã không ngần ngại xin ông lão trông đền nhận mình làm học trò và dạy cách chơi đàn bầu.
Mark nói, anh đã từng biết đến rất nhiều loại nhạc cụ độc đáo nhưng chưa từng được thấy thứ gì tuyệt vời và bí ẩn như chiếc đàn bầu của Việt Nam. Trong lúc nói về cây đàn bầu của Việt Nam một cách hăng say không biết chán, Mark đã liên tưởng đến một cây đàn khác tương tự mà anh từng bắt gặp ở đâu đó. Nhưng liền ngay sau đó, anh bĩu môi, lắc đầu một cách quả quyết "Không, nó không giống đàn bầu vì có 2 dây và âm thanh không được hay như vậy. Nếu giống thì tôi chắc đó là loại đàn nhái lại đàn bầu một cách vụng về và thô thiển. Đàn bầu của Việt Nam phải là hay nhất, độc nhất!".
Trầm ngâm nâng tách cà phê trong quán nằm sâu trên đường Vương Thừa Vũ, (Thanh Xuân- Hà Nội) Mark tâm sự, lẽ ra anh sẽ không thể rảnh rang nhiều đến vậy để tìm hiểu những nhạc cụ hấp dẫn đã ràng buộc tình yêu của anh với đất nước Việt Nam xinh đẹp. Mục đích chuyến đi này của anh đến Việt Nam là để thực hiện phần âm nhạc cho một dự án phim. Đó là một bộ phim nói về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do Stacy Carter, nữ ca sĩ nhạc pop đang làm việc cho đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam làm đạo diễn. Tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam, Mark đã có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh phi nghĩa này. Trước đây, anh chỉ nghĩ một cách đơn giản về cuộc chiến. Nhưng bây giờ, sau khi tham gia làm nhạc cho bộ phim này, anh hiểu ra rằng đó là cuộc chiến của cả một dân tộc để bảo vệ quyền tự do chính đáng của mình. Anh cũng ý thức được những đau thương, mất mát mà cuộc chiến đã gây ra trên quê hương Việt Nam là không gì có thể bù đắp được.
Không phí một giây khi ở Việt Nam Chàng nghệ sĩ đến từ nửa vòng trái đất không bỏ phí thêm bất cứ một giây phút nào. Anh tận dụng tối đa có thể quỹ thời gian của mình ở Việt Nam để tìm hiểu về những nhạc cụ dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đàn bầu. Khi chúng tôi gặp Mark và có cuộc trò chuyện thú vị này thì anh đang có kế hoạch cho một chuyến đi dài ngày đến SaPa để tìm hiểu nghệ thuật thổi khèn và kèn lá của người Mông. |
Dương Dung