Chàng thanh niên 'đi bằng bốn chân' ước thay đổi số phận

Chàng thanh niên 'đi bằng bốn chân' ước thay đổi số phận

Thứ 3, 26/02/2013 16:17

Dù cho cuộc sống có quá nhiều khó khăn vất vả thì ước mơ đến trường luôn là động lực để chàng thanh niên khuyết tật Phạm Như Ý (SN 1987) viết tiếp những trang đời của mình.

Cơn bệnh quái ác

Giữa phố xá ồn ào, tập nập những dòng xe, dòng người qua lại không một phút giây ngưng nghỉ của phố Sài Gòn, tôi chợt nhận ra điều gì đó bí ẩn về một thanh niên đi bằng bốn chân đang thoăn thoắt băng qua đường phố. Dù được chạy bằng cả hai chân nhưng chỉ trong chớp nhoáng, tôi suýt đã để lạc mất anh giữa dòng người đông đúc. Loay hoay mãi trên đoạn đường Lê Lai (quận 1, TP.HCM), tôi cũng đã tìm thấy anh khi anh đang bò đi đến từng gian hàng để bán vé số. Thoáng nhìn, tôi đã nghĩ đó chỉ là một cậu bé. Hỏi ra mới biết, đó là Phạm Như Ý vừa tròn 26 tuổi.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Long Thủy, xã An Phú, TP. Tuy Hòa, Phú Yên, Phạm Như Ý đã sớm phải sống trong cảnh nghèo đói chạy ăn từng bữa. Cuộc sống lặng lẽ trôi qua từng ngày và cái nghèo cứ đeo bám trong từng giấc mơ của cả gia đình anh. Cuộc đời như những bể dâu, nỗi bất hạnh lại đè nặng lên số phận bé nhỏ của cậu học trò Như Ý, khi vừa bước vào lớp 3 thì một trận sốt bại liệt ập đến. Sau cơn bệnh, đôi chân  ngày càng co teo lại khiến Như Ý không thể tự đi bằng chính đôi chân của mình. Hàng ngày, Ý vẫn phải bò đi như một đứa trẻ bằng hai chân teo tóp và đôi bàn tay khòng khoèo của mình. Cũng từ đó, cuộc đời của Như Ý đã phải gắn với số phận của người tàn tật. Bệnh tật đã lấy đi sự hồn nhiên vô tư của cậu bé Như Ý ngày ấy và thay vào đó là những nỗi vất vả, lo toan về cuộc sống.

Như Ý vẫn không ngừng chiến đấu với hoàn cảnh éo le, bệnh tật của mình. Liên tiếp trong 5 năm học, Ý  đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, vinh dự được nhận bằng khen cấp tỉnh. Thế nhưng, vì cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, sau khi Ý bị bệnh, bạn bè lại không thể đưa đi học mãi bằng chiếc xe đạp lọc cọc trên những con đường gập ghềnh, xa hun hút, Ý đã quyết định rời bỏ ghế nhà trường với bao niềm tiếc nuối.

Vì thương mẹ già phải lặn lội sớm khuya, Ý đã quyết định rời xa mẹ để Nam tiến làm ăn giúp đỡ gia đình khi vừa mới bước sang tuổi 13. Ở cái tuổi ấy, với một đứa trẻ bình thường chỉ biết làm sao đó được ăn ngon, được ngủ cho đủ giấc, được chơi thỏa thích với bạn bè, thì với Như Ý, điều đó thực sự một giấc mơ xa vời vợi. Bước ra đời trong tình trạng ba không: Không người thân, không nghề nghiệp, không tiền bạc, Như Ý canh cánh bên mình bao nỗi lo sợ vì không biết phải sống như thế nào giữa phố sá xa hoa. Ý đã phải chập chững từng bước để có thể hòa nhập, bắt nhịp với cuộc sống nơi phố thị. Ngay sau khi đặt chân lên mảnh đất Sài thành, Như Ý đã chọn nghề bán vé số để mưu sinh.

Xã hội - Chàng thanh niên 'đi bằng bốn chân' ước thay đổi số phận

Như Ý bò bán vé số trên đường phố

Những ngày đầu sống giữa phố Sài Gòn đã để lại nỗi ám ảnh, sợ hãi cho một cậu bé chưa kịp đến tuổi trưởng thành đã phải bước ra đời kiếm sống. Cả ngày đi bán cũng chỉ được 60 ngàn đồng mà lại phải trả một nửa cho người xe ôm chở mình đi vì ngày đó Ý đâu có biết đường. Những bữa cơm chan cùng mưa nắngå. Và cứ thế, ngày nắng cũng như mưa, Như Ý vẫn dong duổi những bước chân và đôi bàn tay của mình trên khắp các con phố, ngõ hẻm để bán vé số, chắt chiu từng đồng gửi về cho mẹ.

Cuộc sống vẫn không chịu bình yên cho số phận của một người bán vé số vốn đã rất bất hạnh Như Ý. Sống giữa đất Sài Gòn, cuộc sống của những người bán vé số như Ý cũng giống như một thương trường nhiều gian nan, nước mắt. Đã không ít lần anh gặp phải những kẻ côn đồ, chúng đã lắt léo, dùng nhiều thủ đoạn để cướp vé hay tranh chấp địa bàn để bán. "Những lần như thế, tôi cũng thấy buồn và tủi lắm, nhưng cuộc sống vốn rất phức tạp, phải cố mà chịu đựng thôi", Như Ý tâm sự.

Khi chúng tôi bước chân đến những con đường mà Như Ý đã từng đi qua thì hầu như ai cũng biết đến một cậu bé bò mãi trên những con phố dài. Họ nói về Như Ý với niềm thông cảm trước sự bất hạnh và cảm phục trước nghị lực vươn lên. Và cậu bé Như Ý 13 tuổi năm nào nay đã trở thành một chàng thanh niên mang trên mình những suy tư trăn trở về cuộc sống, một ước mơ về tương lai.

13 năm lăn lộn, bò với cuộc sống đô thị khiến bờ vai và đôi tay của Như Ý có nhiều biến dạng so với bình thường. Nhưng Như Ý đã thấm thía, thấu hiểu bao nỗi đắng cay vất vả và những dòng tâm sự kín đáo về thân phận bé nhỏ của mình trong xã hội. Lòng hiếu thảo muốn tự mình nuôi dưỡng mẹ già, giúp đỡ gia đình đã trở thành động lực giúp Như Ý vượt qua những bộn bề, vất vả của cuộc sống.

Ước mơ trở thành chuyên viên đồ họa

Cuộc đời mỗi người sinh ra đều nung nấu trong mình một ước mơ dù giản dị hay lớn lao. Với Như Ý, ước mơ lớn nhất đó là trở thành một người thiết kế đồ họa, có một công việc ổn định để được trở về bên mẹ. Cuộc sống vất vả, mờ mịt nơi phố thị đã có lúc khiến cho Như Ý hình thành trong mình một ý nghĩ chẳng mấy lạc quan, khép mình trong những bức tường ngăn cách vô hình: "Người khuyết tật không có thành tích gì trong xã hội, mình chẳng thể làm được điều gì trước số phận bé nhỏ, không nhìn thấy ngày mai. Cuộc sống của mình sẽ mãi trôi đi trong lặng lẽ”. Thế nhưng, những năm tháng lăn lộn bươn chải đã khiến anh phải trăn trở, đặt ra cho mình những câu hỏi về tương lai: Mình là ai? Mình sẽ làm gì và làm sao để mình có thể thực hiện ước mơ đó?

Với mong muốn thay đổi số phận, tương lai của mình, Như Ý đã không ngừng kiếm tiền đi học sửa chữa điện thoại được nửa năm. Vì không thể cùng một lúc vừa đi bán vé số lại vừa đi học nghề trong vòng 8 giờ đồng hồ mỗi ngày, Như Ý đành chấp nhận bỏ lỡ việc học hành một lần nữa. "Lúc đó mình buồn lắm vì nghĩ rằng chọn lựa một cách sai lầm và không cân xứng với hoàn cảnh của mình", Như Ý nói. 

Trong một lần tình cờ đọc báo, Như Ý thấy thông tin tuyển dụng thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Đời rất đẹp. Một trong những trung tâm của tổ chức DRD Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cho người khuyết tật. Không đắn đo, Như Ý đã đăng ký dự thi làm thành viên của CLB. Ngay sau khi được kết nạp, anh đã tích cực tham gia sinh hoạt CLB cho dù vẫn phải đi bán vé số mỗi ngày. Những ngày sinh hoạt cùng các thành viên trong CLB, Như Ý nhận ra xung quanh mình còn rất nhiều người có số phận éo le,  nhưng họ dám đối diện hoàn cảnh và vươn lên trở thành những người thành đạt. Điều đó đã nuôi dưỡng trong lòng Như Ý một ý chí tìm đến con đường học vấn. Như Ý nói với chúng tôi trong nét mặt tươi vui, thân thiện: "Những ngày sinh hoạt trong CLB, họ đã dạy cho tôi cách thay đổi tư duy của những người khuyết tật. Họ giúp tôi có ý chí, sống mạnh mẽ hơn và tôi nhận ra định hướng của mình sắp tới từ chính những tấm gương khuyết tật ở đó".

Với nghị lực muốn thực hiện được ước mơ của mình, Như Ý đã đăng ký vào học Xử lý đồ họa tại trường Ngọc Tiên Designer vào các buổi tối trong tuần. Nhưng, vì trình độ tin học quá thấp nên người hướng dẫn ở đây đã khuyên Ý chuyển sang học điện cơ. Không chịu khuất phục, lung lay trước hoàn cảnh, Như Ý đã bỏ tiền ra đi học khóa tin học văn phòng, mang tấm bằng tin học về nộp cho trường để tiếp tục nguyện vọng học đồ họa của mình. Như Ý nói với chúng tôi: "Khó khăn lớn nhất bây giờ là mình không có một cái máy tính để học. Điều đó đã cản trở rất nhiều trong việc học của mình. Nhưng dù thế nào thì định hướng của mình sẽ không bị lung lay, khó khăn đến đâu mình cũng phải đạt được ước mơ trở thành một nhà thiết kế đồ họa để sau này có một công việc ổn định phụng dưỡng mẹ già”.         

Quyết vượt lên số phận

Nếu chỉ thoáng qua, không ai có thể nhận thấy nỗi cực nhọc, vất vả trên khuôn mặt luôn thường trực nụ cười thân thiện đầy nghị lực và niềm tin của Như Ý. Anh thực sự là tấm gương sáng giữa phố sá ồn ào. Niềm tin vào cuộc sống, ý chí vượt lên số phận và một định hướng như Như Ý đã nói chính là sức mạnh vô giá để những người khuyết tật mở ra những trang mới cho cuộc đời của chính mình.    

Thơ Trịnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.