Theo The New England Journal of Medicine, ngày 27/3 bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng co giật bất tỉnh, lú lẫn, sưng mắt phải, bị đau ở háng suốt một tuần.
Cụ thể hơn, bác sĩ Nishanth Dev, người trực tiếp khám bệnh nhân này cho hay, đó là cơn co cứng – co giật toàn thân (tonic-clonic seizure).
Sau khi chụp MRI, các bác sĩ phát hiện não bệnh nhân có rất nhiều vết trắng, chính là u nang sán lợn.
Kết quả chụp cộng hưởng từ trên bệnh nhân rất bất ngờ, bác sĩ phát hiện vô số u nang sán lợn trong vỏ não - vùng chịu trách nhiệm về suy nghĩ, trí nhớ, tri giác.
Các tổn thương tương tự cũng được phát hiện trong thân não - vùng đảm trách chức năng liên lạc giữa não và các phần còn lại của cơ thể; trong tiểu não - khu vực điều phối nhận thức và ngôn ngữ, ý niệm về thời gian và sự chuẩn xác.
Không chỉ vậy, ký sinh trùng này đã tấn công mắt phải và tinh hoàn chàng trai trẻ khiến bệnh nhân 18 tuổi bị loạn thần kinh.
Theo Dailymail, được biết, đây được xem trường hợp rất nghiêm trọng. Số lượng u nang sán quá lớn khiến anh không được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng bởi nguy cơ trầm trọng hóa tình trạng viêm nhiễm ở não, mắt.
Bệnh nhân được dùng steroid và thuốc chống động kinh. Sau 14 ngày chữa trị, chàng trai đã qua đời.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm sán lợn là tình trạng phổ biến ở Mỹ Latin, châu Phi và châu Á.
Khi nở, ấu trùng sán có thể di chuyển khắp cơ thể và hình thành u nang ở não, cơ, da, mắt. Nhiễm sán lợn có thể đe dọa mạng sống con người.
Bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.
Theo WHO, để ngăn ngừa nhiễm sán lợn, biện pháp tốt nhất là đảm bảo vệ sinh và nâng cao an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh.
TạiViệt Nam, hiện nay, ngành y tế vẫn đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh.
Sam (tổng hợp)