Vào năm 19 tuổi, Ciaran Daniel (hiện 23 tuổi), đến từ thành phố Hull, Vương quốc Anh, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính - một dạng ung thư nguy hiểm ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu. Sau đó anh đã trải qua 3 năm hóa trị liên tục.
Tháng 5 năm nay là đợt hóa trị cuối cùng. “Ngày cả khi đang hóa trị, tôi vẫn ra ngoài, làm điều tích cực. Tôi không thể nằm yên. Tôi leo núi, chèo thuyền kayak, lướt sóng, đi bộ đường dài. Điều này khiến tôi bận rộn và quên đi nỗi đau của bệnh tật”, Ciaran chia sẻ với Independent.
Đợt hóa trị cuối cùng cũng trùng vào thời điểm Ciaran Daniel chinh phục đỉnh Ben Nevis. “Khi đến đỉnh Ben Nevis, tôi đọc được lời nhắc phải uống thuốc trên điện thoại. Khi nhận ra đây là viên thuốc hóa trị cuối cùng trong hành trình 3 năm qua, tôi nghĩ đây thực sự là nơi hoàn hảo để kết thúc quá trình điều trị”, anh nói thêm.
Ban đầu Ciaran Daniel bỏ qua các triệu chứng bất thường mà mình gặp phải. Khi ấy, anh làm việc cho Hải quân Hoàng gia ở Vịnh Ba Tư với công việc đòi hỏi nhiều thể lực. Do đó, khi thấy những vết bầm tím trên cơ thể, Ciaran chỉ cho rằng do tập luyện và tính chất công việc.
Mãi đến khi nhận thấy có máu trong nước tiểu, anh mới tìm đến bác sĩ. Ciaran Daniel được đưa đến một bệnh viện tư nhân ở Dubai để làm xét nghiệm máu.
“Khi có kết quả, họ không biết làm cách nào mà tôi vẫn có thể bước vào tòa nhà, nồng độ oxy trong máu của tôi quá thấp. Tôi nghĩ bản thân mình vốn khỏe mạnh và thể chất tốt đã giúp tôi gắng gượng được", nam thanh niên chia sẻ
Sau khi xét nghiệm, Ciaran trải qua lần sinh thiết tủy xương. Đây cũng là thời điểm anh nhận được chẩn đoán tàn khốc nhất đời. “Họ thông báo kết quả tôi bị bệnh bạch cầu nguyên bào lympho vào đêm giao thừa năm 2018. Tôi gọi điện cho gia đình nhưng nói dối mình bị phong. Bác sĩ đã giật điện thoại và nói sự thật với gia đình tôi”, anh kể.
Vốn nghĩ mình khỏe mạnh, kết quả này khiến chàng trai 19 tuổi vô cùng sốc. Ngày 4/1/2019, Ciaran Daniel được chuyên cơ chở từ Dubai đến Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth ở Birmingham. Tại đây, anh được gặp gia đình. Sau đó là 7 tuần tại bệnh viện để hóa trị.
Cha mẹ anh cũng được chuyển đến ở căn nhà thuộc khuôn viên bệnh viện để họ có thể nhìn thấy nhau hàng ngày. Ciaran Daniel trải qua quá trình hóa trị, tiêm tủy sống. Đó là trải nghiệm đau đớn tột cùng. Thời gian đầu, nam bệnh nhân ngủ li bì.
Sau 7 tuần, Ciaran chuyển đến ở cùng nhà với cha mẹ. Hàng ngày, anh di chuyển đến bệnh viện để điều trị. Tháng 10/2019, Daniel quay lại thành phố Hill. Hàng tháng, anh phải hóa trị từ xa thông qua máy tính bảng. May mắn, quá trình điều trị hóa trị của Ciaran đã kết thúc vào tháng 5 vừa rồi.
Sau khi khỏi bệnh anh bắt đầu chuyển sang làm tình nguyện viên cho một tổ chức từ thiện. Chàng trai trẻ cho rằng nơi này đã cứu sống anh rất nhiều và cần phải làm gì đó để giúp đỡ những người khác.
Như Ciaran đã chia sẻ, mệt mỏi cực độ, khó thở và da dễ bầm tím là một trong những triệu chứng bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính. Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải tình trạng da nhợt nhạt, xuất hiện những đốm đỏ có kích thước bằng đầu ngón tay trên da, giảm cân, sốt, khó thở, đau lưng, đau bụng, đau xương, dễ bị nhiễm trùng, sưng hạch bạch huyết, chảy máu, kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường, chóng mặt, đau đầu, hay bị buồn nôn và nôn,…
Do đó, khi cơ thể xuất hiện những bất thường này, bạn không nên chủ quan mà cần đi thăm khám sớm để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời. Để chẩn đoán bệnh chính xác, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm, trong đó bao gồm xét nghiệm tế bào máu, lấy mẫu tủy xương,... Nếu cần thiết, các bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm những xét nghiệm khác.
Lưu ý, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:
- Độ tuổi: Những trường hợp trẻ dưới 15 tuổi và người lớn trên 50 tuổi có nguy cơ bị bệnh cao hơn những nhóm tuổi khác.
- Màu da: Những người có làn da trắng sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn so với những người có làn da đen.
-Người mắc phải một số hội chứng như hội chứng Down, klinefelter, Wiskott-Aldrich, hay Bloom,…
-Tiếp xúc với phóng xạ cao cũng có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho.
- Virus: Một số trường hợp mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho có thể là do đã từng nhiễm virus trước đó.
Minh Hoa (t/h)