Đạp xe mưu sinh trong phố cổ
Chàng trai 8X Nguyễn Duy Biểu đã làm những con phố của Hà Nội có thêm sắc màu với hình ảnh mưu sinh bằng nghề bán cà phê dạo tại Thủ đô. Xôi chè, khoai sắn được bán trên xe đạp nhiều người đã thấy nhiều, nhưng từ trước đến nay, người dân Thủ đô hầu như chưa gặp ai bán dạo cà phê. Điều lạ hơn nữa, ít ai biết rằng Nguyễn Duy Biểu, người bán rong đang lầm lũi đạp xe kia từng tốt nghiệp đại học ngành Mỹ thuật.
Tuy đạp xe cả ngày có vất vả nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, chàng trai sinh năm 1987 ấy vẫn giữ nụ cười tươi sáng, không chút mệt mỏi. Duy Biểu cho biết, quê gốc cậu ở Thái Bình, nhưng gia đình vào nam lập nghiệp đã lâu. Biểu đã tốt nghiệp hệ trung cấp cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, nhưng rồi số phận đưa đẩy anh từ cao nguyên Lâm Đồng đến Hà Nội. Sau khi thất bại với quán cà phê đầu tiên, Biểu quyết tâm ra Thủ đô để thực hiện ước mơ truyền bá thói quen uống Arabica, loại cà phê anh say mê tìm hiểu trong nhiều năm trời.
Nguyễn Duy Biểu đang pha cà phê cho khách
Biểu cho biết, ngay khi quyết định ra Hà Nội, anh cũng hỏi ý kiến gia đình. Sau khi trình bày ý định lập nghiệp tại Thủ đô, bố mẹ anh có lo lắng, không biết một thân một mình có thể "sống được" tại Hà Nội không, nhưng Biểu đã hứa sẽ quyết tâm và anh "khăn gói quả mướp" lên đường ra Bắc. Anh cho biết, tuy là sinh viên trường Mỹ thuật, nhưng cậu lại có niềm đam mê đặc biệt với cà phê Việt - một thứ đồ uống rất đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Mưu sinh với chiếc xe đạp nhỏ chạy quanh phố phường Hà Nội, Nguyễn Duy Biểu cũng dần tìm được niềm vui trong nghề của mình. Tuy chỉ là bán dạo nhưng Nguyễn Duy Biểu cố gắng "chuyên nghiệp" nhất có thể, từ thứ nhỏ nhất trở đi. Anh sử dụng loại cốc giấy tự phân hủy "Made in Vietnam", gắn thương hiệu riêng "Acafé" lên từng chiếc cốc và cả chiếc thùng xốp. Bộ đồ pha chế do anh tự làm không thừa, thiếu một cái nào, được xếp gọn gàng trước giỏ. Nhìn anh thoăn thoắt pha cà phê cho khách, nhiều người cho biết, họ rất thích uống cà phê mang đậm chất "phố phường" như thế này.
Nguyễn Duy Biểu cho biết, một ngày của anh bắt đầu từ 6h30 sáng tới 9 - 10h tối, quanh khu phố cổ. Điều đặc biệt là làm nghề bán hàng rong, nhưng Nguyễn Duy Biểu không cất tiếng rao, anh cho biết: "Tiếng rao là đặc trưng của phố phường Hà Nội, nhưng tôi lại kinh doanh theo cách riêng của mình. Mặc dù chỉ đạp xe bán hàng, không rao, không dùng loa phát âm, nhưng rất nhiều người nhận ra xe bán cà phê là mua. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, tôi đã có những khách hàng quen đầu tiên vì biết chất lượng của cà phê mình bán". Thì ra, anh đã lặn lội lên Tây Nguyên - thủ phủ của cà phê, nơi sản xuất cà phê Arabica, tự sao, tự pha chế đúng quy trình để người Việt được hưởng thụ đặc sản của nước mình. Tuy không rao vặt nhưng dân sành điệu nhanh chóng biết đến anh, tìm đến chiếc xe đạp cọc cạch trên mấy con phố quen thuộc. Và khi trời mưa, vắng bóng chiếc xe, họ lại đã thấy... nhớ. Một ly cà phê, giá bình dân 15.000 đồng đã đem đến cho dân “nghiền" cà phê đích thực thấy... hài lòng.
Mới ra Hà Nội lập nghiệp đầu năm 2012 nhưng do đi nhiều và mưu sinh với lòng quyết tâm của người trẻ nên Nguyễn Duy Biểu đã được rất nhiều người biết đến với nghị lực của chàng trai có cách kinh doanh "lạ". Duy Biểu chia sẻ, những ngày đầu lập nghiệp, anh chỉ bán được 4 - 5 cốc. Nhưng sau đó, quen khách, anh nâng dần số lượng bán hàng. Với mục tiêu chỉ bán loại cà phê ngon, Duy Biểu có rất nhiều khách quen, trong đó có không ít khách Tây. Anh cho biết thêm, khách nước ngoài rất "sành", chỉ cần uống một lần là họ có thể biết cà phê nguyên chất hay không. Vì thế, những cốc cà phê của Duy Biểu còn mang ý nghĩa để "quảng cáo" chất lượng của cà phê Việt Nam với nhiều du khách nước ngoài.
Chỉ với một chiếc xe đạp nhỏ, nhưng lượng khách đến với Duy Biểu không kém một quán cà phê với bàn ghế sang trọng nào, bởi theo Duy Biểu, nhiều người ở xã hội hiện đại không có nhiều thời gian để ngồi nhâm nhi cà phê, họ muốn có một cốc cà phê nóng hổi, có thể mang đi được và chiếc xe đạp - cà phê ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người.
Nguyễn Duy Biểu bên chiếc xe bán cà phê
Lập trạm bán cà phê... di động
Duy Biểu cho biết, sau một thời gian kinh doanh, anh có đủ tiền để mua một chiếc xe máy, nhưng anh vẫn chọn cách mưu sinh bằng xe đạp, bởi anh muốn có một hình ảnh thật khác trong cuộc sống xô bồ, công nghiệp này. Điều quan trọng hơn nữa là, cà phê thường gắn liền với sự chậm rãi, thong dong, giống như đạp xe đạp vậy. Và nếu di chuyển bằng xe đạp thì anh sẽ có nhiều khách hàng hơn.
Với niềm đam mê cà phê Việt, Biểu chia sẻ rằng, người Việt Nam chủ yếu uống loại Robusta, còn Arabica chưa phổ biến bằng, vì giá cả cao hơn, dù đang ở trên đất nước xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì thế giới. Khẩu vị của người Việt đang hỏng dần vì hàng loạt loại cà phê "rởm", vì lợi nhuận mà người bán pha trộn các thứ như ngô, đỗ tương, hóa chất vào. Với tấm biển quảng cáo cà phê Arabica "nguyên chất và rang mộc", Biểu tin rằng, chiếc xe dạo này sẽ góp phần truyền bá thói quen uống Arabica Việt, cũng như cà phê nguyên chất đến người dân Thủ đô. Cậu cho biết, những người làm mỹ thuật thường rất tinh tế để cảm nhận cuộc sống và cậu đang dùng sự "tinh tế" ấy để làm ra được những cốc cà phê hương vị thơm ngon, vì khi pha cà phê, bàn tay của người pha chế phải đạt đến độ nhạy cảm nhất định thì mới có cốc cà phê đạt chất lượng.
Anh Trần Ngọc Huy (ngõ Ấu Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Tôi rất ấn tượng với hình ảnh một người thanh niên đạp xe mang cà phê bán trong các con phố cổ. Quan trọng hơn là chất lượng của đồ uống rất ngon, khác biệt so với ngồi ở quán sang trọng, nó đậm đà và rất thơm. Cà phê Arabica vốn ít được biết đến bởi người tiêu dùng Việt Nam lâu nay thường guống loại Robusta, "chàng trai cà phê" đã góp phần truyền bá thói quen uống cà phê nguyên chất, không pha trộn hóa chất".
Ngoài cách đi quanh các phố cổ để bán hàng, Nguyễn Duy Biểu còn để lại số điện thoại cho khách hàng để khi nào khách có nhu cầu cậu sẽ mang cà phê đến. Nhiều khách hàng quen chia sẻ, khi đã uống quen cà phê phố cổ của Duy Biểu, họ không còn cảm thấy cà phê của hàng khác ngon nữa. Mới đây, tại 54 Hàng Bồ (Hà Nội), "chàng trai cà phê" đã thành lập một trạm bán cà phê di động ngay trên phố cổ. Với diện tích "khiêm tốn", chỉ vẻn vẹn 3m2, với chiều rộng "mặt tiền" 3m, trạm bán hàng này sẽ đáp ứng cho khách muốn mua hàng qua điện thoại và "đứng" uống tại chỗ. Nguyễn Duy Biểu không gọi đây là quán mà dùng từ "trạm" vì muốn thể hiện tính chất cơ động, phù hợp với khách qua lại không muốn tốn thời gian ngồi để thưởng thức cà phê. Cũng chính vì vậy, phố cổ được chọn làm địa điểm đặt trạm đầu tiên vì có nhiều người đi bộ, và cũng đông khách nước ngoài. Đây cũng là đối tượng khách hàng mới của Biểu, dù không thường xuyên. Nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đa dạng của người yêu cà phê, trạm bán hàng đã có thêm lựa chọn như Espresso, Cappuchino bên cạnh hai loại Arabica nâu và đen thông thường.
Người giúp Biểu kinh doanh tại trạm là người em trai sinh năm 1993 của cậu. Đã có chỗ để kinh doanh, nhưng Nguyễn Duy Biểu khẳng định sẽ không từ bỏ ý định bán cà phê dạo bằng xe đạp đã theo anh từ khi khởi nghiệp tại Hà Nội. Anh vẫn muốn đạp xe để bán hàng cho khách tại các con phố cổ, còn việc tại trạm sẽ giao cho người thân, hoặc thuê người làm. Vì Duy Biểu cũng rất thích được đạp xe quanh phố phường Hà Nội, tận tay đưa đến cho khách hàng của mình những cốc cà phê thơm lừng, ấm nóng.
"Chàng trai cà phê" bật mí cho chúng tôi biết, với cách kinh doanh "độc đáo" và hiệu quả ấy, đã có rất nhiều lời mời từ các chuyên gia, danh nhân ngành cà phê muốn hợp tác với anh để có sự kinh doanh đồng bộ, chứng tỏ vẫn còn rất nhiều người đam mê với cà phê như anh. Mới đây, Duy Biểu lập website rengrengcafe.com để nhiều người có thể tiếp cận với cà phê của chính anh làm ra.
Truyền cảm hứng cho người khác Nguyễn Duy Biểu tâm sự: "Sau khi nhận được sự ủng hộ từ những người yêu thích, tôi quyết định phát triển việc bán cà phê của mình thành một chuỗi trạm bán cà phê mang đi. Tên của chuỗi trạm đó chính là tên miền của trạm thông tin duy nhất này: Rengrengcafe.com. Chắc chắn, trong tương lai gần, sẽ có nhiều người lấy cảm hứng từ công việc của tôi để phát triển công việc của họ". |
L.T