Tìm lại quê cho mộ liệt sỹ
Lê Công Thành sinh năm 1983, tại Đan Phượng, Hà Nội. Trước đây anh học ngành công nghệ thông tin của trường đại học Thủy Lợi, sau đó sang Paris, Pháp học nâng cao chuyên ngành này. Nói về ý tưởng sáng lập ra trang web để tìm mộ liệt sỹ,
Thành chia sẻ, chính gia đình anh cũng có một liệt sỹ đã thất lạc mấy chục năm, nhưng chưa tìm được phần mộ để chuyển về quê hương khói. Hơn nữa, do nhiều gia đình chưa có điều kiện, mất giấy tờ do chiến tranh, do thời gian quá lâu và khoảng cách địa lý quá lớn nên rất nhiều liệt sỹ vẫn tha hương chưa được người thân đón về.
Lê Công Thành đang nỗ lực thực hiện khát vọng số hóa toàn bộ thông tin về liệt sỹ ở Việt Nam.
"Các gia đình liệt sỹ trong hoàn cảnh này thường tìm đến giải pháp gọi vong, nếu gia đình nào có điều kiện thì cử người tìm từng nghĩa trang dọc đường hành quân của đơn vị, nhưng cách này rất tốn kém và xác suất thành công không cao hoặc cơ sở khoa học chưa rõ ràng. Nếu như có cách nào đó tập hợp tất cả các phần mộ trên cả nước để người thân liệt sỹ có thể tìm kiếm qua mạng internet thì hiệu quả hơn rất nhiều", Thành nhấn mạnh.
Để thực hiện được mong muốn này, năm 2012, Thành cùng một nhóm bạn đi nhiều ngày dọc các tỉnh biên giới Tây Bắc. Tới các nghĩa trang ở dọc đường, anh cùng nhóm bạn chia nhau ra chụp ảnh từng tấm bia mộ. Sau 4 ngày dầm sương, ngủ rừng, nhóm của Thành đã chụp được hơn 10.000 tấm bia mộ.
Trên cơ sở này, với sự ủng hộ của bạn bè, người thân, Thành đã lập ra website lietsi.com. "Khác với các trang web đã tồn tại hỗ trợ việc tìm kiếm những người đã ngã xuống, lietsi.com hoạt động dựa trên sức mạnh của cộng đồng trên các mạng xã hội, các tình nguyện viên", Thành cho hay.
Thành tâm sự: Mặc dù chiến tranh đã đi qua vài chục năm nhưng vết thương nó để lại vẫn âm ỉ, nhức nhói trong tim mọi người dân đất Việt. Theo ước tính thì số lượng các liệt sỹ vô danh, hy sinh trong chiến trường vẫn còn là con số rất lớn. Vì thế, việc tìm kiếm thông tin của liệt sỹ qua mạng cũng đã đạt được những thành công ban đầu.
Trong số những gia đình đã tìm được phần mộ của người thân qua website lietsi.com có lẽ xúc động nhất là trường hợp của chị Hoàng Thị Hoa ở Con Cuông - Nghệ An. Chị cho biết, hơn 40 năm nay gia đình chị luôn đau đáu nỗi niềm tìm được phần mộ của liệt sỹ Hoàng Thanh Tùng (SN 1948) đã hy sinh trong một trận chiến năm 1972.
Thật bất ngờ khi một người bạn của chị giới thiệu tìm kiếm trên web tìm mộ liệt sỹ và chị đã bật khóc khi biết tin anh trai mình đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Dương. Chị Hoa chia sẻ, chị và gia đình đang thu xếp để chuẩn bị đón phần mộ của anh trai về quê hương nơi anh sinh ra.
Website lietsi.com cùng cách tìm kiếm thông tin về liệt sỹ thất lạc.
Trả lại tên cho liệt sỹ vô danh
Thành chia sẻ, ngoài giai đoạn 1 của kế hoạch phát triển trang web lietsi.com là việc số hóa các mộ liệt sỹ và lan truyền dự án để nhiều thành viên trên các mạng xã hội tham gia, thông qua quảng cáo, ứng dụng trên Facebook và các mạng xã hội khác thì giai đoạn 2 rất quan trọng. Đó là lietsi.com sẽ xây dựng ngân hàng lưu trữ ADN từ những hài cốt liệt sỹ vô danh.
Toàn bộ dữ liệu ADN được số hóa này sẽ được đem ra để đối chiếu với ADN của những người đang đi tìm người thân hy sinh trong chiến tranh. Qua đó họ có thể xác định danh tính của những liệt sỹ vô danh giúp cho việc tìm hài cốt các liệt sỹ của những người thân được nhanh chóng và chính xác hơn.
Xây dựng ngân hàng gen của các gia đình thân nhân liệt sỹ Lê Công Thành chia sẻ: "Hiện nay, số lượng các liệt sỹ hiện còn vô danh và mất tích còn lớn. Do đó chúng tôi mong muốn vận động xã hội xây dựng cơ sở dữ liệu gen của các gia đình thân nhân liệt sỹ. Nếu bộ cơ sở dữ liệu này được xây dựng đầy đủ, việc nhận lại tên tuổi và tìm về với gia đình của các liệt sỹ vô danh là hoàn toàn khả thi. Tổng kinh phí để thực hiện điều này rất lớn, nhưng lại không đáng kể đối với từng gia đình đang khao khát tìm lại người thân, kinh phí này nhỏ hơn nhiều so chi phí của một buổi gọi vong". |
Dự án được Lê Công Thành cùng nhóm bạn thực hiện một thời gian thì những khó khăn bước đầu gặp phải khiến chàng trai Hà thành 8X này gặp nhiều trở ngại. Ban đầu nhóm mới hình thành gồm 15 thành viên nhưng về sau do công việc riêng bận rộn nên số lượng ấy cứ giảm dần và hiện nay chỉ còn có Lê Công Thành và 4 bạn khác còn "trụ" lại được. Rồi guồng quay của công việc khiến cho quỹ thời gian của mỗi người càng eo hẹp, do đó việc đi chụp lại ảnh bia mộ liệt sỹ trên khắp cả nước càng trở nên khó khăn.
Tuy rằng còn phải đối mặt với nhiều thử thách và khó khăn nhưng Thành và bạn bè luôn động viên nhau, bởi công việc họ đang làm sẽ đóng góp phần nào đó cho xã hội để xoa dịu những nỗi đau mà chiến tranh để lại. "Có công mài sắt có ngày nên kim", gần đây anh Thành và bạn bè nhận được một số tín hiệu đáng mừng là dự án này đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của một số tổ chức cá nhân. Đặc biệt hơn nữa, thông qua mạng xã hội Facebook đã có nhiều hơn ba gia đình tìm được mộ liệt sỹ và đưa về quê nhà hương khói.
Đây là mô hình hoạt động cũng không khác nhiều một mạng xã hội thông thường, cũng chia sẻ nội dung, bình luận, đánh dấu và điểm khác có chăng là nội dung tập trung về thông tin của các liệt sy.ä Những tình nguyện viên tham gia sẽ đi đến các nơi đặt phần mộ của liệt sỹ, chụp ảnh và đưa lên mạng.
Trên cơ sở những bức ảnh thu được, hệ thống sẽ phân tích các thông tin liên quan như tên, năm sinh, quê quán, cấp bậc, chức vụ, đơn vị, thời gian hy sinh kèm thông tin địa điểm hy sinh... để tránh tình trạng dư thừa, trùng lặp gây loãng, hệ thống còn tổng hợp, sàng lọc nhằm đảm bảo thông tin đưa ra được chính xác nhất.
Mọi người cũng có thể tham gia đóng góp vào việc trích xuất thông tin bằng cách thẩm định nội dung đi kèm với các bức ảnh và có thể báo cáo nếu thấy không đúng do hình ảnh chất lượng chưa cao, hệ thống xử lý chưa chính xác. Nhằm phát huy hết được mô hình mạng xã hội, lietsi.com còn dự định tăng cường các hoạt động tương tác như kết nối tình nguyện viên và gia đình, tổ chức buổi kỷ niệm trực tuyến để tri ân các liệt sỹ.
Để thân nhân không còn đau đáu nỗi mong chờ...
Được biết, hiện nay có rất nhiều người tham gia vào website này, họ tổ chức những buổi dã ngoại đi chụp ảnh các bia mộ liệt sỹ. Sau đó người có thời gian, có điều kiện sử dụng internet tham gia dán nhãn, thẩm tra các ảnh dưới sự trợ giúp của chương trình nhận dạng tự động trên máy tính. Với nhiều ngôi mộ liệt sỹ có danh tính rải rác khắp Việt Nam, đây là một công việc tương đối khó khăn nhưng có độ khả thi cao.
Hiện tại, đã có hơn 5000 người tham gia vào dự án và thu thập được gần 200 nghìn dữ liệu về nơi yên nghỉ của các liệt sỹ. Nếu toàn bộ các nghĩa trang liệt sỹ ở Việt Nam được số hóa, cơ hội một liệt sỹ bất kỳ được tìm thấy sẽ vào khoảng 54%.
"Hiện dự án lietsi.com đang dần nhận được sự tham gia, ủng hộ và động viên của xã hội, nhất là những người sử dụng internet có điều kiện chụp ảnh bia mộ liệt sỹ hoặc hằng ngày cùng tham gia vào việc số hóa các bức ảnh. Giấc mơ của chúng tôi là sẽ có một ngày, không còn ngôi mộ liệt sỹ nào ở Việt Nam không có tên tuổi, không còn gia đình nào phải đau đáu chờ những người con đi cứu nước mãi chẳng trở về", Thành tâm sự.
Cao Tuân - Tâm Lê