Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi mẹ từ nhỏ, năm 18 tuổi thì cha mất nên Vĩnh tự lập khá sớm. Sau khi thi đỗ trường Cao đẳng thương mại Đà Nẵng, Vĩnh khăn gói ra Đà Nẵng nhập học nhưng trong người không có đồng bạc nào dính túi.
Rất may lúc đó có một mạnh thường quân ở TP.HCM giúp đỡ cho Vĩnh 10 triệu đồng, Vĩnh mới có tiền ăn học. “Thời điểm đó, 10 triệu đồng đối với em rất lớn. Số tiền đó đã cứu cuộc đời em”, Vĩnh chia sẻ với báo Dân trí.
Thấu hiểu vất vả của những người nghèo khổ và được sự giúp đỡ của những tấm lòng nên trong suy nghĩ của Vĩnh luôn muốn giúp lại những người khác trong khả năng có thể của mình. Khi đang là sinh viên, Vĩnh thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện của trường và luôn ấp ủ những dự định của riêng mình.
Dự định của Vĩnh đã được hiện thực hóa bằng quán “Bánh mỳ 0 đồng”. Dù quán mới hoạt động từ ngày 16/11 nhưng có sức lan tỏa nhanh, được nhiều người biết đến. Hằng ngày, quán mở cửa từ 9h cho đến chiều và thời gian quán “đắt khách” nhất từ 11h trở đi.
Mỗi ngày, ước tính quán “trao đi” từ 150 - 200 ổ bánh mỳ thịt xíu, bánh mỳ chả, bánh mỳ dăm bông cho người ăn mặn; bánh mỳ tương đậu, bơ đường cho người ăn chay. Người đến nhận bánh mỳ thường là người lao động có thu nhập thấp như các cô chú bán vé số, người già neo đơn, người khuyết tật.
Kinh phí để duy trì hoạt động của quán do anh Vĩnh tự bỏ ra. Tuy nhiên, đồng cảm với hoạt động nhân văn này, đã có mạnh thường quân biết và tìm đến để hỗ trợ một phần nguyên vật liệu.
“Nhìn thấy mọi người vui khi nhận bánh mỳ là mình thấy ấm lòng. Tôi mong đựợc chia sẻ, giúp đỡ cho mỗi hoàn cảnh khó khăn có một bữa ăn nho nhỏ. Những ngày trời mưa gió, ít người đến nhận bánh mỳ là lòng thấy buồn lắm” - anh Vĩnh chia sẻ với báo Lao động.
Theo Vietnamnet, trước khi mở tiệm bánh mì 0 đồng, Vĩnh cũng từng mở quán cơm 2.000 đồng chia sẻ đến bà con những suất ăn chất lượng. Cũng như quán cơm 2.000 đồng, việc mở thêm quán bánh mỳ 0 đồng là do yêu thích việc nấu ăn và mong muốn được sẻ chia với những mảnh đời thiếu may mắn.
Nhận thấy công việc đầy ý nghĩa này, bạn bè, người thân nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ và ủng hộ về nguyên liệu, gia vị với Vĩnh. Đến phụ giúp cùng Vĩnh, anh Trương Vĩnh Đặng (33 tuổi) hào hứng cho biết, bản thân rất vui khi được cùng góp chút công sức với quán bánh mỳ này. Mỗi ngày, trong quán “Bánh mỳ 0 đồng” có từ 3 - 4 người dậy từ sớm để chuẩn bị các đồ dùng, nguyên liệu cần thiết để kịp đến gần trưa phục vụ cho bà con.
Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, tiệm “Bánh mỳ 0 đồng” mang thông điệp mong mọi người sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn.
Phong Linh (tổng hợp)