Khu vườn rộng của Hợp tác xã Vườn Chum (thôn Bảo An, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) hiện có hàng chục loại cây cảnh song điểm nhấn là hơn một nghìn cây tre bonsai với kiểu dáng khác nhau. Những tác phẩm này không chỉ làm đẹp không gian sống mà còn mang lại giá trị kinh tế.
Chia sẻ với báo Bắc Giang, anh Nguyễn Sỹ Luân, Giám đốc Hợp tác xã Vườn Chum, cho biết, anh vốn đam mê cây cảnh từ nhỏ nên sau nhiều năm làm nghề và kinh doanh các sản phẩm gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), anh có điều kiện theo đuổi thú chơi cây cảnh.
Trong số các loài cây, anh bị cuốn hút bởi loài tre thân gầy, lá mỏng song lại có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. "Cây tre tượng trưng cho sự kiên cường, dẻo dai và bất khuất. Trong truyện Thánh Gióng, ông cha ta từng dùng tre để diệt giặc. Trải qua các cuộc kháng chiến, lũy tre làng vừa là nguyên liệu làm vũ khí vừa che chở quân và dân ta. Cuộc sống bao người dân nông thôn đều gắn với đồng ruộng, lũy tre...”, anh Luân tự hào nói về loài cây đặc trưng của làng quê Việt Nam.
Thời gian đầu anh gom vốn đặt mua hàng loạt phôi tre từ những người đi “săn” cây rừng về giâm, trồng. Nào ngờ vườn tre bị chết gần hết.
Không nản lòng, anh vay mượn người thân tiếp tục theo đuổi đam mê. Trải qua nhiều thất bại, anh mới vỡ lẽ quá trình vận chuyển phôi từ các nơi về, phần đất bọc theo gốc bị đặc khô; trong khi tre là thân thảo, róc nước nhanh, nếu không biết cách tưới và để hở rễ thì gốc sẽ xốp, thối. Vì vậy, anh mày mò, tìm công thức trồng và chăm sóc tre bonsai. Mỗi lần phôi tre về, anh tỉa bớt rễ già, trộn đất với xơ dừa ủ giữ ẩm gốc rồi mới trồng ra đất vườn cho rễ phát triển.
Để những gốc tre sống lâu bền đã khó, việc sáng tạo trên cây tre còn khó hơn. “Nòi tre đâu chịu mọc cong, chưa lên đã nhọn như chông lạ thường” nên việc uốn thân tre tạo dáng bonsai trồng trong chậu không dễ dàng.
Anh Luân thường dựa theo những thế “kỳ hoa, dị thảo” sẵn có trong tự nhiên của cây đó tạo tác theo. Đồng thời mỗi gốc cây trước khi ủ mầm, tạo dáng đã được dự định bày ở vị trí tương ứng như bàn trà, phòng khách hay ngoài sân để chăm sóc, tạo tỉa phù hợp. Điều đặc biệt của tre cảnh là mỗi cây một hình dáng khác nhau không trùng lặp và thường phải chờ mắt mầm chồi lên để tạo tán chứ không thể cấy ghép.
Anh Luân chia sẻ: “Một cây tre bonsai đẹp phải có các tiêu chí “củ bệ, thân kỳ, nguyên hình” - tức là củ to, thân độc, lạ và dáng nguyên thủy. Với tôi, cây còn phải có lá nhỏ, dăm dày và có gai; thân tre có đốt ngắn, đốt dài, "co duỗi" linh hoạt. Muốn tác phẩm có hồn, người chăm dưỡng, tạo tác không chỉ cần đôi tay khéo léo mà còn phải biết "lắng nghe tiếng nói” của cây. Ngay từ khi gốc tre mới lên chồi, tôi thường liên tưởng cây giống với nhân vật nào trong thơ, truyện cổ để tạo tác theo”.
Khi cây đã xanh tươi, vốn biết nghề gốm, anh Luân lại tìm cách đặt tre bonsai vào chum, bình để tạo hình. Có những bình bị vỡ, lỗi, tưởng như vứt đi nhưng khi kết hợp với tre lại trở thành những chậu cây bonsai bắt mắt.
Sau hơn 6 năm dành nhiều tâm huyết, hiện khu vườn của anh Luân có hàng chục loại cây cảnh như: Tùng, cúc, trúc, mai, lan, hồng… song điểm nhấn là hơn một nghìn cây tre bon sai với kiểu dáng khác nhau.
Nổi bật trong số đó phải kể đến tác phẩm "Lưỡng long chầu nhật" mà anh Luân mất không ít thời gian để hoàn thành. Theo VietNamNet, tác phẩm này từng xuất hiện tại tiệc trà khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023.
Tác phẩm được tạo hình từ 2 cây tre ngà mọc đối xứng, với hình dáng uốn lượn mô phỏng thân 2 con rồng cùng hướng về hình tròn tượng trưng cho mặt trời ở giữa chậu. Phần ngọn 2 cây tre được tạo tán hài hòa, đẹp mắt.
Lưỡng long chầu nhật được Sỹ Luân sáng tạo một cách công phu từ hơn 1 năm trước.
Ban đầu, với ý định tạo hình cây theo thế lưỡng long chầu nguyệt, anh Luân mày mò vẽ, phác thảo hình tượng mặt trăng trên thân chum. Sau một ngày vừa vẽ vừa cắt, nam nghệ nhân hoàn thiện được chậu trồng có họa tiết trang trí độc lạ.
Anh Luân cắt 2 đường rãnh rộng hình vòng cung vào một mặt bụng của chum. Giữa 2 đường cắt, anh tạo hình tròn làm biểu tượng mặt trăng. Sau đó, anh trồng 2 phôi tre đối xứng nhau vào 2 đường cắt. Điểm giao nhau giữa 2 gốc tre là hình tròn trên thân chum.
Với cách tạo thế này, anh Luân đặt tên cho tác phẩm của mình là "Lưỡng long chầu nguyệt". Sau đó, anh đổi thành "Lưỡng long chầu nhật" với ý nghĩa mặt trời luôn rực rỡ, tươi sáng.
Anh Luân chia sẻ: “Tôi mất khoảng 1 năm để hoàn thiện. Với ý tưởng là 2 con rồng chầu mặt trời nên thân cây phải có điểm co, duỗi, uốn lượn. Điều khó nhất là làm sao để người xem thấy được các điểm co duỗi ấy thật mềm mại, uyển chuyển, có hồn.
Để làm điều này, tôi chủ động trưng ra những điểm uốn cong, mềm mại của thân cây. Những điểm thân cây cho cảm giác đơ, thiếu uyển chuyển, tôi xử lý bằng cách tạo tán sao cho hài hòa, đẹp mắt”.
Bằng cách này, anh Luân tạo nên tác phẩm tre bonsai hiếm gặp. Dù không phải người trong nghề, có con mắt nghệ thuật, khi xem tác phẩm, ai cũng dễ dàng nhận ra 2 thân tre như 2 con rồng sống động, uyển chuyển.
Vào một ngày của tháng 12/2023, anh Luân nhận được cuộc điện thoại từ nghệ nhân trà Cao Sơn. Trong điện thoại, nghệ nhân này cho biết sắp có một sự kiện lớn và muốn đem tre bonsai của anh đến trưng bày.
Sau đó, nghệ nhân Cao Sơn đến vườn bonsai của anh Luân để chọn cây. Cho đến lúc chuyển các tác phẩm lên xe để mang đến điểm trưng bày, anh Luân vẫn không biết đó là sự kiện gì. Mãi cho đến khi chiếc xe chở cây dừng lại, anh mới biết các tác phẩm của mình được góp mặt trong không gian diễn ra tiệc trà giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Anh kể: “Ấn tượng đầu tiên của tôi là công tác an ninh tại nơi diễn ra tiệc trà vô cùng chặt chẽ. Rất may các tác phẩm bonsai của tôi đều được trồng hữu cơ. Khi biết tác phẩm của mình được trưng bày tại tiệc trà, tôi vô cùng hạnh phúc và vinh dự”.
Sau sự kiện này, "Lưỡng long chầu nhật" của anh Luân trở nên nổi tiếng. Tên tuổi của nam nghệ nhân cũng được biết đến nhiều hơn. Anh trở thành tâm điểm chú ý của những người yêu cây cả trong và ngoài nước.
Trong số này có những đại gia yêu cây, sẵn sàng mua lại "Lưỡng long chầu nhật" với bất cứ giá nào. Tuy nhiên, nam nghệ nhân vẫn từ chối.
Anh Luân tâm sự: “Sau khi nhận cây về từ sự kiện, tôi được nhiều người hỏi mua lại tác phẩm. Nhiều người nói chỉ cần tôi cho một con số, họ sẽ mang cây về. Tuy nhiên, tôi không đồng ý bán. Bán một tác phẩm đi có thể có được một số tiền để trang trải cuộc sống. Nhưng để có một tác phẩm trở thành kỷ niệm của cả một cuộc đời chơi cây cảnh là rất khó. Sau khi đem cây về, mọi người trong gia đình đều mong muốn tôi để lại, không bán đi với bất cứ giá nào. Do vậy tôi quyết định giữ lại tác phẩm để làm kỷ niệm”.
Minh Hoa (t/h)