Nguyễn Vĩnh Khương (SN 1992), dù từng trượt đến ba môn ở đại học tại Việt Nam, vẫn có thể giành được 3 suất học bổng toàn phần cho chương trình thạc sĩ tại Mỹ. Hãy cùng tìm hiểu bí quyết của chàng trai này nhé.
Trượt 3 môn ở Đại học nhưng không nản chí
Gặp gỡ với Nguyễn Vĩnh Khương chàng trai sinh năm 1992 trong những ngày anh chuẩn bị lên đường sang Mỹ, chúng tôi khá ấn tượng với cậu bé có đôi mắt sáng, khuôn mặt cương nghị. Khương chia sẻ, tới giờ anh vẫn nhớ như in khoảnh khắc biết mình giành được 3 suất học bổng toàn phần thạc sỹ tại Mỹ.
Khương sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, Khương là cậu bé ham học. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình ngày đó còn khá khó khăn, nên không cho phép anh có thể thực hiện giấc mơ du học, vì thế Khương tạm gác lại niềm đam mê dang dở.
Tốt nghiệp cấp 3, trúng tuyển vào chương trình Tiên tiến ngành Điện - Điện tử của ĐH Bách Khoa TP.HCM, Khương may mắn được học và làm việc với nhiều thầy cô có chuyên môn cao đã học tập ở nước ngoài trở về và cả các giáo sư đến từ đại học Illinois Urbana-Champaign (UIUC), Hoa Kỳ.
Cũng nhờ “cơ duyên” mà anh chàng 9X sớm tìm lại được giấc mơ ngày nào. Khương tiếp tục học tập, nghiên cứu và tích lũy hành trang để mình tiếp tục theo đuổi những gì đã ấp ủ.
Sau khi tìm hiểu các chương trình học bổng, Khương nhận ra rằng các nước châu Âu, đặc biệt là Mỹ thường không mấy hào hứng với cấp học bổng bậc thạc sĩ cho sinh viên bởi với thời gian 2 năm học, đó thật sự là quá ngắn ngủi để nghiên cứu sinh có thể hoàn thành đề tài nghiên cứu, thường đòi hỏi một thời lượng lớn, tầm 4-5 năm. Do đó, Khương tìm cho mình cơ hội bằng cách đi theo hướng nghiên cứu.
Lý giải điều này, Khương cho hay: “Mỹ khá thực dụng. Có nghiên cứu thì sẽ có làm được một cái gì đó như họ mong muốn, chứ chẳng ai dại gì giao tiền cho một người mà chỉ sang Mỹ học cho đủ giờ để thi tốt nghiệp rồi cầm tấm bằng trở về nước và chưa đóng góp được gì cho họ cả”.
Sau khi cân nhắc Khương quyết định nộp hồ sơ chương trình học bổng VEF (Vietnam Education Foundation) của Chính phủ Hoa Kỳ dành riêng cho sinh viên ngành STEMM (Khoa học - Công Nghệ - Kỹ Thuật - Toán Học - Y Khoa) theo học sau đại học tại các trường đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ.
Dù thế, Khương khá hoang mang bởi anh chàng từng có tiền sử rớt 3 môn ở bậc đại học. Chưa hết, điểm trung bình của Khương chỉ vừa đủ 7.01, (điểm chuẩn để nộp hồ sơ VEF là 7.0/10), IELTS vừa đủ 6.5 và GRE cũng chỉ lại…vừa đủ 294 (điểm chuẩn là 290).
Tuy nhiên, hiểu được mấu chốt vấn đề Khương đã tìm được “điểm sáng” cho bộ hồ sơ của mình. Bởi Khương nhận thấy, mỗi ứng viên nộp đơn cho chương trình học bổng VEF đều được đánh giá toàn diện.
Mỗi hồ sơ chỉ cần đủ điểm yêu cầu là được xét, vì suy cho cùng thì điểm số chỉ đóng một phần rất nhỏ trong việc thể hiện năng lực của ứng viên. Điều quan trọng là những điểm nhấn trong hồ sơ, thuyết phục với những người trao học bổng rằng bạn là ứng viên xứng đáng mà quỹ học bổng đang tìm kiếm.
Giành 3 suất học bổng toàn phần thạc sĩ Mỹ
Hiện tại, Khương đang là nghiên cứu sinh chương trình thạc sĩ ngành Kỹ thuật Điện (Master of Science in Electrical Engineering) tại University of Arkansas. Ngoài đại học này, chàng trai Việt còn được nhận học bổng có giá trị xấp xỉ tương đương từ Mississippi State University và University of North Carolina at Charlotte.
Tuy nhiên, anh đã chọn ngôi trường này vì sự ngưỡng mộ đối với quê hương của cựu tổng thống Bill Clinton, của giáo sư Fulbright, và của tỷ phú Sam Walton.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có những thất bại Khương không nản chí, bởi Khương hiểu rằng, anh chàng cũng có những ưu điểm nổi bật trong quá trình học tập của mình. Đó chính là những kinh nghiệm làm việc và các công trình nghiên cứu khoa học.
Bởi theo đuổi nghiên cứu khoa học nên trong bài luận, chàng trai Việt chủ yếu chia sẻ về mảng học thuật. Với Khương việc được nói về những điều mình đam mê là điều hạnh phúc nhất.
Bài luận của Khương có nói về lần đầu được làm trợ giảng cho giáo sư Alvarez đến từ đại học Illinois. Tiếp đó, Khương chia sẻ về kinh nghiệm làm kỹ sư nghiên cứu phát triển giải pháp năng lượng sạch của tại một doanh nghiệp hàng đầu về mảng năng lượng xanh tại Việt Nam trong hơn 1 năm.
Để tăng tính thuyết phục, anh chàng không quên trình bày mong muốn của mình ở ngôi trường mới – University of Arkansas, về định hướng nghiên cứu, về giáo sư mong muốn được làm việc cùng và cuối cùng là sự cam kết khi được nhận vào học tại trường với tư cách là một ứng viên từ quỹ học bổng VEF.
Chia sẻ vì sao lại chọn nước Mỹ làm nơi du học, Khương cho biết bản thân anh là sinh viên Chương trình Tiên Tiến, một chương trình thực hiện theo giáo trình của đại học Illinois nên được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chính vì thế, sau khi hoàn tất bậc kỹ sư, Khương muốn theo học ở một chương trình thạc sĩ tại nước ngoài, để không phung phí vốn ngoại ngữ mà mình đã tích lũy trong 4 năm đại học.
Bản thân Khương cũng có nộp hồ sơ và đậu học bổng toàn phần của đại học Seoul Tech (Hàn Quốc) cùng với đại học NTUST (Đài Loan). Tuy chương trình học của họ có sử dụng tiếng Anh, nhưng để sinh hoạt ở những quốc gia này, cần phải biết ngôn ngữ bản địa. Ngoài ra, nước Mỹ vốn được biết đến như một nền giáo dục hàng đầu thế giới, do vậy nước Mỹ vẫn là ưu tiên cao hơn so với các nước châu Á trong danh sách những quốc gia mà Khương muốn đặt chân đến để học hỏi những điều mới mẻ.
Sau thành công của bản thân, Khương muốn chia sẻ với các bạn sinh viên đã và đang có ước mơ đạt học bổng rằng, khi muốn nghĩ đến vấn đề săn học bổng, thì đầu tiên phải biết được đối tượng mà mình muốn “săn” là đối tượng nào, có phù hợp với ngành học của mình hay không, nếu không đủ điều kiện để đậu học bổng đó thì bạn cần có một kế hoạch dự phòng hoàn hảo.
Khi đã xác định rõ mục tiêu mình cần đạt học bổng A hay bất kỳ học bổng nào thì xem kỹ tiêu chí lựa chọn của họ, cố gắng đạt được tất cả những điều kiện tối thiểu để được xét học bổng và sau đó là tự tìm điểm nhấn trong hồ sơ của mình. Những điểm nhấn đó cần vượt quá sự mong đợi của những người cấp học bổng, càng ấn tượng thì cơ hội để bạn được chọn sẽ càng cao.
Khương cũng chia sẻ, sau khi hoàn tất chương trình học, Khương dự định sẽ có khoảng thời gian 2 năm tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu tại một đại học ở Việt Nam theo như đã cam kết với quỹ VEF, sau đó tùy vào điều kiện môi trường nghiên cứu mà Khương sẽ có sự lựa chọn những bước tiếp theo cho tương lai của mình.
Thanh Bình- Tiến Mạnh