Từ bán bánh dạo thành "kình ngư" cứu hộ
Hòa bình lập lại được vài năm, chàng trai xứ Huế cùng gia đình chuyển vào Hậu Giang sinh sống. Nhà có tới 9 người con, tài sản lại chẳng có gì đáng giá, thành thử mọi thành viên trong gia đình đều phải gồng mình cho cuộc mưu sinh. Hồ Tân tật nguyền nên hàng ngày chỉ được giao đội trên đầu mẹt bánh cam, bánh dừa… lọc cọc đi khắp các hang cùng ngõ hẻm thuộc thị xã Ngã Bảy bán kiếm đồng tiền lẻ phụ giúp gia đình. Dù tật nguyền từ nhỏ nhưng chẳng việc gì Tân không làm được. Chàng trai xứ Huế còn có biệt tài bơi lặn như một con rái cá, anh có thể vượt bùng binh sông Ngã Bảy và lặn hụp hàng giờ dưới đó.
Chiều chiều, sau khi đã bán hết mẹt bánh mẹ giao, Tân cùng các bạn thả mình lặn hụp, bơi lội dưới dòng kênh đến tận lúc tối lên đèn mới lên bờ. Rồi, trong một chiều như thế, bất chợt Hồ Tân được chứng kiến cảnh chìm ghe của vợ chồng người thương binh trú tại xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp).
Vợ chồng anh này đi làm mướn trên đường trở về nhà thì gặp nạn. Hôm đó, họ được chủ trả cho công làm cả tháng là 14 bao lúa, đến đoạn bùng binh dòng sông Ngã Bảy, bất ngờ bị một đợt sóng nhồi của con tàu trọng tải lớn chạy với tốc độ cao nhấn xuống dòng sông. Do sóng to bất ngờ ập đến nên ghe lúa chìm rất nhanh, vợ chồng người thương binh chỉ kịp bơi vào bờ thoát chết, nhưng ghe lúa chìm nghỉm dưới lòng kênh sâu.
Đang bơi lặn gần đó, Hồ Tân lao đến chỗ ghe vừa chìm. Nín hơi lặn một mạch xuống dòng nước, Tân xác định đúng vị trí chiếc ghe rồi lần lượt từng bao một cứ thế vác lên. Kể về câu chuyện lần đầu tiên trục vớt này, Tân cười sảng khoái: "Cái đoạn chân thọt của tui vậy mà có tác dụng, cứ bỏ bao đặt lọt vào khoảng giữa hai chân rồi dùng đoạn chân trái tý xíu ấy kẹp lại như thể đoạn dây chằng ngang chắc như nêm tha hồ mà di chuyển!".
Tân cho biết, do sông sâu lại trúng vào mùa mưa lũ nước chảy mạnh, tối đó anh bị một trận lạnh ghê gớm. Về nhà mệt mỏi rã rời, không muốn ăn uống gì nhưng vẫn rất vui. Phần vì đã làm được một việc thiện, phần vì qua lần trục vớt này anh đã khám phá thêm được khả năng của bản thân mình. Công việc trục vớt cứu hộ có lẽ hợp với anh hơn. Từ đây, Tân bỏ hẳn việc bán bánh cam, bánh dừa để chuyển sang nghề cứu hộ ghe, tàu đắm trên các dòng sông.
"Kình ngư" Hồ Tân
Mỗi mùa mưa lũ, khu vực sông nước Tây Nam Bộ, tai nạn chìm ghe, chìm xuồng nhiều vô kể. Tại khu vực Chợ nổi trên dòng kênh Ngã Bảy việc ghe xuồng chìm xảy ra như cơm bữa. Ghe tam bản chở khẳm đang lưu thông xuôi dòng, có tàu chở nặng công suất lớn chạy qua sóng vỗ tới ghe nhỏ bẻ lái không kịp, nước ào vào ghe chìm.
Ghe, tàu chạy trong đêm thiếu hệ thống chiếu sáng, đi sai luồng lạch đụng chướng ngại vật… chìm. Ghe chở vật liệu xây dựng neo đậu tại bến, thủy thủ lên bờ nhậu nhẹt quên thăm nước nổ máy bơm, nước vào ngập vật liệu cũng khiến chìm ghe. Ghe đang chạy ngon trớn, trục trặc máy thả trôi dòng nước vào bơm không hoạt động cũng… chìm.
Ấy là chưa kể đến tai nạn do mưa bão, trời gầm. Mỗi lần như vậy người ta lại tìm đến Hồ Tân. Dường như tên anh đã thành "thương hiệu" của vùng sông nước này. Tân cho biết: "Anh không chỉ trục vớt ở khu vực dòng kênh Ngã Bảy mà còn ở nhiều nơi khác như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số huyện thuộc tỉnh Hậu Giang. Đến nay, sau hơn ba mươi năm hoạt động, Tân đã trục vớt tới hàng ngàn chiếc ghe, tàu đắm".
"Người hùng" trên sông nước
Tôi hỏi về dụng cụ để làm nghề, anh chỉ về phía chiếc ghe tam bản mỏng manh cách đó không xa. Quan sát kỹ, thấy trên đấy chỉ có một lốc máy bơm hơi nhỏ xíu chạy dầu cùng với một máy đuôi tôm chạy ghe cùng với một số ống nhựa nhỏ được xếp gọn gàng cạnh máy nén hơi. Khá ngỡ ngàng, tôi hỏi: "Chỉ có bấy nhiêu dụng cụ mà ông nói trục vớt được cả tàu vận tải cỡ vài trăm tấn? Liệu có dóc không đây cha nội?". Nở nụ cười hiền, anh bảo: "Dóc láo anh làm chi! Tui làm nhiều rồi chứ đâu!".
"Chả có tật nhưng có tài lắm đó. Chú không tin, bảo nó làm thử cho coi!", ông Huỳnh Văn Bé (một thợ rèn nhà ở Doi Tân Thái Hòa cùng phường Ngã Bảy) nãy giờ ngồi nghe câu chuyện giữa tôi và Tân phụ họa thêm. Ông Bé cho biết, Tân có thể lặn làm việc được ở dưới lòng sông cỡ vài giờ đồng hồ là chuyện thường.
Hỏi anh về việc này Tân gật đầu xác nhận, anh cho biết cách đây chưa lâu có một tàu chở vật liệu xây dựng của chủ dưới Cà Mau chạy qua đây, do đụng phải chướng ngại vật bị chìm ở đoạn gần Cầu Quay. Người này nhờ anh giúp. Tân đã phải kêu thêm bốn thanh niên lực lưỡng làm trong suốt một tuần liên tục mới cho tàu nổi được trở lại. Lần trục vớt này đã để lại cho anh một ấn tượng đáng nhớ.
Anh kể: "Tàu vận tải gặp tai nạn thuộc loại lớn, cỡ vài trăm tấn. Tàu chở trên đó nhiều loại vật liệu xây dựng như: Tôn lá (chừng hơn ngàn tấm), xi măng, cát đá… khi đang chạy thì đột ngột va phải chướng ngại vật tàu nghiêng hẳn về một bên rồi chìm. Do độ nghiêng của con tàu rất lớn nên tôn, các bao xi măng… xếp trên đó lập tức văng ra bịt chặt lối lên của một thủy thủ đang có mặt trên tàu".
Khi nhận việc, anh cũng đã được người chủ trao đổi kỹ về việc này. Theo yêu cầu, Tân phải nhanh chóng tìm cho bằng được xác người đã chết để đưa đi mai táng. Tân nhận lời, anh cùng với những người phụ việc làm liên tục trong ba ngày liền. Mặc dù đã lục soát rất kỹ khu ca bin, rồi các ngóc ngách trong hầm tàu để tìm xác nạn nhân xấu số nhưng vẫn không sao tìm thấy.
Đến ngày thứ tư, khi lôi được những tấm tôn cuối cùng ra khỏi tàu, bất ngờ trong một hóc hẻm nào đó của con tàu, xác chết bỗng đánh vèo một cái vọt nổi lên trên mặt nước. Mấy người phụ việc quá sợ hãi, bơi vội vào bờ dong thẳng bỏ một mình Tân ở lại chịu trận. Rồi, cũng phải mất thêm ba ngày nữa công việc trục vớt con tàu chở vật liệu này mới hoàn thành.
Mình khổ một, người khác khổ mười Tân kể, nhiều khi nguy hiểm rình rập. Có hôm vừa lặn xuống tự nhiên thấy mất dưỡng khí khó thở, lại có hôm do lặn sâu quá anh bị vọp bẻ (chuột rút) cứng đơ người. Làm nghề thợ lặn vất vả vậy mà còn nghèo rớt mồng tơi. Trục vớt một ghe chở củi chừng một trăm khối anh phải làm hai ngày, tiền dầu chạy máy nén hơi tốn chừng hai trăm ngàn nhưng tiền công cũng chỉ được 500 ngàn đồng. Trục vớt một ghe chở vật liệu làm liên tục ba bốn ngày công giỏi lắm chưa đến 1 triệu đồng… Tuy vậy, Tân chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. "Có những lần gặp chiếc ghe chìm do dòng nước chảy xiết tài sản trôi đi hết, anh chỉ còn vớt được vài thứ lặt vặt. Nhìn chủ ghe ngồi khóc mà thấy đắng trong lòng. Mình đã khổ một, người ta còn khổ gấp mười. Nghĩ vậy nên anh trở về mà không lấy một đồng tiền công", Tân tâm niệm. |
Nam Hồng - Anh Văn