Phạm Minh Tuấn, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), trong kỳ nghỉ hè đầu tiên của năm thứ nhất, một người bạn quê ở xã Quỳnh Phương đã rủ Tuấn về nhà chơi. Lần đầu tiên bước chân tới vùng biển Quỳnh Phương, Tuấn rất thích thú với cuộc sống của người dân nơi đây. Con người nơi đây chan hòa, gần gũi và mến khách. Vào một buổi sinh hoạt Đoàn tại địa phương, Tuấn đã gặp một cô sinh viên Khoa Du lịch, Đại học dân lập Đông Đô, quê ở Quỳnh Phương, cũng về quê nghỉ hè. Từ đó, cả hai tìm hiểu và dần dần họ yêu nhau, thề non hẹn biển.
Anh Phạm Minh Tuấn
Sau gần một tháng nghỉ hè ở Quỳnh Phương, Tuấn và người bạn thân tiếp tục ra Hà Nội để học. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui khi được thả mình vào cuộc sống đời thường cùng với người dân vùng biển, với Tuấn, anh không thể bỏ qua việc quan sát, cảm nhận về môi trường ở nơi đây. Đặc biệt là vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường cho cuộc sống của người dân. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy đủ thức các loại rác thải được người dân tập kết bừa bãi, không hợp lý. Rời Quỳnh Phương mà trong suy nghĩ của Tuấn băn khoăn một điều rằng, không biết, lúc nào thì rác thải ở đây mới được thu gom và xử lý cho hợp vệ sinh môi trường?.
Sau bao năm dày công ăn học, Tuấn tốt nghiệp Đại học với tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại khá, Khoa công nghệ thông tin và trở thành giảng viên của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây. Sau khi ổn định công tác giảng dạy, Tuấn và cô sinh viên - khoa du lịch ngày nào đã nên vợ thành chồng. Cứ vào dịp nghỉ hè, Tuấn cùng vợ về thăm quê và để nghỉ mát, nhưng khổ nỗi là lần nào về đây đều chứng kiến cảnh rác thải tràn ở khắp mọi nơi. Rác từ bãi biển cho đến các đoạn đường, ngõ xóm, nơi đâu cũng thấy rác thải xen lẫn với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cứ vào lúc hoàng hôn xuống, bà con lại dừng xe trên cầu, nhìn trước ngó sau, không thấy người là hất ngay mấy bao tải rác xuống sông. Cả một khúc dài sông Hoàng Mai lềnh phềnh toàn rác. Chính những hình ảnh đó, bao đêm anh Tuấn nằm suy nghĩ và đọc trên sách báo để tìm ra các phương pháp để xử lý vấn đề rác thải đó.
Quỳnh Phương là một vùng kinh tế năng động, có bãi biển đẹp đẽ, đền Cờn linh thiêng, hàng năm đón bao nhiêu khách du lịch, tham quan từ thập phương. Tuy nhiên, trình trạng rác thải ở vùng quê này vẫn đang là vấn đề nan giải, chưa có cách xử lý. Chính vì thế mà anh Phạm Minh Tuấn đã quyết định rời bỏ công việc giảng dạy của mình để về xã Quỳnh Phương mở công ty môi trường đô thị Hoàng Mai với mong muốn sẽ có cách thu gom và xử lý rác thải hợp lý giúp người dân ổn định cuộc sống.
Anh Phạm Minh Tuấn- giám đốc công ty môi trường đô thị Hoàng Mai cho hay:“Trong năm 2013, công ty cố gắng mở rộng phạm vi thu gom hết các xã trong huyện Quỳnh Lưu. Song song với việc mở rộng thu gom, công ty xây dựng kế hoạch và tìm hiểu công nghệ để có thể đưa ra những công nghệ tốt nhất để xây dựng nhà máy xử lý rác thải phục vụ huyện Quỳnh Lưu cũng như các huyện trong tỉnh Nghệ An”.
Khi chưa thành lập công ty, UBND xã cũng lập tổ thu gom rác tự quản, mỗi nhà đóng một ít tiền để trả công cho những người thu gom. Nhưng hố rác của xã lại không thể xử lý được, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, không ai chịu nổi. Ruồi nhặng bu kín cả xóm, ăn cơm phải buông màn. Năm 2009, bà con ở xóm Tân Phong, nơi có hố rác đã kéo nhau lên xã để phản đối. Việc thu gom rác buộc phải dừng. Rác thải tồn đọng ngày càng nhiều, trong khi không có cách để thu gom, xử lý khiến rác ngập đường làng.
Quỳnh Phương là một xã ven biển có nền kinh tế phát triển mạnh với đa dạng các nghành nghề, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Vì thế, mỗi tháng số lượng rác thải ở Quỳnh Phương thải ra môi trường trên 500m3 rác/ tháng và gấp 3 lần so với những xã khác. Từ khi thành lập công ty đến nay, trình trạng rác thải ứ đọng không còn xuất hiện. Đường làng ngõ xóm hai bên càng ngày sạch sẽ, dọc bên bãi biển rác thải cũng được thu gom hợp lý không còn tái diễn cảnh người đi chung với rác. Bác Nguyễn Thị Hương, một người dân thôn Quang Trung phấn khởi nói: “ Trước đây, rác nhiều lắm chú à, nhưng từ ngày có công ty chú Tuấn thì rác thải được thu gom hết, đường làng ngõ xóm sạch sẽ. Người dân chúng tôi rất ủng hộ và sẵn sàng đóng góp phí vệ sinh môi trường đầy đủ cho công ty”.
Để làm được được điều đó, công ty đã tổ chức 3 ngày/ tuần với 6 công nhân thường xuyên đi thu gom rác tại từng hộ gia đình cho đến các đoạn đường, ngõ xóm. Sau khi thu gom xong, rác được tập kết về bãi trung chuyển rồi được một xe vận tải lớn đưa về bãi rác tập kết ở xã Ngọc Sơn cách xã Quỳnh Phương 30 km. Nhận thấy tác hại của rác thải gây ô nhiễm môi trường, ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn môi trường đã được nâng cao hơn. Ông Nguyễn Văn Hạnh- tổ trưởng tổ công nhân công ty môi trường đô thị Hoàng Mai cho biết: “Khi làm thì mình xác định giúp cho dân, khi thành lập công ty thì anh em công nhân rất nhiệt tình làm, làm cho hết sức của công nhân và thu gom hết rác cho người dân, công nhân ít, rác thải quá nhiều”.
Với anh Tuấn, công việc đang làm sẽ tiếp tục nhân rộng các xã trong toàn huyện. Khi đã xin được dự án, nguồn vốn của cơ quan doanh nghiệp thì công ty sẽ đầu tư một dây chuyền xử lý rác mini để chế biến phân vi sinh. Ông Nguyễn Văn Châu, chủ tịch UBND xã Quỳnh Phương cho biết: “ Chúng tôi sẽ phối hợp với Công ty để làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Ngoài ra, kêu gọi người dân ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh và xin cấp trên kinh phí để công ty phát triển trong tương lai”.
Những việc làm của anh Phạm Minh Tuấn thể hiện một quyết tâm cao, gương sáng trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường. Trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng một dây chuyền xử lý rác mini để chế biến phân vi sinh, và mở rộng hoạt động đến 6 xã vùng ven biển Quỳnh Lưu. Để ước mơ của anh sẽ trở thành hiện thực thì rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, đặc biệt là ý thức của người dân trong việc xây giữ gìn vệ sinh môi trường góp phần xây dựng cuộc sống xanh sạch đẹp.