Xuất phát từ kỉ niệm tuổi học trò
Liên lạc được với Dũng sau khi tìm qua một vài kênh thông tin, tôi ngỏ ý muốn gặp gỡ và trao đổi với anh. Những tưởng Dũng sẽ đồng ý gặp tôi ở xưởng của mình nhưng sau cùng chúng tôi lại gặp nhau ở một quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh vì anh... không có xưởng.
Thông tin về Dũng không nhiều, chỉ một vài dòng ngắn ngủi trên mạng nên tôi khá bất ngờ bởi vẻ "quê" và chân chất của anh. Cười thẹn thùng khi tôi gọi là nghệ sĩ, Dũng chỉ bảo: "Mình làm chỉ vì sự yêu thích, đam mê chứ không nghĩ đến những mục đích to lớn đến vậy".
Xem những chiếc xe đạp mini đủ màu sắc của Dũng, những chiếc xe chỉ bằng bàn tay người nhưng chắc chắn, mô phỏng giống hệt chiếc xe ngày thường, tôi khá thích thú. Tuy nhìn qua, những chiếc xe đều có kết cấu giống nhau, kích cỡ như nhau nhưng thực chất lại không như vậy. Chỉ khác đi một chút về đường nét vẽ, về phối màu, chiếc xe đã tạo nên những ấn tượng mới rất khác.
Dũng “xe đạp mini”
Sau một hồi hỏi chuyện, tôi mới vỡ lẽ: Hoá ra đường Nguyễn Chí Thanh cũng là một trong những "địa bàn" buôn bán của Dũng trước kia. Vỉa hè nơi đây chính là nơi Dũng "trình làng" những chiếc xe đạp mini của anh với công chúng.
Cách đây chừng 8 năm, khi Dũng còn là một cậu sinh viên đại học Công nghiệp, vì điều kiện gia đình khó khăn, anh phải xoay xở ra vừa học vừa làm thêm. Lúc ấy, trong gia đình lại có chuyện, các chú, các anh của Dũng trở thành thất nghiệp sau khi xưởng máy của họ phá sản. Vốn có nghề hàn, gia đình cũng xoay xở làm cái này, cái kia nhưng đều không mấy hiệu quả. Lúc ấy, Dũng bàn với chú làm thử những chiếc xe đạp mini, mô phỏng lại đúng chiếc xe bình thường để đi bán xem sao. Nguyên liệu làm xe lấy từ những chiếc dây thép phơi bỏ đi, những chiếc vỏ hộp sắt tây, lon bia, hộp sữa,... đã qua sử dụng để tái chế lại. Dũng đưa ra ý tưởng và chú ruột của anh là người trực tiếp thực hiện công đoạn hàn xì. Hai chú cháu kì cạch làm với nhau một ngày thì xong, từ việc cắt, tạo hình, ráp xe, hàn các mối lại để thành một chiếc xe thu nhỏ rồi sơn, vẽ. Tuy nhiên, vì chỉ có hai chú cháu nên công việc thực hiện khá chậm.
Việc cắt, tạo hình cho xe tương đối dễ, chỉ đến công đoạn gắn cho chiếc xe mới là vấn đề lớn. Ban đầu, ngoài những bộ phận như khung xe Dũng mới dùng tới mối hàn còn như gác-đờ-bu và yên xe thì anh lại dùng keo 502 để dán. Sau đó một thời gian, cảm thấy những mối dán keo không được chắc chắn lắm, Dũng quyết định hàn tất cả. Việc này đồng nghĩa với công sức và sự tỉ mỉ càng cao. Nếu như chỉ làm gia công, có đồ để bán thì dễ nhưng Dũng kiên quyết làm cho đẹp, ít nhất cũng phải có thẩm mỹ và giấu được mối hàn. Những vệt sơn đầu còn hơi thô, nhưng càng làm về sau càng mịn màng, những chiếc xe cũng sống động và đẹp hơn rất nhiều.
Lô xe đầu tiên hoàn tất, Dũng lại tất tả lo chuyện bán. Đóng hết vào một chiếc thùng các tông, Dũng bắt xe bus đem vào phố. Anh chọn những địa điểm khá "nhạy cảm" như khu vực đèn đỏ là nơi tập trung nhiều người, tạo nhiều sự chú ý nhưng cũng hay bị... cảnh sát rượt nhiều nhất. Chọn được một góc ở công viên Thống Nhất, Dũng trải bạt ra rồi bày những chiếc xe lên trên. Người đi đường thấy lạ, túa vào xem. Người khen, người chê đủ kiểu. Chỉ bán 15 nghìn đồng một chiếc xe nhưng nhiều người cứ lắc đầu: Sao đắt thế, toàn dùng nguyên liệu bỏ đi mà bán đắt quá. Có người lại thắc mắc: Xe làm kì công như này mà bán như vậy thì quá rẻ, cháu phải nâng giá lên... Dũng chỉ ngồi cười.
Một chàng trai trẻ, mới làm ra sản phẩm đầu tay, được người ta khen, chê cũng là vui lắm rồi. Khách hàng là thượng đế nên hễ khách có yêu cầu là anh lại phải sửa ngay theo ý khách. Trong thùng hàng của Dũng bao giờ cũng có thêm một vài hộp sơn, chổi quét để "đổi áo" cho xe. Những khách hàng khó tính nhất phải kể đến những cô gái trẻ, lúc thích thế này, lúc thích thế khác nhưng nhiều khi nghĩ lại, Dũng cũng thấy thú vị. Làm theo yêu cầu của khách không phải lúc nào cũng thấy phiền phức mà trái lại Dũng còn nhận ra được nhiều điều thú vị để cải tiến hình ảnh của chiếc xe.
Thấy công việc hiệu quả, cả gia đình mới cùng hỗ trợ cho Dũng làm xe. Cả bố, cả anh trai cùng làm. Làm thủ công, cho dù khi đã quen tay thì một nhóm thợ 3-4 người làm nỗ lực trong ngày, chỉ tính riêng công sơn thôi cũng chưa thể đến 100 chiếc/ngày, đó là chưa kể đến công đoạn cắt, lắp, hàn. Mỗi ngày, Dũng vừa đi học vừa đi bán hàng. Buổi sáng, xách cặp sách, đem thùng hàng ra bến xe bus gửi cô hàng nước quen rồi lên giảng đường. Tan học, anh lại mau chóng trở ra, nhận hàng, gửi cặp sách rồi bắt xe về phố.
Dũng bán xe từ năm 2004 đến 2008 thì ngừng, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của những nơi quen biết. Lý do cũng đơn giản: Khi có một sản phẩm bán chạy, lập tức có những người khác đổ xô vào làm theo. Những sản phẩm ăn theo này nhờ được đầu tư vốn nhiều hơn nên mẫu mã cũng đa dạng và đẹp, trái lại chất lượng thì ngày càng tệ. Không cạnh tranh được với thị trường, Dũng dừng lại, chỉ làm những sản phẩm thủ công chất lượng cao. "Làm vì niềm vui, vì kỉ niệm là chính. Giờ ra trường, có công ăn việc làm rồi, xe đạp mini lại càng phải chú ý về chất lượng hơn. Làm ít nhưng để người khác có thể phân biệt được đâu là xe của Dũng, đâu là xe của người khác mới khó".
Xe đạp và xích lô được tạo từ những vật bỏ đi của Dũng.
Vẫn tiếp tục những sáng kiến từ... phế thải
Ngồi nói chuyện với chúng tôi còn có người yêu của Dũng. Ngại ngùng khi tôi hỏi chuyện cưới xin, chị "đánh trống lảng" hỏi tôi về những chiếc xích lô làm bằng xích xe của Dũng. Tôi hơi ngạc nhiên về tiết lộ này. Hỏi ra mới biết, Dũng mới hoàn thành một lô 10 chiếc xích lô được tạo hình từ những mắt xích xe bỏ đi ở các cửa hàng sửa chữa xe máy. Thú vị hơn nữa là chiếc xe đầu tiên lại được làm ra nhân kỉ niệm dịp... hai người giận nhau.
Sau khi ra trường, Dũng nhận một công việc chuyên phân phối dầu nhớt cho hãng Petrolimex, anh có dịp đến nhiều cơ sở sửa chữa xe ô tô, xe máy. Thấy những chiếc xích xe đã cũ, rệu rã không còn dùng được nữa vứt lăn lóc khiến Dũng suy nghĩ về việc tái chế. Bình thường, những chiếc xích này chỉ còn một cách là đem bán sắt vụn. Dũng ngỏ ý xin về và mày mò làm.
Thấy xích xe cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, Dũng thử uốn theo ý mình. Ban đầu còn thấy khó, nhưng về sau, Dũng cố tạo hình theo ý tưởng có sẵn. Một thời gian, chiếc xích lô đầu tiên ra đời đúng ngày Dũng và người yêu giận nhau. Chiếc xe được đem ra làm món quà giảng hoà nhưng ngay sau đó, khi mang lên Bookworm thì lại bị "dụ" đem ra làm hàng bày mẫu rồi lại bị "dụ" bán vì thế anh không giữ lại được.
Tôi hỏi chị có giận không, không ngờ lại được nghe chị kể rất nhiều về chiếc xe một cách thích thú. Về sau, người bạn gái này cũng đã cùng Dũng thực hiện những ý tưởng mới của anh. Chị trực tiếp tham gia sơn xe và hiện gờ chị cũng đã là một tay sơn xe có nghề. "Nhưng chỉ sơn xe cho Dũng thôi", chị cười nói.
Trước khi tạm biệt, tôi được Dũng và người yêu tiết lộ việc sắp tới, hai người sẽ cho ra mắt một sản phẩm mới, thú vị hơn trên cơ sở một sản phẩm truyền thống có từ trước. "Mình làm những thứ người ta chưa làm. Cái người ta làm rồi thì mình bỏ đi làm cái khác. Ấy mới là cạnh tranh" - Dũng cười nói, mắt lấp lánh niềm vui.
Đỗ Huệ