Thương hiệu Ê Đê Café vững bước trên đường phát triển
Chiều 8/1, ông Y Jú Apuốt, Chủ tịch UBND xã Dray Sáp (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, một người dân trên địa bàn vừa kêu gọi được số vốn 5 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh.
Người vừa kêu gọi được số vốn “khủng” nói trên là anh Y Pốt Niê (SN 1988), người Ê Đê phát triển thương hiệu Ê Đê Café, trụ sở tại xã Dray Sáp.
Năm 2014, anh Y Pốt tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Đà Nẵng, chuyên ngành y sĩ đa khoa. Đến năm 2017, sau một thời gian học liên thông tại Trường Đại học Y dược Huế, anh ra trường, cầm trên tay tấm bằng đại học bác sĩ chuyên tu và tiếp tục quay trở lại Tp.HCM làm việc.
Đến năm 2019, chàng trai Ê Đê quyết định trở về quê hương và bắt đầu kinh doanh cà phê. Cũng từ đây, thương hiệu Ê Đê Café do anh Y Pốt xây dựng đã có mặt trên thị trường.
Quá trình sản xuất, chàng tranh trẻ không ngừng nỗ lực thực hiện “cuộc cách mạng” cho gia đình, người thân và người dân địa phương chuyển canh tác cà phê truyền thống, chủ yếu sử dụng phân hóa học sang sản xuất cà phê sạch (hữu cơ). Theo đó, hạn chế sử dụng các loại phân hóa học, đặc biệt là các loại thuốc phun trực tiếp vào cây cà phê, thay vào đó sử dụng phân vi sinh.
Một năm sau, Ê Đê Café được Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ cấp giấy chứng nhận “Đạt top 10 – thương hiệu nhãn hiệu uy tín 3 miền, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao”. Tiếp đó, năm 2021, Ê Đê Café đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao giấy chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”.
Đặc biệt, tháng 12/2021, sản phẩm cà phê bột Robusta của anh Y Pốt đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận Ocop 4 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.
Đáng nói, các sản phẩm mang thương hiệu Ê Đê Café không chỉ được tiêu thụ trên toàn quốc mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới theo đường tiểu ngạch như: Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hà Lan... Thậm chí, không ít khách nước ngoài đã tìm đến tận nơi để tìm hiểu về quy trình sản xuất cà phê của Y Pốt và mua sản phẩm mang về nước sử dụng.
Với những kết quả đạt được, anh Y Pốt được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022; Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng Bằng khen là Thanh niên dân tộc, tôn giáo tiêu biểu năm 2023.
Kêu gọi vốn đầu tư để viết tiếp ước mơ
Vừa qua, anh Y Pốt đã tham gia chương trình gọi vốn trên truyền hình với mong muốn tìm nhiều cơ hội phát triển thương hiệu và mở rộng quy mô để lan tỏa Ê Đê Café.
Tại chương trình, dự án và tinh thần khởi nghiệp của anh Y Pốt Niê đã nhận được sự khen ngợi, động viên từ các nhà đầu tư. Kết quả, anh Y Pốt đã kêu gọi thành công số vốn 5 tỷ đồng (gồm 2,5 tỷ đồng cho 15% cổ phần và 2,5 tỷ đồng là khoản vay chuyển đổi không tính lãi) và nhận được tấm vé Golden Ticket thưởng nóng 100 triệu đồng đến từ nhà đầu tư.
Trở về Đắk Lắk sau chương trình gọi vốn, anh Y Pốt bắt tay ngay vào việc mở rộng quy mô kho xưởng, nhà máy sản xuất cà phê.
Anh Y Pốt Niê chia sẻ, trước đây vì kinh tế hạn hẹp, anh chưa thể phát huy hết tiềm lực kinh doanh. Do đó, khi có thêm vốn, anh tận dụng để tập trung sản xuất mặt hàng cà phê rang khói, đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo anh Y Pốt, cà phê rang khói là loại cà phê được rang thủ công theo cách cổ truyền của người dân tộc Ê Đê. Thời gian qua, loại cà phê này được nhiều bạn hàng ưa thích vì có hương vị đặc trưng, đậm đà, riêng biệt.
Đây là công thức rang cà phê mà anh tiếp thu từ thời ông cha truyền lại và cải tiến thêm. Với số vốn vừa kêu gọi được, anh sẽ đẩy mạnh sản xuất cà phê rang khói để tung ra thị trường. Đồng thời, mở rộng vùng sản xuất cà phê hữu cơ nguyên liệu từ 50ha hiện có lên 200ha.
Theo ông Y Jú Apuốt, Chủ tịch UBND xã Đray Sáp, Y Pốt là một thanh niên có đam mê và sự nỗ lực rất lớn trong quá trình khởi nghiệp. Việc sản xuất cà phê hữu cơ của anh Y Pốt trong thời gian qua đã góp phần rất lớn trong việc giúp người dân thay đổi nhận trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, người dân đã nhận ra, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ nâng cao chất lượng mà đầu ra của sản phẩm luôn ổn định và giá thành cao hơn so với sản xuất bằng phân, thuốc hóa học.
Chủ tịch UBND xã Đray Sáp cũng cho hay, việc anh Y Pốt mở rộng vùng trồng cà phê hữu cơ là cơ hội để bà con trong buôn làng phát triển kinh tế. Do đó, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để anh Y Pốt mở rộng vùng liên kết sản xuất. Địa phương rất mong bà con sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp này để đem hương vị của cà phê Ê Đê ngày càng vươn xa hơn.
Khánh Ngọc