Chàng trai khiếm thính mơ trở thành 'phù thủy trang điểm'

Chàng trai khiếm thính mơ trở thành 'phù thủy trang điểm'

Thứ 7, 02/03/2013 21:19

Ước mơ lớn nhất của chàng trai khiếm thính sinh năm 1991 Nguyễn Thái Thành là một ngày nào đó, trở thành một "phù thuỷ trang điểm" trong lĩnh vực làm đẹp cho người.

Gian nan đường nghề

Tôi gặp Thành lần đầu tiên trong vòng bán kết cuộc thi đẹp cùng cây cọ vàng lần thứ nhất ở Hà Nội. Ấn tượng bởi nụ cười và phong cách trang điểm khá chuyên nghiệp của chàng trai bụ bẫm, trông như người Hàn Quốc, có nụ cười rạng rỡ và phong cách ăn mặc khá riêng này nhưng cũng khá tò mò vì khi trang điểm, Thành khác các thí sinh khác là người mẫu và chuyên gia gần như không trao đổi gì nhiều với nhau. Hỏi ra mới thấy bất ngờ hơn vì Thành là người khiếm thính, là thí sinh duy nhất không có khả năng nghe nói như mọi người, đó là lý do vì sao bên cạnh Thành luôn có một người bạn gái nhỏ để làm phiên dịch.

Đến cửa hàng nhỏ của Thành ở số 55 ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, là một cửa hàng nhỏ, thiết kế nhẹ nhàng nhưng khá đông khách. Thành đang mải mê với công việc cắt tóc cho một khách hàng trẻ tuổi. Tay kéo thoăn thoắt, tay lược tạo dáng, trông cách Thành làm việc giống như đang biểu diễn vậy. Cửa hàng ngoài Thành ra cũng chỉ có 2, 3 người là nhân viên, trong đó có một người khiếm thính cũng đang học nghề.

Khách hàng đến, có người đã quen với phong cách làm việc của quán cũng như của thợ nên cũng không cần phải trao đổi nhiều, có người chưa quen, cẩn thận hơn phải nhờ đến phiên dịch hoặc viết ra giấy. Tuy phiền phức như vậy nhưng mọi người đều cảm thấy rất vui bởi sự tận tình và vui vẻ của chính những nhân viên phục vụ trong cửa hàng.

Xã hội - Chàng trai khiếm thính mơ trở thành 'phù thủy trang điểm'

Chuyên gia trang điểm trẻ Nguyễn Thái Thành

Sinh ra tại Bắc Giang, là con út trong một gia đình có 3 anh chị em. Anh chị Thành đều là người nghe nói bình thường nên khi đón nhận cậu con trai út hoàn toàn không có khả năng nghe và nói đã khiến niềm vui của ba mẹ bị sẻ nửa.

Thấy con cứ cun cút chơi một mình, không bạn bè, đến tuổi đi học, ba dẫn đi khắp các trường trong tỉnh đều chỉ nhận được một cái lắc đầu. Ba lại dẫn Thành đến lớp học dành cho trẻ em khuyết tật trong tỉnh nhưng hiệu quả không cao bởi các thầy cô chủ yếu vẫn dạy bằng cách nói, Thành lại trở về nhà tự học, tự chơi.

Mãi đến khi 14 tuổi, gia đình, người thân mới có thông tin về trường Nhân Chính chuyên dạy học cho trẻ khuyết tật ở Hà Nội nên sắp xếp cho Thành lên theo học.

Đây là một bước ngoặt trong đời cậu vì ở đây có rất nhiều người có hoàn cảnh giống mình. Tuy không còn nhỏ nữa nhưng Thành cũng cảm thấy có phần tự ti vì các bạn đều có khả năng sử dụng ngôn ngữ kí hiệu khá nhanh còn mình thì gần như không biết gì.

Các thầy cô và bạn bè trong trường đã giúp Thành có khả năng được biểu lộ tất cả những suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của mình một cách dễ dàng hơn. Nhưng trình độ của người khiếm thính chỉ đến cấp 1, cấp 2 là phải dừng lại, Thành đành quay trở về Bắc Giang với gia đình.

Nghĩ ai cũng phải có một cái nghề để sống và để mình trở nên có ý nghĩa hơn, chính ba mẹ là người đầu tiên đã định hướng cho Thành theo học làm tóc. Đây cũng là một trong những nghề mà người khuyết tật thường lựa chọn. Nghĩ thì dễ nhưng thực hiện lại quá khó bởi vì khi xin học ở bất kì cửa hàng nào người ta cũng không hiểu được cậu sẽ học bằng cách gì.

Thành quyết định cứ chăm chỉ quan sát mọi người làm rồi thực hành nhiều để tay nghề khá hơn. Tuy nhiên lúc đó cậu chủ yếu vẫn chỉ là chân phụ việc.

Đến năm 2008, khi tay nghề đã khá hơn, Thành lại xin gia đình lên Hà Nội, xin vào làm nhân viên thực tập ở một cửa hàng lớn trên phố Khâm Thiên. Chủ cửa hàng bất ngờ nhưng thấy nhiệt huyết và thành tâm muốn học của cậu nên cũng bằng lòng dạy miễn phí. Kĩ thuật cắt ở đây so với ở Bắc Giang có sự cách biệt rất lớn, phải mất 2 năm Thành mới có thể theo kịp. Trình độ khá hơn, được trả những tháng lương đầu tiên, Thành đã ấp ủ cho mình một ước mơ riêng.

Cậu chuyển rất nhiều cửa hàng với mục đích nâng cao trình độ không ngừng. Chi tiêu tằn tiện vẫn không đủ tiền, cậu tìm đến những nhà tài trợ là cha mẹ, anh chị, bạn bè bày tỏ ước muốn lập một cửa hàng riêng. Trái ngược với dự đoán sẽ gặp phản đối của mọi người, Thành nhận được sự ủng hộ và động viên rất lớn. Với số tiền ít ỏi có được, cậu tìm thuê một địa điểm với giá phải chăng, sắm từng chiếc bàn, chiếc ghế, từng chiếc gương cũng tầm tầm, thế là bước ngoặt mới trong đời được thực hiện.

Trước đây, khi còn đi làm thuê, việc giao tiếp với khách hàng cũng đơn giản hơn, có thể nhờ bạn bè phụ giúp trình bày mong muốn của khách cũng như của mình. Đến giờ khi tách ra làm riêng, dù muốn thế nào bạn bè cũng không ở bên cạnh để hỗ trợ mình mãi được vì ai cũng có công việc riêng của mình.

Khách hàng sợ không thể trình bày ý tưởng của mình, phải viết ra giấy để trao đổi mình muốn gì, muốn cắt kiểu nào, có người lại nhầm tưởng cậu là người Hàn Quốc khiến Thành thấy vui vui. Những người khách ban đầu cũng thấp thỏm đặt cược cái đầu của mình cho Thành, nhưng đến khi kết thúc, khi hỏi lại đều cảm thấy rất hài lòng. Tay nghề một phần, một phần khác cũng bởi sự nhiệt tình, cẩn thận của cậu nên khách hàng dần đông hơn, Thành nghĩ đến việc tìm thêm thợ phụ và đến lượt mình lại quay trở lại hỗ trợ, dạy nghề cho những bạn có cùng hoàn cảnh như mình.

Xã hội - Chàng trai khiếm thính mơ trở thành 'phù thủy trang điểm' (Hình 2).

Nguyễn Thái Thành bên một mẫu trang điểm của mình

Phải bước qua những ranh giới của bản thân

Vượt qua trở ngại về ngôn ngữ, Thành tìm đến với sách báo, mạng điện tử để trau dồi, tìm hiểu những kĩ thuật, kiến thức nâng cao trong nghề. Tuy có thổ lộ về mong ước đạt được "cây cọ vàng" danh giá trên lĩnh vực trang điểm chuyên nghiệp nhưng cậu cũng khá thành thực khi bày tỏ: "Với em, được sống có ích và được làm một nghề thoả sức sáng tạo, hơn nữa lại làm đẹp cho mọi người như thế này đã là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi".

Thấy Thành dễ mến, hay chuyện tôi hỏi cậu đã có người yêu chưa, Thành hơi bất ngờ một chút rồi cười: "Hiện tại em chưa nghĩ đến chuyện đó chị ạ. Bây giờ cuộc sống của em rất vui và có nhiều thứ em đang quan tâm hơn". Ngoài thời gian dành cho cửa hàng, cho việc dạy nghề, niềm vui còn lại của Thành dành cho gia đình, bạn bè và những sở thích cá nhân.

Cậu chia sẻ cũng có vài người bạn thân, thường rủ nhau đi chụp hình, ngồi uống cà phê với nhau. Với người khiếm thính có một chút trở ngại vì ngữ pháp có chút khác biệt với ngôn ngữ nghe nói. Ngày còn học ở trường thì không vấp nhiều nhưng đến khi ra ngoài, ngôn ngữ cuộc sống quá đa dạng, nhiều từ khó, Thành không biết phải diễn đạt thế nào.

Chính những người khách hàng đáng mến lại trở thành những người thầy cuộc sống cho cậu. Lần đầu tiên nhận được tin nhắn của khách hàng hỏi: "Bạn có muốn ngồi cà phê cùng tôi không?", Thành vui lắm bởi những ranh giới của cậu với cuộc sống bên ngoài dần dần đã được cởi ra. Những câu chuyện với bạn bè, với khách hàng dạy cho cậu những điều mà cậu chưa biết. Công việc giúp cậu có thêm nhiều người bạn, đó là niềm vui mà bản thân cậu cũng không thể nào ngờ tới.

Ba mẹ giờ cũng đã có tuổi, các anh chị cũng đã có cuộc sống riêng, bản thân đã có thể tự lo cho mình, đã làm chủ được một cửa hàng và giúp đỡ được những người có cùng hoàn cảnh, mỗi ngày sống và làm việc với Nguyễn Thái Thành là một ngày mở cửa tâm hồn ra để đón nhận niềm vui và những điều kì diệu của cuộc sống.

Thử thách mới

Không hài lòng với việc chỉ cắt tóc, làm đầu cho khách, đến năm 2010, Thành quyết định đi học trang điểm. Có xin một vài nơi nhưng do học phí quá đắt lại không có người phiên dịch nên ước muốn của cậu tưởng phải bỏ dở. Đúng lúc, có lớp học trang điểm dành cho người khuyết tật ở Miss Khuê tổ chức, Thành đăng kí đi học. Tại đó, mọi người dạy bằng cách ghi ra bảng, học viên chép vào sổ, sau đó về nhà những gì không hiểu, Thành lại nhờ chị gái và bạn là những người biết ngôn ngữ kí hiệu giải thích cho, những gì không hiểu thì hỏi lại giáo viên. Thấy Thành đổi nghề, khách hàng cũng lo lắm nhưng vì quý và cũng tin tưởng ở cậu nên bằng lòng làm mẫu cho cậu thực hành trang điểm. Sau khi hoàn tất, Thành cũng lo lắng lắm, không hiểu mọi người có vừa ý không, hồi hộp chờ đợi đến lần sau. Thấy khách quay lại và tiếp tục đề nghị trang điểm cho mình, cậu mới chính thức thở phào.

Đỗ Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.