Xây xong nhà, con phát... điên
Qua chuyến đò ngang sang bên kia sông Lam, hỏi gia đình bà Lê Thị Ngọ và ông Nguyễn Văn Mậu ở xóm 7, xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương (Nghệ An) không ai không biết. Ngôi nhà cấp bốn nằm nép mình khiêm tốn dưới những tầng cọ, nứa xanh mướt một màu ấy không bao giờ đóng cửa.
Với khuôn mặt khắc khổ, buồn rười rượi, bà Ngọ kể về gia cảnh nhà mình trong những tiếng sụt sùi của số phận. Nguyễn Văn Đồng (SN 1980) là con đầu trong gia đình có 5 người con. Dẫu cuộc sống còn cực kỳ vất vả nhưng ông bà vẫn cố thắt lưng buộc bụng, chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm để kiếm tiền cho các con đến trường bằng bạn bằng bè, những mong có cái chữ đổi cuốc cày thành cây bút. Ấy thế nhưng, khi học hết lớp 2, Đồng quyết định bỏ học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Dẫu thân thể gầy gò, nhỏ thó, nhưng thương bố mẹ lam lũ vất vả, anh không nề hà bất cứ việc gì, từ đi chặt củi về bán, chở cát gạch, phụ hồ... miễn sao kiếm thêm được đồng tiền đong gạo.
Bất giác đưa mắt đảo qua một vòng nhà, bà Ngọ nói giọng run run bởi những cảm xúc đang nghẹn đắng trong cổ: "Ngôi nhà này là một tay thằng Đồng làm đó. Nhà được xây năm 2000, nhìn nhỏ nhưng rất kiên cố. Hồi đó, một mình thằng Đồng tự chở cát, đá về đóng gạch xây. Thế nhưng khi lắp xong cánh cửa nhà thì bỗng nhiên nó bị điên luôn tới bây giờ".
Bà Ngọ bên cậu con trai điên loạn.
Trong ngôi nhà mới vững chãi, vợ chồng ông bà Ngọ chưa kịp mừng thì đã phải lo lắng cho bệnh tình đột ngột của đứa con trai. Từ một chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, siêng năng, Đồng bỗng nhiên dở điên dở tỉnh. Bình thường vốn là người rất điềm đạm, hiền lành, nhưng khi lên cơn, Đồng cứ lao vào chửi bới, đánh đập người khác. Đôi lúc, anh còn làm người thân và hàng xóm phát hoảng khi cởi bỏ quần áo, chạy lông nhông khắp xóm. Mọi việc xảy ra quá bất ngờ, khiến vợ chồng bà Ngọ không hiểu biến cố gì đang đổ xuống gia đình mình, con mình, nên chỉ biết ôm nhau khóc. Hồi đó, trước sự đổ bệnh của Đồng, có rất nhiều người khuyên ông bà Ngọ nên đi xem bói, việc này có thể liên quan đến vấn đề tâm linh, khiến gia đình bà cảm thấy hoang mang tột độ. Nhưng sau đó Đồng đã được bố mẹ đưa đến bệnh viện khám.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, anh bị bệnh trầm cảm, kê đơn thuốc rồi bảo đưa về điều trị, song bệnh tình chẳng những không khỏi mà ngày càng nặng thêm. Những lúc cơn điên lên, Đồng chạy khắp làng quấy phá, đánh đập bất cứ ai không kể bố mẹ hay người lạ. Chính bản thân ông Mậu và bà Ngọ đã phải hứng chịu không ít những trận "song phi" bầm giập từ cậu con trai "người không ra người, ngợm không ra ngợm" ấy.
Thương con, ông bà đi khắp nơi "vái tứ phương", hết bệnh viện này đến trung tâm khác, hết thuốc bắc cho tới thuốc nam, thậm chí cả thầy cúng cô đồng, thế nhưng bệnh của chàng thanh niên ấy vẫn không thuyên giảm. Thuốc về nhà ngày một nhiều thì đồ đạc có giá trị của gia đình cũng ngày một vơi, khiến căn nhà mới đang thơm mùi vôi, gạch trống huơ trống hoác.
Lên cơn điên tự cầm dao... chém mình
Cơ cực những phận đời Gia cảnh vợ chồng ông Mậu và bà Ngọ hết sức khó khăn. Cả hai ông bà đều đã trên 60 tuổi, sức yếu không làm được ruộng nên đã cho thuê khoán hết. Chuyển sang chăn nuôi thì gặp lúc dịch bệnh bùng phát, giá thức ăn cao, càng nuôi càng lỗ nặng. Thế nên, dù sức đã yếu, nhưng hằng ngày ông Mậu vẫn trèo cây cọ để chặt lá, chặt nứa về làm tranh lá cọ bán cho người ta kiếm thêm đồng đắp đổi mớ rau, cân gạo. "Đã nghèo còn gặp cái eo", khi mấy ngày trước, ông Mậu lại bị ngã xe, phải nhập viện điều trị. Các em Đồng đã lập gia đình ở tận miền Nam, kinh tế cũng khó khăn không kém cha mẹ, nên cũng chẳng giúp đỡ được gì. Một mình bà Ngọ chạy đi chạy lại giữa nhà và bệnh viện, vừa chăm con lại vừa chăm chồng, rồi chạy vạy để có tiền mua thuốc cho ông. Được biết đến nay, số tiền ông bà vay để mua thuốc cho Đồng đã lên tới 60 triệu đồng, không có khả năng chi trả. Ngẫm sao cơ cực những phận đời. |
Bệnh tình thì chữa không khỏi, con thì ngày càng không làm chủ được hành động, tâm trí của mình, cực chẳng đã ông Mậu và bà Ngọ đành phải khóa Đồng lại trong phòng. Nhưng với sức trai của Đồng, chỉ sau mấy có đạp, bản lề đã một nơi, cửa nằm chỏng chơ một nơi. Chỉ chờ vậy, Đồng lại lao ra ngoài chạy nhảy phá phách. Hết cách, ông Mậu đành nghẹn ngào mua xích về khóa vào chân con.
Tưởng đây đã là phương án bất đắc dĩ lắm rồi nhưng nào ngờ vẫn chưa yên. Ban đầu, ông bà còn xích Đồng trong nhà chính, dây xích gắn trong chân giường. Thế nhưng bao nhiêu nan giường đều bị Đồng rút ra, bẻ gãy để làm "vũ khí". Hôm nào động trời, Đồng lại lên cơn, chửi bới hò hét điên loạn. Những đêm thức trắng trông chừng con dường như đã diễn ra thường xuyên hơn đối với ông bà Mậu Ngọ.
Có lần lên cơn, lôi xích kéo cả giường ra ngoài cửa, kiếm được con dao cùn, Đồng chặt luôn một ngón tay. Bà Ngọ dưới bếp chạy lên, thấy con đau đớn mà chân tay bủn rủn không biết phải làm thế nào, nước mắt người mẹ lăn dài quanh má. Một thời gian sau, khi ngón tay bị chặt chưa kịp lành thì Đồng lại "gây chuyện". Trong lúc cả nhà đang đi cấy ở ngoài ruộng, Đồng cạy được xích, vơ được con dao thái rau cạnh đó chặt luôn bàn tay trái của mình. Về đến nhà thấy con máu me đầy người, mặt thì đang tái nhợt đi không còn vùng vẫy quấy phá được nữa, ông bà hoảng hốt đưa đến bệnh viện cấp cứu. May thay, lần ấy Đồng vẫn giữ lại được tính mạng.
Sau những đêm trằn trọc không ngủ, ông Mậu bàn với bà Ngọ quyết định làm một việc mà cứ lúc nào nghĩ đến, lòng người làm cha làm mẹ ấy cũng đau nhói. Sau khi đi vay mượn anh em, hàng xóm được một khoản tiền nho nhỏ, ông bà đã nhờ người đến xây một căn phòng nhỏ biệt lập phía sau bếp, để nhốt Đồng. Nhiều bà con trong xóm thương cảm đều bảo, gọi là căn phòng nhỏ để an ủi chứ thực ra không khác gì cái “chuồng”. Nó được xây bằng táp lô, không trát vôi vữa, trên lợp lá cọ, nhưng vì xây thấp nên bên trong nóng như lò nung. Vật dụng duy nhất trong phòng là một tấm phản - nơi Đồng cùng "người bạn" là sợi xích ngả lưng.
Hôm tôi ghé thăm gia đình Đồng là một ngày nắng nồng, khí nóng từ trong phòng bốc ra khiến người đứng được lúc đã muốn "bốc hỏa". Nhìn Đồng nằm co quắp và ốm nhom, mặc độc chiếc quần đùi cười ngây dại, mẹ anh lặng lẽ lau nước mắt, còn người viết không khỏi chạnh lòng. Thật xót xa cho số phận của chàng thanh niên vốn hiền lành chăm chỉ ấy.
Những tiếng khóc buốt lòng
Thấy người lạ đứng ngay cửa, Đồng lao tới nhanh như cắt, nhưng chưa kịp đánh người thì anh đã bị sợi xích to ở cổ chân giữ lại. Không thực hiện được, Đồng lủi thủi quay về tấm phản với ánh mắt lườm lườm. Sau khi ngồi ngay ngắn, Đồng quay lại nhìn thẳng vào mặt khách rồi bất ngờ chửi, chửi chán lại cười, nói luyên thuyên.
Tiến lại gần con, bà Ngọ xoa xoa đầu Đồng, rồi vén đôi chân nhỏ gầy guộc chỉ có da bọc xương của anh lên cho tôi xem. Chiếc ổ khóa to đùng án ngự ngay cổ chân Đồng bó buộc cuộc đời anh với sợi xích to không kém ngay bên cạnh. Ngân ngấn nước mắt, người mẹ đau khổ trải lòng: "Đau đớn lắm cô ơi, sinh con ra giờ phải tự tay xích con lại thế này, chúng tôi làm cha làm mẹ đau đứt ruột. Nhưng không xích thì nó lại quấy phá, đánh đập người ta, rồi còn tự hành hạ thân xác mình. Chặt ngón tay rồi chặt cả bàn tay, không dễ chừng khi lên cơn nó còn lấy dao tự giết mình nữa ấy chứ. Vợ chồng tôi cực chẳng đã mà phải làm thế này". Nhìn xuống cái ổ khóa, cầm lên bóp chặt, bà Ngọ nấc lên những tiếng khóc buốt lòng.
Những vết lằn do sợ xích xuất hiện chi chít quanh chân, ăn sâu vào da thịt Đồng. Bà Ngọ phân trần: "Xích vậy mà nhiều khi nó còn bứt giật được để đi đấy cô ạ. Cháu nó khi tỉnh trông hiền lành lắm, tôi có thể lại gần để vệ sinh, lau rửa cho cháu. Nhưng khi nó lên cơn, bố mẹ nó cũng đập hết, những lúc thế, vợ chồng tôi nào dám đến gần".
Loan Nguyễn