Từ một cậu bé mù ở Trà Vinh, anh Đến tìm tới mảnh đất Sài Gòn để mưu sinh rồi lập nghiệp. Xuất phát từ những bất hạnh của bản thân, anh đã cảm thông hơn cho những người cùng cảnh ngộ. Một thời gian sau, anh dành dụm tiền lập mái ấm ngay trên chính ngôi nhà nhỏ cho những thân phận như mình trước đây.
Anh Đến kể chuyện đời về mình
Cách TP. HCM khoảng 50km, chúng tôi tìm về xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, Trà Vinh) để tận mắt nghe những ngón đàn du dương từ bàn tay những mảnh đời bất hạnh. Mỗi người một cảnh nhưng họ quy tụ về mái ấm Mây Bốn Phương để được sống vui vẻ dưới bàn tay chăm sóc dạy dỗ của thầy Đến. Người thầy khiếm thị, lang thang khắp Sài Thành để kiếm sống. Thậm chí, người đàn ông này từng bị người đời thương hại và xem thường.
Thương mình mà ngẫm tới người
Anh Lê Văn Đến (SN 1969) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Từ nhỏ anh đã phải sống trong cảnh chật vật. Nhà có sáu anh chị em thì hai người phải chịu cảnh mù lòa, khiếm thị. Thời điểm đó, gia đình nông dân nào cũng nghèo, để kiếm được cái ăn đã khó khăn chứ đừng nói tới chuyện học hành. Tuy sống trong cái nghèo khổ nhưng anh Đến lại luôn mơ ước thành một nghệ sĩ chơi đàn. Tuy nhiên, mặc dù biết ước mơ của con nhưng gia đình anh Đến không đủ khả năng để đáp ứng. Hơn nữa, với một người bình thường học đàn đã khó nói gì đến cậu bé tật nguyền. Bố mẹ khuyên anh nên từ bỏ ước mơ, chỉ cần làm mấy việc lặt vặt giúp đỡ gia đình. Cậu bé nghèo chỉ biết im lặng chấp nhận nghe lời ba mẹ.
Tuy nhiên, sau thời gian suy nghĩ, anh Đến cho rằng nếu mình bị khiếm thị mà không vượt qua chính mình thì suốt đời mình sẽ mặc cảm, tự ti chẳng làm việc gì có ích. Thế rồi mới 14 tuổi, anh Đến khăn gói rời khỏi vùng quê nghèo lên Sài Gòn. Vừa chân ướt chân ráo bước tới chốn phồn hoa đô thị, anh đã xui xẻo gặp kẻ xấu cướp hết quần áo và đồ ăn uống. Lúc này anh đi lang thang nhịn đói để tìm địa chỉ nhà người thầy dạy đàn. Lúc đó, anh thầm nghĩ sao ông trời lại bất công với mình đến thế. Anh Đến không ngờ trên đời lại có kẻ đi ăn cướp của người tật nguyền.
Sau khi tìm được nhà người thầy dạy đàn, anh Đến được người đàn ông này cưu mang. Hàng ngày, anh được thầy dạy đàn, truyền cảm hứng âm nhạc và dạy cách đối nhân xử thế. Một thời gian sau, anh nghĩ không thể bám víu mãi vào người khác được. Sau đó, anh Đến xin phép thầy dọn ra ngoài ở trọ. Tuy nhiên, ở đời lắm nỗi đắng cay, anh đến đi tới đâu xin việc người ta cũng không nhận. Vì chẳng ai dại gì mà nhận người mù lòa vào làm việc. Chàng trai khiếm thị không những bị chê bai mà còn đón nhận những thái độ khinh bỉ, hắt hủi từ xã hội. Không bỏ cuộc, anh lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm đất Sài Thành bán vé số mưu sinh. Sau này quen việc, để tăng thêm thu nhập, anh bắt đầu làm nhiều nghề khác như đi bán bánh mì, bánh hỏi...
Con những cặp vợ chồng mù gửi tại mái ấm
Bán vé số xây nhà tình nghĩa
Thời gian anh bươn chải kiếm tiền ngoài đời giúp anh nhận ra rằng cuộc đời này còn có nhiều mảnh đời bất hạnh hơn mình. Khi anh dành dụm thuê được nhà đã cho một vài người mù lòa sống cùng. Thời gian sau đó, anh Đến mua một miếng đất nhỏ ở Củ Chi rồi xây nhà. Biết được tấm lòng của anh, những người tật nguyền đến hỏi thăm xin ở cùng. Thấy số lượng ngày càng đông, anh cho xây thêm phòng cho họ ở. Cách đây 5 năm anh thành lập mái ấm lấy tên Mây Bốn Phương. Sở dĩ lấy cái tên này bởi anh nghĩ mái nhà của anh sẽ là nơi cho những “đám mây” rơi rớt từ bốn phương bay về một nơi là mái ấm này.
Được biết hiện tại, mái ấm của anh có 40 người. Trong đó hầu hết họ tự tìm tới anh để xin được ở lại, còn một số đứa trẻ mồ côi khác thì anh Đến đi xin lại về nuôi. “Đáng thương nhất là mười đứa trẻ dưới mười tuổi. Chúng là con của những cặp vợ chồng mù. Gia đình quá khó khăn, họ không nuôi nổi con nên gửi lại mái ấm này. Họ bảo khi nào kinh tế gia đình ổn định sẽ rước con về”, anh Đến chia sẻ. Những đứa trẻ từ mười tuổi trở lên được anh Đến dạy đàn, dạy nghề và một số cho đi học nghề thêm để sau này có thể tự nuôi sống được bản thân.
Đáng nói hơn, mái nhà chung này không chỉ cho dành người mù mà những người già tuổi, không nơi nương tựa cũng tìm đến để được che chở. Họ rất vui vẻ khi được quần tụ với những người cùng cảnh. Bà Út Sáu, năm nay hơn 80 tuổi kể: “Nhà tui không còn ai thân thích. Được người quen giới thiệu, tôi xin vào ở đây những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Trong mái nhà này không những vui vầy cùng các cháu mà còn được chú Đến chăm sóc rất tận tình”. Ngồi bên cạnh, ông Út Xệ, năm nay 70 tuổi, với dáng người mảnh khảnh cho biết, nhà ông cũng ở Củ Chi. Những năm chiến tranh loạn lạc ông xin đi lính nhưng bố mẹ không đồng ý. Quá chán nản, ông xuống tóc đi tu ở một ngôi chùa tại TP. HCM. Khi bố mẹ ông già yếu, ông Út Xệ phải bỏ nghề tu về quê nhà chăm sóc. Sau này họ qua đời, gia đình chỉ còn lại một mình ông. Ở nửa bên kia của cuộc đời, vợ con không có nên ông thường xuyên đi lang thang, vạ vật khắp nơi xin ăn. Rồi người ta thương hại, chỉ ông vào mái ấm này nương tựa. “Khi tôi gặp anh Đến trình bày hoàn cảnh, anh chấp nhận ngay. Cậu ấy nói với tôi cứ ở đây sinh sống cùng các cháu và các cụ khác. Tất cả là một gai đình”, ông Út Xệ tâm sự.
Tay đang tập đàn, em Dưỡng năm nay 20 tuổi, từng bị chứng bại não vừa bị mù vui mừng khoe: “Từ ngày vào đây tới giờ em thấy bệnh của mình giảm hẳn. Không những được thầy Đến nuôi cơm mà thầy còn dạy em học đàn. Thầy thường xuyên dạy em phải cố gắng trở thành người có ích. Mình bị bệnh nhưng không thể là đồ bỏ đi được”.
Mối tình cảm động của đôi vợ chồng mù
Trước đó, vì bị người đời miệt thị nên anh Đến luôn phải tìm cách hòa nhập với mọi người xung quanh. Người đàn ông khiếm thị cho biết: “Hồi đó tôi ở rất nhiều nơi. Khi đã sống vùng nào là tôi làm mọi cách để xóa được mặc cảm ở đó. Sống hết mình với mọi người, làm việc chăm chỉ nghiêm túc, không nợ nần gì người khác nên họ không còn phải thương hại tôi nữa”. Có lẽ nhiều người bất ngờ nhất là việc anh Đến cưới vợ. Một cô gái bị khiếm thính đồng cảm với anh nên nhận lời kết hôn. Tuy nhiên, việc hai con người khiếm khuyết đến với nhau cũng nhận được những lời dị nghị của nhiều người. Anh Đến kể: “Mọi người trong gia đình tui bảo đã mù rồi mà lấy người mù nữa thì sau này chỉ có nước chết đói. Nhiều người sáng mắt còn vạ vật ra mới có được miếng ăn nữa là hai người mù. Rồi sau này sinh con nữa, ai sẽ chăm con và lo tương lai của chúng”. Tuy nhiên, anh Đến thương người yêu nên vẫn quyết định cưới. Anh nghĩ nếu hai vợ chồng đồng lòng, chăm chỉ làm ăn thì bất cứ việc gì cũng có thể vượt qua. Sau nay, anh Đến thuyết phục gia đình mãi mới được họ đồng ý.
Nói về mái nhà của mình, anh Đến buồn rầu cho biết, thỉnh thoảng có những mảnh đời bất hạnh tìm đến nhưng anh không thể nhận thêm được. Bởi căn nhà nhỏ không còn phòng trống. Hơn nữa, công việc đàn hát tại các đám cưới, hội hè của anh không thể kham được các chi phí cho mọi người. “Giá như có mảnh đất lớn hơn tôi sẽ xây dựng thêm nhiều phòng hơn nữa để đón những con người bất hạnh đến sống. Hơn nữa, tôi cần các nhà hảo tâm giúp sức để chăm lo cho những người tàn tật ở đây. Vẫn biết việc làm của mình chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc, nên tôi cũng không dám tự hào. Nhưng mái nhà cũng an ủi bản thân rằng mình tàn tật nhưng không vô dụng”, anh Đến tâm sự.
Nhiều lần suýt chết vì đói lả Theo anh Đến, để sống vui vẻ, điều trước hết là tìm cách xóa mặc cảm với đời. Mình đã mù, nghèo thì phải sống sao cho tốt để người ta không thương hại và coi thường. Anh cũng chia sẻ trong cuộc đời mình đã quá quen với cái cảm giác đói khát. Có lúc anh suýt chết đói vì mấy ngày liền không được ăn uống. Tuy nhiên, người đàn ông này quan niệm, thà chịu đói chứ không thể đi ăn trộm ăn cướp. Với anh bí quyết để sống hòa đồng với mọi người đó là phải xóa đi mặc cảm của bản thân. |
Ái Minh