Hassan al-Kontar – chàng trai người tị nạn chạy trốn cuộc Nội chiến ở Syria – đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới vào năm 2018 khi bị mắc kẹt tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, trong gần 7 tháng.
Sau một khoảng thời gian dài kể từ khi được chuyển đến sinh sống ở tỉnh British Columbia, Hassan al-Kontar, năm nay 41 tuổi, đã có được quốc tịch Canada và có thể thăm gia đình sau nhiều năm sống trong tình trạng lấp lửng pháp lý.
Hassan có thể phải ăn mừng một mình trong phòng khách sạn ở Princeton, B.C., nhưng giờ anh cảm thấy như có sự ủng hộ của cả một đất nước sau lưng mình. Ngày 11/1 đánh dấu một cột mốc được chờ đợi từ lâu đối với anh: Trở thành công dân của “xứ sở lá phong”.
“Hôm nay giống như một lời tuyên bố chiến thắng cho tôi sau ngần ấy năm”, Hassan nói với Đài Al Jazeera trong một cuộc điện thoại ngay trước buổi lễ nhập quốc tịch. “Hôm nay tôi không còn là người vô quốc tịch nữa”.
Từ một người “không nơi nương tựa”...
Hassan bắt đầu làm việc với tư cách là giám đốc tiếp thị bảo hiểm tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ năm 2006, nhưng tình trạng lưu trú của anh trở thành lấp lửng khi Nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011, và UAE từ chối gia hạn thị thực cho anh.
Nếu trở về quê nhà ở Syria, anh biết mình sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Do đó, Hassan vẫn cư trú bất hợp pháp tại UAE cho đến khi bị bắt vào năm 2017 và bị trục xuất đến Malaysia, một trong số ít quốc gia chấp nhận du khách Syria.
Anh được nhận vào Malaysia bằng thị thực du lịch 3 tháng. Nhưng khi thị thực của anh hết hạn, không nước nào nhận anh. Đó là khi những tháng ngày anh sống trong tình trạng lấp lửng pháp lý bắt đầu.
Hassan lần đầu tiên thu hút sự chú ý của thế giới vào năm 2018 khi anh bắt đầu ghi lại các thử thách của mình ở sân bay và đăng trên mạng xã hội. Anh bị mắc kẹt trong nhà ga trung chuyển nội địa của Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur mà không có giấy tờ nhập cư hợp pháp, không thể rời khỏi hoặc đi đến một quốc gia khác.
Ròng rã 7 tháng trời, anh ngủ dưới gầm cầu thang, tắm gội trong nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật và ăn đồ hàng không được hành khách cho. Trong các video của mình anh cũng nói về hoàn cảnh khó khăn mà những người tị nạn Syria như anh phải đối mặt.
Với sự giúp đỡ từ Hiệp hội Hồi giáo British Columbia và một luật sư, một nhóm các nhà tài trợ Canada – do bà Laurie Cooper đứng đầu – đã xoay sở để đưa Hassan tới định cư ở Whistler, một đô thị nghỉ dưỡng xinh đẹp ở British Columbia, cách thành phố Vancouver 125 km về phía Bắc.
Đề cập đến những người đã giúp mình, Hassan xúc động nói: “Những người này – những người có nhiều lựa chọn trong cuộc sống của họ với tư cách là người Canada để đi du lịch, để vui chơi – cuối cùng đã quyết định tìm niềm vui từ việc giúp đỡ người khác. Nhờ họ mà cuộc sống của tôi đã thay đổi”.
…Đến một công dân của “xứ sở lá phong”
Khi bắt đầu tị nạn ở Canada, Hassan đã làm công việc đầu tiên với tư cách một nhân viên pha cà phê, đồng thời theo học hàng chục khóa học trực tuyến để cuối cùng có thể trở thành nhân viên hồ sơ của Hội Chữ thập đỏ Canada.
Với tư cách nhân viên Chữ thập đỏ, anh tích cực tham gia công tác khắc phục lũ lụt và các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, Hassan cũng dành thời gian viết và cuối cùng “cho ra lò” một cuốn sách kể về giai đoạn đầy thử thách trong cuộc sống của mình có tựa đề “Người đàn ông ở sân bay: Phương tiện truyền thông xã hội đã cứu mạng tôi như thế nào – Câu chuyện của một người Syria”.
“Chúng tôi muốn đóng góp cho các quốc gia nơi chúng tôi sống”, Hassan nói. “Chúng tôi sẽ là một sự bổ sung tốt cho bất kỳ cộng đồng nào mà chúng tôi đang sống”.
Trong suốt những tháng ngày cư trú ở đất nước Canada xinh đẹp, Hassan vẫn không thôi mơ về một ngôi nhà an toàn, về những người thân yêu mà anh đã xa cách nhiều năm ở Syria và tất cả những gì anh đã bỏ lỡ. Anh đã không thể gặp họ kể từ năm 2008.
“Tôi đã phải trả giá bằng 15 năm xa cách gia đình. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cháu gái của mình. Tôi chưa từng được ôm mẹ mình... Tôi đã không thể có mặt vào giây phút lâm chung của cha mình. Tôi đã không thể đến thăm ông hay nắm tay ông khi ông cần tôi nhất”, Hassan chia sẻ.
Giờ đây, với tấm hộ chiếu Canada còn thơm mùi mực, cuối cùng anh cũng có thể ôm hôn những người thân của mình. Họ đã rời Syria đến Ai Cập 4 tháng trước.
Hassan tâm sự, những cuộc đoàn tụ đó không còn là mơ, và thực tế là anh không còn “bất lực” và “không có tiếng nói” nhờ lòng tốt của người dân Canada.
“Cả thế giới đánh giá tôi vì nơi tôi sinh ra chứ không phải vì lỗi lầm hay tội ác của cá nhân tôi. Hôm nay là một tuyên bố chiến thắng cho tôi”, Hassan nói.
Và mặc dù đã từng không dám mơ có thể trở thành người Canada, nhưng Hassan cho biết, anh hiện đang mong muốn thực hiện một giấc mơ khác: Nhâm nhi một tách cà phê với người mẹ vô cùng nhớ nhung của mình.
Minh Đức (Theo CBC News, Al Jazeera)