Chàng trai tật nguyền có gia tài 1.000 bài thơ

Chàng trai tật nguyền có gia tài 1.000 bài thơ

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Đến làng Mậu Duyệt (Cẩm Hưng, Cẩm Giàng, Hải Dương) hỏi nhà anh Nguyễn Hữu Thịnh ai cũng biết. Là con thứ hai trong một gia đình có bốn anh chị em, chỉ riêng mình anh không may mắn mang theo số phận tật nguyền.

Quãng đời không bình yên

Nguyễn Hữu Thịnh là con trai thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Lúc sinh ra, Thịnh khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ khác. Anh học rất giỏi, viết chữ đẹp, là niềm tự hào của gia đình. Những tưởng ngày tháng êm đẹp cứ thế trôi qua, nào ngờ vào một ngày đầu năm lớp hai thì anh có dấu hiệu của bệnh lạ.

Cha anh, ông Luật tâm sự: "Ngẫm lại tôi thấy có sự trùng hợp đến kỳ lạ. Thịnh sinh ngày 11/10/1981 vào thứ bảy thì đúng bảy năm sau cũng vào thứ bảy ngày này con tôi phát bệnh. Đầu tiên bệnh chỉ ở bụng, sau đó đến tay bị liệt khiến gia đình vô cùng lo lắng".

Xã hội - Chàng trai tật nguyền có gia tài 1.000 bài thơ

Những tác phẩm đã in chung và riêng của Nguyễn Hữu Thịnh

Gia đình đưa Thịnh đi nhiều bệnh viện từ huyện, tỉnh đến trung ương nhưng đều không phát hiện ra bệnh. Bác sĩ kết luận anh bị lao não nhưng điều trị lâu dài mà tình hình vẫn không biến chuyển. Thịnh uống đủ loại thuốc từ thuốc nam đến thuốc bắc nhưng không có kết quả.

Cha anh không thể ngờ được rằng, những ngày tháng chiến đấu trong chiến trường miền Nam ông đã bị nhiễm chất độc da cam. Giờ đây chất độc đó đang hành hạ con trai ông. Thương cháu, ông nội Thịnh bắc cả hai cây tre cho anh tập đi. Lúc đầu anh chỉ bị liệt tay trái, sau đó hai chân dần teo cơ, cột sống bị gập khó cử động. Cơ mặt anh cũng bị co rút khiến cho việc giao tiếp gặp nhiều khó khăn.

Đang học lớp hai, Thịnh phải bỏ dở không đến trường nữa. Lúc ấy mới bảy tuổi, anh chưa nhận ra cảnh ngộ mà mình đang mắc phải. Nhìn các bạn cùng tuổi đến trường, nô đùa chạy nhảy Thịnh lại đòi đi học. Bố đưa Thịnh đến trường nhưng vì không theo kịp chúng bạn nên hai tháng sau anh nghỉ học. Thấy con buồn, ông Luật mua sách, báo, truyện về cho con đọc. Sách mở ra một chân trời mới cho Thịnh, giúp anh luôn vui vẻ.

Chỉ còn cánh tay phải cử động được nhưng anh không khuất phục. Mỗi ngày anh đều tập nhích cánh tay từng tí một, nhiều lúc đau đớn nhưng anh tự nhủ phải cố gắng vì không muốn trở thành kẻ bỏ đi. Rồi anh lại tập viết. Đôi tay đã dị dạng, cầm bút rất khó khăn. Mỗi khi viết anh phải dùng một tay giữ vở, lưng phải cúi gập xuống, quỳ hai đầu gối xuống nền nhà. Chữ không ra hàng lối, loằng ngoằng như giun dế nhưng anh vẫn kiên trì luyện tập. Các ngón tay cầm bút tím bầm, mỏi rã rời nhưng anh không bỏ cuộc.

Qua nhiều tháng, anh đã thành công. Vất vả nhất là lúc tập nói. Cơ mặt bị co khiến cho việc phát âm vô cùng khó khăn. Ngày nào anh cũng mang sách ra tập đọc, từng từ một. Dần dần anh đã có thể nói để mọi người nghe hiểu.

Mười năm đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ đấu tranh với sự đau đớn do bệnh tật gây ra, nhận ra những trớ trêu của số phận đã vận vào cuộc đời mình nhưng chưa bao giờ anh để người thân phải lo nghĩ.

Thịnh bảo, anh biết bi quan hay tuyệt vọng chỉ mang lại nỗi buồn. Vì thế, anh luôn giữ tâm trạng vui vẻ, làm những gì mình thích để cuộc sống ý nghĩa. Anh có sở thích tìm hiểu về máy tính, khi máy hỏng anh có thể tự sửa được. Anh còn có năng khiếu chơi cờ vua và cờ tướng. Anh nhìn người khác chơi rồi tự học. Các chú, các bác trong làng hay gọi Thịnh đi đánh cờ. Ngồi trên chiếc xe lăn do bố mình chế tạo, anh tự đi khắp nơi trong làng.

Năm 2010, anh được mời tham gia vào đội cờ vua tỉnh. Cũng trong năm đó, anh lên Hà Nội tham dự lễ trao giải vượt lên số phận của Đoàn thanh niên cùng báo Thanh niên phối hợp tổ chức.

Thơ là cứu cánh cuộc đời

Hữu Thịnh tâm sự rằng anh đến với thơ ca để gửi gắm những tâm tư và trải lòng mình. Ngày còn bé, khi đọc những sách thơ bố mua cho anh đã tập làm thơ. Những vần thơ non nớt ấy đã giúp anh có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống. Đến khi biết đến các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, anh cảm nhận được sự đồng điệu tâm hồn với các thi nhân.

Từ đó anh dồn hết tâm sức vào việc đọc thơ, đọc văn để học hỏi. Mới học hết lớp hai nhưng anh tìm đọc hết những sách cấp hai, cấp ba rồi đại học. Khi viết chữ còn sai chính tả, anh tự rút kinh nghiệm rồi chỉnh sửa.

Năm 1997, khi hội làng Mậu Duyệt diễn ra, bài thơ anh sáng tác về hội làng được các cụ bô lão và người dân trong làng biết đến. Bài thơ chỉ gồm có mười câu nhưng khi đọc lên mọi người đều ngạc nhiên và cảm phục. Những vần thơ vẫn còn vụng dại nhưng trong trẻo thể hiện một nghị lực phi thường của chàng trai tật nguyền. Người dân ở trong thôn đều coi anh là một tấm gương sáng về vượt khó.

Xã hội - Chàng trai tật nguyền có gia tài 1.000 bài thơ (Hình 2).

Chân dung Nguyễn Hữu Thịnh

Những ngày đầu, anh sáng tác thơ không theo niêm luật mà theo suy tưởng và cảm xúc. Cánh tay phải cử động rất khó nhưng anh vẫn cặm cụi nắn nót từng chữ trên giấy. Một bài thơ lục bát 20 câu nhưng nhiều khi anh phải mất từ 45 phút đến một tiếng mới viết xong. Những lúc nghỉ ngơi anh lại suy ngẫm trong đầu rồi viết ra. Thơ của Thịnh viết về những kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu với cuộc sống. Sau này khi đã nắm được niêm luật, anh chủ yếu sáng tác theo thể loại lục bát, năm chữ và bảy chữ, nhiều nhất là thơ lục bát.

Những quyển chép thơ của anh cứ dày theo năm tháng, đến nay gia tài của anh đã lên đến hơn 1.000 bài thơ. Trong đó có bài Những lời thơ gửi em gái đang học đại học, anh viết tặng em gái khiến cô nữ sinh rất xúc động. Anh viết như một bức thư gửi gắm cả khát vọng mong em thành công và làm thay anh những mơ ước. Lời thơ giản dị mà gửi gắm bao tâm tư: "Em làm thay anh những khát khao/Mà cuộc đời gò bó (đôi chân anh bại liệt)/Lòng thương em như quê hương tha thiết/Viết cạn lời không kể hết em ơi”.

Gia cảnh còn nhiều khó khăn, lại lo cho ba anh em học đại học, nhưng vì thương con bố mẹ vẫn gom góp để mua cho anh một chiếc máy vi tính. Từ đó, anh có thể tìm hiểu nhiều thông tin, giao lưu trao đổi thơ ca với bạn bè mọi vùng miền. Anh tham gia nhiều website văn học, thường xuyên đăng tải các sáng tác mới của mình để chia sẻ với bạn bè. Anh được mời làm đại diện miền của website lucbat.com tại Hải Dương, rồi lại làm công tác điều hành của trang thuhoiquan.net.

Thơ ca cho Thịnh thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, cũng mang đến cho anh nhiều người bạn tri kỷ. Cái duyên đưa anh đến với nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, người đồng cảnh ngộ dù đôi chân bị liệt nhưng vẫn yêu thơ ca tha thiết, rồi những người bạn đồng cảnh ngộ trong nhóm Tam thi nhất mệnh, tiền đề của nhóm Toàn xương sau này. Từ những thành viên nòng cốt ban đầu, Thịnh và những người cùng cảnh ngộ tập hợp lại với nhau thành lập nhóm Toàn xương.

Trang website hoiquantre.info của nhóm Toàn xương điều hành được xây dựng từ những đồng nhuận bút thơ ít ỏi của các thành viên trong nhóm. Không chỉ là nơi trao gửi những vần thơ, website còn lập ra một quỹ học bổng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Đầu tháng 8/2012, Nguyễn Hữu Thịnh được mời vào Quy Nhơn giới thiệu hai tập thơ. Tác phẩm của anh in chung nhiều, in riêng có tập thơ Thương lắm mai sau (NXB Công an nhân dân 2010). Tập thơ gửi gắm những suy tư về mẹ và những khao khát trong cuộc sống. Hiện tại, anh đang hoàn chỉnh hồ sơ để xin gia nhập Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, và tìm nhà tài trợ cho tập thơ tới có nhan đề Nối lại những yêu thương vừa hoàn thành cách đây vài tháng.

Thanh Loan


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.