Chàng trai tật nguyền vươn lên thành ông chủ xưởng mộc

Chàng trai tật nguyền vươn lên thành ông chủ xưởng mộc

Thứ 4, 24/04/2013 14:41

Về xã Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội), chúng tôi được nghe kể nhiều về anh Quách Đức Mạnh, một thanh niên khuyết tật ở tuổi ngoài 30 đã không đầu hàng số phận để vươn lên trở thành ông chủ một xưởng mộc có tiếng ở địa phương.

Vượt lên bằng đôi chân bại liệt

Anh Mạnh là con cả trong một gia đình có bốn anh chị em. Ngay từ nhỏ, anh đã bị bại liệt do di chứng của sốt vi rút để lại khiến đôi chân dần bị teo và không đứng vững. Từ bé, ý thức được điều không may mắn của mình nhưng anh cũng không chán nản hay bi lụỵ mà vẫn cố gắng giúp đỡ bố mẹ công việc nhà. Lúc ấy vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ chỉ làm ruộng, nhà lại đông anh em nên học hết cấp hai, anh đã xác định phải trang bị cho mình một nghề ổn định để lập nghiệp.

Mới đầu, anh học nghề khâu nón, công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, cần mẫn chủ yếu dành cho chị em. Song anh khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi đôi bàn tay tài hoa của mình khi tay anh thoăn thoắt từng đường kim mũi cước. Công việc không vất vả nhưng do sức khỏe yếu nên dù có cố gắng làm, mỗi ngày anh chỉ kiếm được hơn 20.000 đồng tiền công.

Quyết định tìm công việc có thu nhập cao hơn năm 2004, anh theo học nghề mộc. Sau hơn hai năm cố gắng cần mẫn học nghề, anh đã được nhận làm công và có thu nhập để tự trang trải cuộc sống cho mình và giúp đỡ một phần cho gia đình. Trong những lúc khó khăn và chán nản nhất, người luôn đồng hành cùng anh là các thành viên gia đình, những người luôn ở bên cạnh động viên và tiếp thêm cho anh nghị lực sống. Anh tâm sự: "Biết tôi đam mê với nghề, gia đình đã không quản khó khăn, đầu tư cho tôi đi học. Nhất là bố và cậu em trai kém sáu tuổi đã giúp đỡ tôi rất nhiều".

Miền bắc - Chàng trai tật nguyền vươn lên thành ông chủ xưởng mộc

Quách Đức Mạnh (người chống nạng) cùng những công nhân của xưởng mộc

Trở thành ông chủ xưởng mộc

Với sức vóc nhỏ bé và việc đi lại gặp nhiều khó khăn, theo đuổi nghề mộc, anh Mạnh luôn phải đánh vật với từng khúc gỗ. Trước kia làm nghề đan nón, chỉ cầm kim còn đỡ, nay chuyển sang cầm đục, cầm dùi đôi tay trở nên lóng ngóng vụng về, khiến anh phải cố gắng rất nhiều. Anh kể: "Thời gian đầu chưa quen công việc, tôi tưởng mình không đủ sức để làm nổi. Hai tay cầm dùi, đục liên tục bị sưng, xây xước, có khi còn bị đóng cả đinh vào tay.

Trong nghề, việc vẽ hoa văn đã khó nhưng phần tạo hình, đục đẽo trên thớ gỗ càng khó hơn". Nhìn những tác phẩm mĩ nghệ tinh xảo được tạo ra từ đôi bàn tay của anh khó có thể nhận ra trước đây chúng chỉ là những khúc gỗ xù xì, xấu xí. Cũng có lúc nhụt chí, muốn bỏ dở công việc, nhưng anh lại tự động viên mình phải cố gắng vì không muốn phụ sự tin tưởng từ gia đình và công sức của bản thân đã bỏ ra theo đuổi bấy lâu nay. Một thời gian sau, anh đã mạnh dạn đầu tư để mở xưởng tại nhà.

Xưởng mộc của anh mở ra năm 2009, với nhân công vỏn vẹn chỉ có ba người và gặp rất nhiều khó khăn trong khâu chọn vật liệu và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhìn đôi chân teo tóp và thân hình nhỏ bé, khó có thể tưởng tượng được anh đã kiên cường như thế nào để vượt qua những trắc trở. Bước ngoặt là đầu năm 2012, bất chấp còn nhiều trở ngại và khó khăn, anh đã mạnh dạn thuê nhà xưởng ở mặt đường lớn để mở rộng quy mô. "Lúc đầu, nhiều người e ngại rằng với thể trạng nhỏ bé, yếu ớt thì tôi khó có thể theo được cái nghề rất vất vả này, nhưng tôi nghĩ, quan trọng là mình phải có lòng đam mê với nghề. Có tình yêu nghề, với sự quyết tâm thì bất cứ ai cũng có thể có cơ hội thành công. Nếu cứ bi quan, chán nản và suy nghĩ tiêu cực thì sẽ không thể làm được gì cả", anh Mạnh chia sẻ.

Mở rộng xưởng phải thuê thêm nhân công để giải quyết khối lượng công việc lớn hơn. Hiện xưởng mộc của Mạnh đã tạo việc làm cho 11 thanh niên trong xã, trong đó có hai người khuyết tật với thu nhập ổn định là 150.000 đồng/người/ngày.

Tuy quy mô nhỏ nhưng xưởng mộc của anh Mạnh lúc nào cũng nhộn nhịp khách vào ra bởi những sản phẩm làm ra được thị trường rất ưa chuộng. Những sản phẩm của xưởng là đồ thờ và nội thất gia đình. Khi đến đây, người ta đều có thể bắt gặp hình ảnh ông chủ xưởng mộc người nhỏ bé di chuyển hoạt bát bằng đôi nạng gỗ để quán xuyến mọi công việc lớn nhỏ. Nhiều khi có những sản phẩm khó, đòi hỏi tay nghề cao, anh lại tự tay làm để đảm bảo yêu cầu của khách hàng. Nhìn đôi tay anh thoăn thoắt thao tác đục, bào trên những tấm gỗ để tạo nên những hoa văn tinh xảo mới hiểu anh say và yêu nghề đến mức nào.

Mong được đầu tư thêm để hỗ trợ người khuyết tật

Nói về những dự định cho tương lai, anh Mạnh cho biết: "Tôi muốn tới đây sẽ mở rộng sản xuất nhưng vẫn còn khó khăn về vốn. Tôi mong các cấp hội, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay để tôi có thể tiếp tục phát triển sản xuất và tôi sẵn sàng nhận những người cũng có cùng hoàn cảnh như tôi vào làm việc".

Loan Thanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.