Sinh ra kém may mắn, chàng tí hon Ma Văn Tụ (SN 1995) chỉ cao 1m, nặng 27kg do mắc di chứng chất độc da cam từ ông nội để lại. Không đầu hàng số phận, không lùi bước trước những khó khăn, vất vả, kỳ thi đại học vừa qua, em thi đỗ cả hai trường đại học.
Không tự ti, sống hết mình
Gương mặt khôi ngô, tuấn tú, trắng trẻo, đôi mắt sáng, cộng với sự tự tin, dí dỏm, giọng nói nhẹ nhàng trìu mến là những điều người đối diện cảm nhận được lần đầu tiếp xúc với Ma Văn Tụ. Không tự ti, sống hết mình và dám theo đuổi ước mơ, đó là những chia sẻ của Tụ trong những ngày đầu về Thủ đô học tập và bắt đầu một cuộc sống mới tự lập, xa nhà.
Quê Tụ ở thôn Cầu Quất, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, một vùng quê thuần nông, người dân chủ yếu lấy nguồn thu từ cây lúa, con lợn, con gà, ao cá. Tuy nhiên, dù nghèo nhưng việc học hành của con em họ được đặt lên hàng đầu, bởi chỉ có con đường học mới thoát được nghèo, mới hy vọng thay đổi cuộc sống hiện tại.
Nhà tân sinh viên Ma Văn Tụ cũng giống như nhiều gia đình khác, nhà tranh vách đất, chiếc bàn học cho "ra hồn" cũng không có. Bố em phải dựng tạm tấm ván để có bàn học cho Tụ. Cả gia đình bốn người chỉ trông vào mấy sào ruộng và cái ao cá nhỏ cạnh nhà. Bố mẹ Tụ quanh năm tất bật tối ngày cũng chỉ đủ nuôi anh em Tụ ăn học (em trai Tụ đang học lớp 8 - PV).
Tân sinh viên Ma Văn Tụ đi khai giảng năm học mới tại trường đại học Công nghệ
Nhắc đến người con trai thiệt thòi so với chúng bạn mới "chân ướt chân ráo" lên thành phố nhập học, cô Trần Thị Dung, mẹ Tụ rất lo lắng vì đây là lần đầu tiên em xa nhà, xa gia đình.
Con người ta lành lặn xuống thành phố học, bố mẹ còn lo cho từng li từng tí, đằng này Tụ khuyết tật, không thể không lo lắng, nhưng hai bố mẹ bận tối ngày chỉ gọi điện hỏi thăm sau bữa ăn tối.
Cô Dung tâm sự: "Tụ sinh ra thiệt thòi hơn so với chúng bạn, bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ ông nội để lại. Dù cơ thể Tụ không phát triển được như chúng bạn nhưng may mắn trí tuệ em bình thường và cũng khá thông minh. Có lẽ biết mình thiệt thòi nên Tụ rất ham học.
Ngoài thời gian giúp bố mẹ những việc lặt vặt trong nhà, còn lại Tụ dành cho việc học tập và chỉ bảo em trai". Gia đình Tụ thuộc diện hộ nghèo trong xã. Dù sống trong cảnh nghèo khó nhưng Tụ chưa bao giờ than trách bố mẹ về hoàn cảnh gia đình mình. Tụ chỉ mong sau này ra trường sẽ đi làm có tiền để giúp gia đình.
Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua Tụ thi đỗ cả hai trường, khối A vào trường đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và khối B vào đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Ước mơ đến giảng đường và sau này trở thành một lập trình viên của Tụ đã trở thành hiện thực, hiện em đang theo học tại khoa Công nghệ thông tin, ĐH Công nghệ.
Nhắc đến cậu học trò khuyết tật học giỏi, nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy Tụ đều không bất ngờ với kết quả thi đại học của em bởi những thành tích đáng nể suốt 12 năm học. 9 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi, 3 năm cuối cấp đặt học sinh xuất sắc. Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh nhiên Cộng sản Hồ Chí Minh vì có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác đội và phong trào thiếu nhi trong 5 năm. Bằng khen của sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang và nhiều giấy khen, giấy chứng nhận đoạt giải trong các cuộc thi giỏi cấp huyện, tỉnh.
Nhắc đến những thành tích đã đạt được, Ma Văn Tụ khiêm tốn: "Vì thiệt thòi hơn chúng bạn, nên em tự đặt ra mục tiêu cho mình phải quyết tâm học thật giỏi để sau này trở thành người có ích, không phải là gánh nặng cho gia đình. Em sẽ theo đuổi ước mơ của mình đến cùng. Ước mơ học ngành công nghệ thông tin của em đã thành hiện thực và chặng đường tiếp theo của em vẫn còn nhiều thử thách, em sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa".
Trước khi làm hồ sơ thi đại học, Tụ đã tham khảo các thầy cô, bạn bè ngành mà em sẽ theo học để làm sao ra trường, công việc sau này ít phải di chuyển và phù hợp với bản thân. Tân sinh viên Ma Văn Tụ chia sẻ: "Lên cấp ba em mới được tiếp xúc với máy vi tính, nhưng máy vi tính rất nhiều điều mới mẻ mà em khó thể tưởng tượng được trước đó. Chỉ một cú kích chuột cả thế giới đã hiện ra trước mắt. Nhiều kiến thức bổ ích trong học tập và cuộc sống đều có, rất tiện ích. Từ đó mà em quyết tâm theo đuổi ngành học mới mẻ này. Hơn nữa, công việc đó cũng phù hợp với sức khỏe và thể trạng của em".
Kỹ sư công nghệ tương lai Ma Văn Tụ khuôn mặt luôn nở nụ cười và tự tin khi giao tiếp
Tình bạnvượt qua thử thách
Theo học ở một trường đại học lớn là niềm mong ước của biết bao người đã từng ngồi trên ghế nhà trường và các bậc phụ huynh. Không có điều kiện như nhiều gia đình khá giả, ngày Tụ chuẩn bị lên nhập học, bố mẹ Tụ lo lắng vay mượn, bán cái gì có thể được để lo tiền cho con nhập học.
Cô Dung, mẹ của Tụ cho biết: "Hôm hai mẹ con lên Hà Nội nhập học, tôi mang hơn 6 triệu đồng mà cũng chỉ đủ đóng tiền đầu năm cho cháu. Cháu xin được ở ký túc xá nên cũng đỡ tốn kém. Tiền ăn thì cháu chỉ xin ăn hai bữa, mỗi bữa 20.000 đồng, nhưng tôi bảo con phải ăn sáng mới có sức để học. Tính ra mỗi tháng cả tiền ăn, ở, sinh hoạt cũng gần 2 triệu đồng.
Học công nghệ thông tin nên cháu rất cần máy tính mà vợ chồng tôi mới lo tiền đóng đầu năm học cho cháu cũng khá tốn kém, nay phải cố lo thêm khoản này nữa cũng quá sức liền một lúc, đành bảo cháu chờ một thời gian nữa… Dù phải vay mượn, bán tất cả để lo cho cháu ăn học, vợ chồng tôi cũng không tiếc, chỉ mong cháu học nên người".
Biết gia đình khó khăn, nên Tụ không bao giờ đòi hỏi, em làm quen với cuộc sống mới, tự lập và khắc phục những khó khăn trước mắt khi gia đình chưa thể đáp ứng. Ma Văn Tụ tươi cười cho biết: "Trước mắt chưa có máy vi tính em sẽ học nhờ các bạn cùng lớp, các anh chị cùng phòng ký túc xá. Sách vở cũng có thể mượn được các bạn hay xin lại của các anh chị khóa trên. Em sẽ học thật tốt để không phụ lòng bố mẹ và các thầy cô đã kỳ vọng".
Nhà Tuấn và Tụ cách nhau 3km, hàng ngày Tuấn đều đặn đến đưa đón Tụ đi học trên chiếc xe đạp cọc cạch với đoạn đường hơn 8km, trong đó hơn 3km đường đất. Kể cả những hôm trời mưa bùn đất lầy lội nhưng chưa bao giờ đôi bạn nghỉ học hay đến muộn. Niềm vui nhân đôi với đôi bạn là trong kỳ thi đại học vừa qua, Tuấn và Tụ cùng đạt kết quả cao. Tuấn thi đỗ cả hai trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Nông nghiệp I Hà Nội.
Thiên Vũ